VDB tài trợ 20.000 tỷ đồng để Tập đoàn Đèo Cả thực hiện dự án giao thông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo thỏa thuận giữa Tập đoàn Đèo Cả và ngân hàng VDB, tổng mức vốn cung ứng dự kiến giai đoạn năm 2024 - 2027 là khoảng 20.000 tỷ đồng.

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Tập đoàn Đèo Cả và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - Chi nhánh Lâm Đồng ký kết thỏa thuận hợp tác về tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Hai bên thống nhất hợp tác tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cho các Dự án đầu tư hạ tầng giao thông do Tập đoàn Đèo Cả tham gia đầu tư. Cụ thể, các dự án thực hiện thuộc danh mục được vay vốn và đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định tại Nghị định số 78 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

IMG_9977.jpg
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Đèo Cả và VDB.

Theo thỏa thuận, tổng mức vốn cung ứng dự kiến giai đoạn năm 2024 - 2027 khoảng 20.000 tỷ đồng, được phân bổ một theo các năm (năm 2024: 1.400 tỷ đồng, năm 2025: 3.500 tỷ đồng, năm 2026: 9.600 tỷ đồng, năm 2027: 5.500 tỷ đồng). Nhu cầu vay vốn thực tế sẽ được Tập đoàn Đèo Cả thông báo cho Chi nhánh VDB Lâm Đồng ngay sau khi các dự án được cấp có thẩm quyền Phê duyệt chủ trương đầu tư.

VDB Lâm Đồng cam kết cung cấp tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng dự án; phối hợp với Đèo Cả báo cáo Ngân hàng VDB tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp nhận thẩm định cho vay, giải ngân và thu nợ các dự án của tập đoàn.

Còn Tập đoàn Đèo Cả sẽ thực hiện đầy đủ các quy định về vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước; thực hiện đầu tư và quản lý khai thác dự án có hiệu quả, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trả nợ đầy đủ, đúng hạn: gốc, lãi, phí (nếu có và các quy định khác theo hợp đồng tín dụng...

Hiện nay, để thực hiện dự án PPP các Nhà đầu tư phải huy động vốn từ các Ngân hàng thương mại với thời hạn ngắn, lãi suất cao. Ngân hàng thường không mặn mà với lĩnh vực này do tỷ lệ vốn nhà nước tham gia thấp và nhiều dự án BOT giao thông đã triển khai gặp vướng mắc nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Hợp tác giữa hai đơn vị sẽ giải quyết một số khó khăn trong việc triển khai các dự án PPP, việc huy động vốn trở nên dễ dàng hơn, giảm bớt gánh nặng tài chính cho các nhà đầu tư và nhà thầu tham gia dự án. Điều này tạo ra niềm tin đến các bên liên quan, thúc đẩy quá trình phê duyệt và triển khai dự án, đồng thời, mở ra cơ hội mới cho phát triển hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án PPP khác trong tương lai.

Tập đoàn Đèo Cả

Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị hàng đầu Việt Nam và định hướng vươn tầm quốc tế trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành các công trình hạ tầng giao thông Việt Nam, tiên phong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành GTVT. Trải qua 38 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Đèo Cả có 20 đơn vị thành viên với 8.000 lao động, đến nay Đèo Cả hoàn thành hơn 30km hầm đường bộ, hơn 400km đường cao tốc & quốc lộ, 6 cầu lớn và quản lý 15 trạm thu phí đường bộ trên cả nước.

IMG_9937.jpg
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, phát biểu tại buổi lễ.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo do Đèo Cả thực hiện sẽ được khánh thành trước ngày 30/4/2024, đây là công trình khó khăn bậc nhất khi Đèo Cả tham gia đấu thầu giảm giá gần 1.000 tỷ đồng, dự án có địa hình, địa chất phức tạp, đường tiếp cận rất khó khăn, tình trạng khan hiếm vật liệu, dịch bệnh Covid xảy ra nhưng nay cũng đang băng băng về đích.

Năm 2024, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất đầu tư hơn 300 km đường cao tốc, đường vành đai từ các dự án tiêu biểu như là cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (ở Lạng Sơn), Tân Phú - Bảo Lộc (ở Lâm Đồng), TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu 1 - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2… với tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng.

Từ mô hình PPP, Tập đoàn Đèo Cả đã tiên phong áp dụng mô hình PPP++ với mục đích tối ưu hóa việc huy động vốn cho dự án bằng cách đa dạng hóa nguồn vốn bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn chủ sở hữu, tín dụng, lợi nhuận xây dựng, trái phiếu, cổ phiếu và hợp đồng BCC nhằm nâng cao hiệu quả huy động và giảm thiểu rủi ro thực hiện.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB)

Ngân hàng Phát triển Việt Nam hiện có mạng lưới 30 Chi nhánh, Sở giao dịch và các Phòng giao dịch tại các tỉnh thành phố trực thuộc TƯ và 17 Ban, Trung tâm tại Trụ sở chính đặt tại Thủ đô Hà Nội.

Trải qua hơn 17 năm hình thành và phát triển, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước, khẳng định vị trí, vai trò là định chế tài chính nhà nước, là công cụ của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô góp phần đáng kể trong việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội qua từng thời kỳ.

Với tổng lượng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cung ứng cho nền kinh tế đạt trên 200.000 tỷ đồng, thời gian qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như nâng cao năng lực sản xuất của các ngành kinh tế thông qua việc tài trợ, cho vay gần 200 dự án trọng điểm trên phạm vi cả nước.