Một trong những sự kiện nhận được sự chú ý nhất trên khắp thế giới trong những ngày qua là phiên họp xem xét việc có tăng lãi suất với đồng USD hay không của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) diễn ra trong 2 ngày 15-16.3. Bất kể việc FED có tăng lãi suất đồng USD hay không, thì nó cũng sẽ tạo ra một tác động lớn đối với thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là với Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc ở thời điểm hiện tại không chỉ phải đối mặt với sức ép suy giảm tăng trưởng và chuyển đổi mô hình kinh tế, mà còn đang phải đứng trước một sự lựa chọn khó khăn nhất trên thị trường tài chính, đó là có nên để nhân dân tệ “ly dị” với USD hay không.
Việc Trung Quốc neo đồng nội tệ của mình vào đồng USD từ lâu đã không còn là chuyện gì lạ lẫm. Kể từ khi mở cửa nền kinh tế vào những năm 80 và đặc biệt là sau khi gia nhập WTO vào năm 2001, Trung Quốc đã duy trì một chính sách neo chặt tỷ giá đồng nhân dân tệ vào đồng USD suốt từ đó đến nay. Bất cứ một động thái thay đổi tỷ giá của đồng USD nào (thường là do FED nâng hoặc giảm lãi suất) thì chính phủ Trung Quốc cũng có những động thái tương tự để duy trì khoảng cách tỷ giá giữa đồng USD và nhân dân tệ, để tỷ giá giữa hai đồng tiền này không quá chênh lệch và gây ra những hậu quả lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Điều này là dễ hiểu khi hầu hết các khoản tài chính quan trọng nhất trong nền kinh tế Trung Quốc đều có dính líu chặt chẽ đến đồng USD, chẳng hạn như các khoản đầu tư nước ngoài hay các khoản vay của những doanh nghiệp nước này, kể cả là quỹ dự trữ ngoại tệ hàng ngàn tỉ USD của Trung Quốc. Một khi đồng USD biến động tỷ giá thì nền kinh tế Trung Quốc có thể gặp phải những hậu quả nghiêm trọng.
Việc neo đồng nhân dân tệ vào USD có tầm quan trọng trên thực tế lớn đến mức, ngay sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra vào năm 2008 thì Trung Quốc lại phải tuyên bố quay trở lại việc neo tỷ giá vào đồng USD vào năm 2009 sau khi đã mạnh miệng tuyên bố sẽ cho đồng nội tệ của mình "ly dị" đồng USD vào năm 2005. Việc đồng USD biến động tỷ giá mạnh mẽ trong năm 2008 - 2009 để đối phó với cuộc khủng hoảng đã buộc Trung Quốc một lần nữa phải neo đồng nhân dân tệ vào đồng bạc xanh để tránh những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, vấn đề có tiếp tục neo tỷ giá đồng nhân dân tệ vào đồng USD hay không lại đang một lần nữa đặt ra với chính phủ Trung Quốc ở một mức độ bức thiết nhất. Tần suất lợi và hại đan xen nhau đang là vấn đề rắc rối nhất với Trung Quốc. Sẽ vẫn có những lợi ích đáng kể nếu nhân dân tệ tiếp tục neo giá vào USD, chẳng hạn như những khoản nợ nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc. Một khi bỏ chính sách neo giá, đồng USD tăng giá còn nhân dân tệ giảm giá, thì khối lượng các khoản nợ này sẽ bỗng chốc phình to ra và gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế Trung Quốc.
Dòng vốn đầu tư và ngoại tệ sẽ càng chảy khỏi thị trường nước này nhanh hơn những gì diễn ra trong thời gian qua. Việc tiếp tục neo giá vào USD có thể giúp Trung Quốc tránh được những tác động tiêu cực trong ngắn hạn, là dễ dàng thanh toán các khoản nợ nước ngoài hơn và phần nào ngăn chặn bớt đà tháo chạy của dòng vốn ra khỏi thị trường nước này.
