Năm 1886 tại nước Mỹ, với cách chế biến là dùng nước đường, hạt coca cùng hỗn hợp gồm 7 loại hương tự nhiên khác, một thứ nước uống mới mẻ mang hương vị Cola đã ra đời. Và 13 năm sau, Tập đoàn Coca Cola được thành lập.
Tháng 2/1994, Coca Cola bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam sau khi Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại với số vốn đầu tư hơn 163 triệu USD.
Tuy nhiên, từ khi có mặt đến nay, công ty này chưa năm nào có lãi.
Những khoản lỗ triền miên
Tháng 8/1995, liên doanh đầu tiên giữa Coca-Cola Đông Dương và Công ty Nông nghiệp và Thực phẩm Vinafimex được thành lập đặt trụ sở tại miền Bắc. Tiếp nối liên doanh này là Coca-Cola Chương Dương tại miền Nam. 3 năm sau, vào tháng 1/1998, thêm một liên doanh nữa xuất hiện tại miền Trung là Coca-Cola Non Nước.
Với sự thay đổi về chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài, vào tháng 10/1998, Chính Phủ Việt Nam đã cho phép các công ty liên doanh trở thành công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài. Chính sách này đã tạo điều kiện cho Coca Cola mua lại phần vốn góp của các đối tác Việt Nam và theo đó, cả 3 công ty liên doanh đều lần lượt vào tay của Tập đoàn Mỹ.
Sau khi mua hết phần sở hữu của liên doanh trong nước, Coca Cola Việt Nam trở thành công ty 100% vốn nước ngoài với vốn đầu tư 350 triệu USD và tổng công suất của 3 nhà máy gần 400 triệu lít Coca-cola/năm.
Điều đáng nói là việc Coca Cola Việt Nam từ khi xuất hiện đã luôn ở trong tình trạng không có lãi. Đây được cho là một nguyên nhân khiến bên đối tác Việt Nam không thể tiếp tục đầu tư mà quyết định chuyển nhượng phần vốn của mình cho Coca Cola.
Từ vài năm trước đây, khi Cục thuế Tp.Hồ Chí Minh cho biết kết quả kinh doanh của Coca Cola Việt Nam, cộng đồng đã không khỏi bất ngờ bởi những con số lỗ triền miên sau nhiều năm hoạt động của doanh nghiệp này.
Theo đó, mặc dù doanh thu hàng năm vẫn tăng trưởng đều đặn với mức tăng trưởng bình quân 24%, đặc biệt từ năm 2008 nhưng tính đến năm 2011, Coca Cola Việt Nam đã lỗ lũy kế tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu.
Mức tăng trưởng nổi bật của thị trường Việt Nam
Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Coca Cola, sau khi tăng trưởng liên tục đến năm 2012, doanh thu của Coca Cola tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương đã bắt đầu đi xuống và lợi nhuận trước thuế đang chững lại ở mức trên 2.400 triệu USD/năm.
Tốc độ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ tại thị trường này cũng đang theo chiều đi xuống với nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm sản lượng tại Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên mức tăng trưởng này cũng là con số cao nhất trong các thị trường tiêu thụ sản phẩm của Coca Cola. Đặc biệt, năm 2012 dù tăng trưởng sản lượng của khu vực châu Á- Thái Bình Dương chỉ có 5% nhưng riêng của khu vực Asean là 11%.
Doanh thu thuần từ thị trường châu Á – Thái Bình Dương chiếm hơn 11% tổng doanh thu của Tập đoàn, là thị trường lớn thứ 3 và cũng là thị trường có tỷ suất sinh lời lớn thứ 3 của Coca Cola.
Báo cáo tài chính năm 2014 của Tập đoàn Coca Cola ghi nhận kết quả tăng trưởng sản lượng tiêu thụ tại Việt Nam tới 25%, tại Thái Lan là 9% trong khi Philippines giảm 3% và thị trường Úc giảm 4%.
Điều này phần nào nói lên sự hấp dẫn của thị trường châu Á nói chung và của Việt Nam nói riêng. Ông Nguyễn Khoa Mỹ, Giám đốc Đối ngoại Công ty Coca-Cola Việt Nam từng đánh giá, thị trường nước giải khát không cồn tại Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn phát triển ban đầu, với mức tiêu thụ bình quân đầu người thấp.
Phải chăng đó là lý do khiến dù lỗ đã cả chục năm, Coca Cola vẫn muốn tiếp tục rót vốn đầu tư vào Việt Nam?
Thực tế là, Coca Cola đang ở diện nghi vấn số 1 về chuyển giá
Ông Irial Finan - Phó Chủ tịch Tập đoàn Coca Cola từng phát biểu, mục tiêu của Coca Cola tại thị trường Việt Nam là dài hơi nên việc lỗ 10 năm hay 20 năm là “chuyện bình thường”.
Tuy nhiên, ông Lê Duy Minh, Trưởng phòng kiểm tra thuế số 1 Cục Thuế TP.HCM cho biết Coca Cola Việt Nam đã bị liệt vào vị trí số 1 trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá.
“Doanh nghiệp này luôn kê khai lỗ ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006-2007 chi phí nguyên phụ liệu lên đến 80-85% giá vốn.” – ông Minh trả lời trên báo chí.
Do không có cơ sở so sánh, đối chiếu giá nguyên liệu với các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề vì nguyên liệu là do công ty mẹ của Coca Cola Việt Nam độc quyền cung cấp nên theo lý mà nói, Coca Cola Việt Nam có đủ bằng chứng chứng minh con số lỗ của mình.
Theo báo cáo của Tập đoàn Coca Cola, với việc kinh doanh đa quốc gia và tận dụng được lợi thế từ các nước có mức thuế suất thấp, mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp trung bình của Tập đoàn các năm qua là 22,5% - thấp hơn mức 35% tại Mỹ.
Theo Trí thức trẻ