Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối.
|
+ Thưa luật sư, vụ việc nước sinh hoạt bị nhiễm "bẩn" đang khiến cho hàng ngàn người dân Hà Nội phải chịu cảnh thiếu thốn, tích trữ, xách nước về sử dụng chẳng khác gì thời bao cấp. Để xảy ra tình trạng này, Công ty Viwasupco có trách nhiệm như thế nào?
- Có 2 vấn đề lớn cần phải xem xét trong vụ việc này về trách nhiệm của Công ty Viwasupco. Thứ nhất, công nghệ lọc nước của Viwasupco có vấn đề khi không lọc hết được các loại tạp chất, chất độc hại, trong trường hợp này là chất Styren. Cháy nhà mới ra mặt chuột, vụ việc chính là một "bài kiểm tra", lật tẩy công nghệ lọc nước sinh hoạt lạc hậu của Viwasupco; chứng minh công nghệ này không đảm bảo các tiêu chuẩn, kỹ thuật, không đủ khả năng kiểm soát, loại bỏ được các chất độc hại.
Từ đây, người dân có quyền nghi ngờ, liệu rằng nước của Viwasupco từ trước đến nay có đủ tiêu chuẩn sử dụng hay không? Câu hỏi này có lẽ chỉ Viwasupco đủ khả năng trả lời.
Thứ hai, phía Công ty Viwasupco cố gắng thanh minh, giải trình, luôn tỏ ra mình là bị hại khi bị đối tác đổ trộm dầu thải vào nguồn nước sông Đà, hay nói cách khác là vô ý bán nước không đảm bảo tiêu chuẩn cho người dân. Vậy Viwasupco giải thích thế nào khi biết nước không đảm bảo tiêu chuẩn nhưng vẫn cố tình bán cho người dân sử dụng? Đến khi dư luận, người dân phản đối thì tìm cách đổ lỗi cho người khác?
Đây chính là hành vi cố tình bỏ mặc hậu quả, thoái thác, đổ trách nhiệm.
Người dân sống tại Khu đô thị Linh Đàm đổ xô lấy nước sạch sinh hoạt từ xe stec.
|
Mặt khác, chính Viwasupco có khả năng ngăn chặn nhưng vẫn tiếp tục bán nước không đảm bảo cho người dân. Vì vậy, người dân càng có quyền nghi ngờ Viwasupco còn nhiều uẩn khúc, khuất tất và còn nhiều lần bán nước không đảm bảo khác.
Đối với hành vi cố ý bán nước bẩn không đảm bảo tiêu chuẩn, cơ quan chức năng đủ căn cứ để khởi tố hình sự về tội "sản xuất, mua bán hàng giả".
Ngoài ra, những người quản lý, đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm.
+ Theo ông, người dân phải được biết chất lượng nước mà mình đang sử dụng hàng ngày?
- Đúng vậy! Công ty Viwasupco phải cung cấp các thông tin minh bạch về việc nước đạt tiêu chuẩn nào, các chất hoặc hóa chất độc hại trong nước ở mức cho phép không, công nghệ của Công ty có thể lọc được bao nhiêu chất độc, đảm bảo nước an toàn trong giới hạn cho phép hay không. Hàng trăm người dân đang sử dụng nước của Công ty có quyền được biết những thông tin này.
+ Một vấn đề khác, theo Quy chuẩn Việt Nam 01:2009 của Bộ Y tế ban hành, trong nước chỉ được phép có 20 microgam Styren/lit. Song, có ý kiến cho rằng chưa có nghiên cứu nào về việc tác động của chất Styren tới sức khỏe và ở Mỹ cho phép nước chưa khoảng 0,1mg/l chất này. Quan điểm của ông về ý kiến trên?
- Tôi khẳng định, chúng ta đang áp dụng các quy chuẩn của Việt Nam, nên thông tin từ Mỹ chỉ là yếu tố tham khảo. Thực tế, lượng chất Styren có trong nước đã vượt quá tiêu chuẩn mà Việt Nam cho phép, vì vậy Công ty đã vi phạm quy định. Việc chất Styren đó có tác động như thế nào thì sau này các nhà chuyên môn sẽ làm rõ, có thể cần tới những đề tài khoa học rất chuyên sâu.
Xe stec cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân khu vực Linh Đàm.
|
Điều quan trọng đó là phải xác định vi phạm của Công ty, thiệt hại trước mắt mà người dân phải chịu để xử trí vi phạm thích đáng.
+ Từ đây, người dân có thể khởi kiện, buộc Viwasupco phải bồi thường thiệt hại hay không?
- Các hộ dân bị thiệt hại có quyền khởi kiện trong trường hợp này, theo Luật tố tụng dân sự 2015. Tuy nhiên, số lượng hộ dân bị thiệt hại trong trường hợp này rất lớn, khiến cho quy trình, thủ tuc phức tạp. Các hộ dân nên yêu cầu Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương hoặc Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng đứng ra bảo vệ quyền lợi cho mình.
Trong trường hợp này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đứng ra là phù hợp nhất. Đơn vị này được giao quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Song, kể từ khi vụ việc diễn ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lại hoàn toàn im lặng, không có động thái, ý kiến và cũng không đứng ra thu thập chứng cứ, khởi kiện, bảo vệ người tiêu dùng.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng có thể đại diện cho đại đa số người tiêu dùng, có thể chứng minh được khối lượng giá trị nước mà người dân sử dụng trong một khoảng thời gian, thiệt hại về giá trị vật chất, sức khỏe, tính mạng… Họ cũng có thể mời các cơ quan chuyên môn vào đánh giá các thiệt hại thực tế.
Tại sao Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng im lặng? Thật khó hiểu. Nếu họ bảo vệ người dân, các vấn đề về thủ tục, tổ chức sẽ được giải quyết nhanh chóng.
+ Xin cảm ơn ông!