Tuy nhiên, cái hại của việc tiếp tục neo giá vào đồng USD dường như đang lớn hơn với Trung Quốc. Các chỉ số kinh tế vĩ mô của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại có vẻ như thích hợp hơn với kịch bản đồng nhân dân tệ giảm giá, nghĩa là chấm dứt neo giá vào một đồng USD đang có xu hướng mạnh lên.
Trước hết, Trung Quốc cần một đồng nhân dân tệ giảm tỷ giá để thúc đẩy xuất khẩu, đồng thời làm giảm quy mô các khoản nợ xấu khổng lồ trong hệ thống ngân hàng của nước này. Nếu tiếp tục neo đồng nhân dân tệ vào USD, thì việc đồng USD có xu hướng tăng giá như hiện nay sẽ kéo theo tỷ giá đồng nhân dân tệ cũng tăng, và các khoản nợ xấu khổng lồ của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ tăng lên đáng kể.
Điều này có nghĩa là, nếu bỏ chính sách neo giá vào đồng USD, thì Trung Quốc dù phải đối mặt với những tác động tiêu cực trong ngắn hạn (như thanh toán các khoản nợ nước ngoài và sự tháo chạy của dòng vốn) nhưng về lâu dài thì có thể đem lại nhiều tác động tích cực hơn.
Đã bắt đầu có một số dấu hiệu chứng tỏ Trung Quốc muốn chấm dứt chính sách neo tỷ giá vào đồng USD, khi mà vào giữa tháng 12.2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tuyên bố sẽ chuyển sang neo tỷ giá đồng nhân dân tệ vào một rổ tiền tệ bao gồm USD, euro, yen và một số đồng tiền quốc tế khác, thay vì chỉ neo vào duy nhất đồng USD như trước. Dù vẫn chưa thể khẳng định được chính phủ Trung Quốc đã dứt khoát cho đồng nhân dân tệ “ly dị” đồng USD về lâu dài, nhưng đây cũng có thể được xem như một chỉ dấu cho thấy hướng đi trên thị trường tài chính trong tương lai của Bắc Kinh.
Vì thế, việc kết quả của cuộc họp 15-16.3 của FED bàn về việc có nên tăng lãi suất đồng USD hay không có thể được xem như một phép thử đối với quyết định có tiếp tục chính sách neo giá đồng nhân dân tệ vào đồng USD của Trung Quốc.
Theo một số chuyên gia, thì dù FED có nâng lãi suất vào tháng 3 hay không thì đồng USD vẫn sẽ tăng giá khoảng 10% trong thời gian tới, và đây là một mức tăng đủ để gây ra những tác động lớn tới việc quyết định chính sách neo giá của Trung Quốc. Việc đồng USD tăng giá 10% có thể khiến cho các tác động tiêu cực mà kinh tế Trung Quốc sẽ gặp phải khi bỏ chính sách neo tỷ giá vào đồng USD bị khuếch đại, và có thể dẫn đến sự nhượng bộ của chính phủ nước này sẽ buộc phải quay trở lại chính sách neo tỷ giá trong ngắn hạn trước cuộc họp kế tiếp của FED vào tháng 6.
Có thể dựa vào phản ứng của ngân hàng trung ương Trung Quốc và chính phủ nước này trước việc đồng USD tăng giá sau cuộc họp của FED để kiểm chứng xem nước này có dám để đồng nhân dân tệ “ly dị” đồng USD về lâu dài hay không.
Nếu Bắc Kinh nhượng bộ, tiếp tục neo tỷ giá trước cuộc họp tới của FED vào tháng 6 để tránh các tác động tiêu cực do đồng USD tăng giá, thì nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không đủ cương quyết để chấm dứt hoàn toàn chính sách neo tỷ giá về lâu dài.
Còn nếu như đồng nhân dân tệ tiếp tục sụt giá trong thời gian tới, bất kể việc đồng USD tăng giá sau cuộc họp của FED, thì có thể xem như dấu hiệu của việc Trung Quốc đã dám dứt khoát “ly dị” đồng nội tệ của mình với đồng USD, và đồng nghĩa với việc sẽ phải hứng những tác động nghiêm trọng với nền kinh tế trong thời gian sắp tới.
Theo Một thế giới