Luật hoá việc hiến mô, tạng từ người chết tim: Sẽ thêm nhiều bệnh nhân được cứu sống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ở Việt Nam, số người cần ghép tạng rất nhiều, nhưng thách thức lớn nhất chính là thiếu tạng hiến. Trong khi nguồn tạng từ chết tim rất lớn, lại chưa được đưa vào Luật Hiến ghép mô tạng có từ 2006.

vt-gs-he-3736.jpg
PGS.TS.Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức: Cần đưa vấn đề hiến mô tạng từ người chết tim vào Luật

Để tăng nguồn tạng hiến, giúp thêm nhiều người được cứu sống, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã tổ chức hội thảo “Hiến mô tạng từ người chết tim tại Việt Nam” vào sáng nay, 29/2, nhằm xin ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia trong việc đề xuất bổ sung vấn đề này vào Luật Hiến ghép mô tạng sửa đổi 2025.

Luật chưa theo kịp thực tiễn

GS. Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam - đánh giá cao đề xuất đưa vào luật vấn đề hiến tạng từ người chết tim của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, vì là vấn đề rất quan trọng, đáng ra cần được đề xuất sớm hơn. Tuy nhiên, vẫn kịp thời để bổ sung cho Luật sửa đổi.

“Vấn đề cốt lõi là sự cần thiết, lợi ích của vấn đề” - GS. Khánh lưu ý.

vt-gs-khang-2892.jpg
GS. Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam - đánh giá cao đề xuất đưa vào luật vấn đề hiến tạng từ người chết tim

PGS.TS. Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - thông tin: Hơn 10 năm qua, nguồn hiến tạng từ người chết tim đã được nhiều nước quan tâm, nên số tạng hiến từ chết tim tăng nhanh, thậm chí, cao hơn nguồn hiến từ người chết não. Ở Trung Quốc, hiến tạng từ chết não chiếm 17%, chết tim chiếm tới 19%, do nhiều người cho rằng chết tim mới thực sự là chết.

Theo PGS.TS. Đồng Văn Hệ, chẩn đoán chết tim cũng cần có quy trình và so với chẩn đoán chết não, có thể sẽ đơn giản hơn. Đặc biệt, người dân dễ chấp nhận hơn, là tim người thân đã ngừng đập tức là đã chết thật rồi. Bởi hiện vẫn còn 1 số người nghĩ rằng chết não thì 1 số bộ phận khác vẫn hoạt động, vì tim người thân tim vẫn đập, nên không đồng ý với việc hiến, nhất là ở Trung Quốc.

Tại hội thảo, các chuyên gia nhất trí rằng việc lấy tạng từ nguồn chết tim sẽ phát triển tốt trong thời gian tới, nên Việt Nam cần đưa vào Luật, cũng như đề xuất quy trình, hướng dẫn để giới y khoa có thể thực hiện được.

Khi có quy định về người chết tim, sẽ tăng nguồn hiến mô tạng, giúp rất nhiều cho ngành ghép tạng. Khi tim dừng hoạt động, giới y khoa có nhiều cách giúp cho thận, phổi, gan, tuỵ và những tạng khác vẫn sống để ghép được cho người khác trong vài giờ.

Các chuyên gia lên tiếng

vt-gs-kinh-8333.jpg
GS.TS Nguyễn Quốc Kính: Hiến tạng sau chết tuần hoàn là một lựa chọn để vinh danh ý nguyện bệnh nhân

GS.TS Nguyễn Quốc Kính - nguyên Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa Bệnh viện Việt Đức - phân tích các vấn đề chuyên môn trong báo cáo “Hiến tạng sau chết tuần hoàn và triển vọng ở Việt Nam” đã kết luận: Hiến tạng sau chết tuần hoàn là một lựa chọn để vinh danh ý nguyện bệnh nhân, nên được xem xét trong khi chăm sóc cận tử thật tốt cho mọi bệnh nhân đã biến cố thần kinh nặng, góp phần hạn chế thiếu tạng ghép.

Góp ý tại hội thảo, TS. Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - nêu quan điểm: Vấn đề quan trọng là xác định được tim chết không thể hồi phục lại được. Do đó, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn chết tim của Việt Nam, có tính hội nhập. Luật hoá tiêu chuẩn về mặt khoa học, cả người lớn lẫn trẻ con.

vt-hung-2326.jpg
TS. Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức: Phải thay đổi từ nhận thức của chính người làm truyền thông về hiến tạng

Đặc biệt, ông Hùng cho rằng việc truyền thông, vận động hiến tạng cần phải thay đổi từ nhận thức của chính người làm truyền thông, từ đó, thay đổi nhận thức của thân nhân người hiến. Thực tế sự thay đổi trên đã giúp cho việc hiến tạng ở Bệnh viện Việt Đức tăng cao vào cuối 2023.

Ông Hùng cũng đề xuất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ làm hồi sức cho bệnh nhân với người tư vấn hiến tạng, vì người ảnh hưởng nhiều nhất đến người nhà bệnh nhân là bác sĩ hồi sức, nhưng lại không được phép tư vấn hiến tạng, còn người tư vấn thì gần như không có mối quan hệ cũng như hiểu biết gì về gia đình bệnh nhân.

vt-nguyen-4565.jpg
TS. Phan Thảo Nguyên - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện E - cho rằng, cần coi trọng công tác truyền thông hiến tạng

TS. Phan Thảo Nguyên - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện E - cũng cho rằng, hiến tạng là vấn đề nhân đạo, nên cần coi trọng công tác truyền thông, mà đầu tiên phải là nhận thức, thấu hiểu của người làm công tác này. Khi tư vấn hiến tạng, bác sĩ hồi sức phải đứng ở vai trò người nhà bệnh nhân.

TS. Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia - cũng với quan điểm thay đổi tư duy của người tư vấn hiến tạng trước, phải hiểu được câu chuyện của người bệnh, trân trọng họ và đặt mình vào vị trí hoạt động họ để hỗ trợ, thuyết phục mới thành công. Đó là con đường mà thế giới đã làm.

vt-ts-thu-3375.jpg
TS.BS. Dư Thị Ngọc Thu - Trưởng đơn vị điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy

TS.BS. Dư Thị Ngọc Thu - Trưởng đơn vị điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy - cũng nêu ý kiến: Bệnh nhân hiến tạng nhân đạo, nên mọi chi phí phải công bằng và do ngân sách nhà nước chi trả. Bên cạnh đó, cần định nghĩa rõ ràng về ngừng tim và chết não trong hiến tạng. Xây dựng hoàn chỉnh, chặt chẽ các quy định về pháp lý, hành chính, tiêu chuẩn Y khoa và tài chính, làm cơ sở cho sự phát triển hệ thống Hiến – Điều phối - Ghép mô - tạng bảo đảm tính minh bạch, công bằng.

Có mặt tại hội thảo, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Luật hiến ghép mô tạng 2006 đã bộc lộ những bất cập, khi kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam hiện đã tương đương các nước trên thế giới. Công tác điều phối ghép tạng còn nhiều khó khăn, nên việc sửa đổi Luật theo hướng hội nhập là cần thiết, trong đó có vấn đề chết tim.

vt-phucc1-4147.jpg
TS. Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia: Bộ Y tế nên đưa Luật Hiến ghép mô tạng sửa đổi vào danh mục luật ưu tiên trong năm 2024.

TS. Nguyễn Hoàng Phúc đánh giá cao việc các nhà chuyên môn “nổ phát súng” đầu tiên trong việc phân tích và nhất trí đưa vd hiến mô tạng từ người chết tim vào luật là rất có ý nghĩa. Vấn đề còn lại là cách làm: Cần có sự đồng thuận của các nhà pháp luật, nhà quản lý, các nhà làm luật, ý kiến các đại biểu Quốc hội…cũng như các tổ chức quốc tế, các nước có nhiều thành công trong vấn đề này như Tây Ban Nha, Mỹ, Hàn vv… để học tập kinh nghiệm.

Ông Phúc đề xuất: Bộ Y tế nên đưa Luật Hiến ghép mô tạng sửa đổi vào danh mục luật ưu tiên trong năm 2024.

PGS.TS. Đồng Văn Hệ cũng đề nghị cần đưa vấn đề hiến mô tạng từ người chết tim vào Luật; triển khai ngay các bước chuẩn bị trước tháng 9/2024 và lựa chọn 1 danh từ chính xác nhất, dễ hiểu và dễ truyền thông nhất.