Liên tiếp nhiều học sinh nhập viện do rối loạn tâm lý bởi áp lực học tập

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương liên tiếp đón nhận nhiều học sinh nhập viện điều trị rối loạn tâm lý do áp lực học tập, khiến các chuyên gia phải lên tiếng cảnh báo.

Áp lực học tập khi chuyển cấp khiến nguy cơ rối loạn tâm lý ở học sinh tăng cao
Áp lực học tập khi chuyển cấp khiến nguy cơ rối loạn tâm lý ở học sinh tăng cao

Theo TS.BS Ngô Anh Vinh – Phó Trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương - áp lực học tập là vấn đề mà bất kỳ học sinh nào cũng đều phải đối mặt, đặc biệt là vào thời điểm chuyển cấp. Áp lực học tập cũng có thể xuất phát do đặt nặng thành tích từ phía nhà trường hoặc gia đình. Ngoài ra, đôi khi chính do bản thân trẻ tự tạo áp lực vì không muốn bản thân thua kém bạn bè hoặc đặt ra những yêu cầu cao hơn so với khả năng của mình. Nếu tình trạng này diễn ra lâu dài sẽ khiến trẻ mất đi niềm vui, sự hào hứng trong học tập và có nguy cơ mắc phải các vấn đề rối loạn tâm lý.

Mới đây, Khoa Sức khỏe vị thành niên đã tiếp nhận một học sinh tên M. (ở Hà Nội) đi khám tâm lý do áp lực học tập. Theo gia đình, M. vốn là một học sinh giỏi, là niềm hy vọng của gia đình, bạn bè, thầy cô và luôn là tấm gương để các bạn noi theo.

Tuy nhiên, từ khi đỗ vào trường PTTH chuyên của tỉnh, M. luôn trong tình trạng lo lắng do thấy có quá nhiều cạnh tranh, vì các bạn đều là học sinh giỏi và mức độ khó của chương trình học ngày càng cao. Sợ mình bị rơi xuống nhóm cuối của lớp, bạn bè và bố mẹ sẽ nghĩ mình kém cỏi nên M. càng quyết tâm học suốt ngày đêm.

M. đã thức thâu đêm để học, không còn tư tưởng làm việc gì khác, thậm chí không muốn ăn. Càng ngày M. càng thấy lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi, thiếu ngủ và luôn trong tình trạng ngủ không sâu giấc. M. giấu bố mẹ về những suy nghĩ và những biểu hiện của mình nên bố mẹ cho rằng M. vẫn bình thường. Tuy nhiên, gần đây bố mẹ nhận thấy M. ngày càng gầy, giảm cân không rõ lý do nên lo lắng đưa M. đi khám.

Tại Khoa Sức khoẻ vị thành niên, các bác sĩ chẩn đoán M bị rối loạn lo âu do liên quan đến những áp lực về học tập.

TS.BS Ngô Anh Vinh cho biết, việc áp lực học tập gây căng thẳng, rối loạn tâm lý đối với trẻ có nhiều dấu hiệu nhận biết. Đó là các dấu hiệu thay đổi về tâm lý như: căng thẳng, lo lắng, giảm hứng thú trong học tập, cô lập bản thân và không muốn giao tiếp với bạn bè và mọi người. Dần dần trẻ đánh mất niềm vui trong học tập, sợ đi học và không muốn đến trường.

Bên cạnh đó còn có các biểu hiện như: mệt mỏi, mất ngủ, học kém tập trung, ăn uống kém. Nếu vấn đề này kéo dài có thể dẫn đến các rối loạn về tâm lý như lo âu, trầm cảm,… hoặc các bệnh lý về thể chất như suy nhược cơ thể, sụt cân,

"Để giúp trẻ giảm căng thẳng, áp lực, gia đình và nhà trường không nên đặt nặng thành tích học tập quá mức để tránh các áp lực học tập đối với trẻ. Cần đánh giá đúng năng lực của trẻ để đưa ra chương trình học tập và mục tiêu phù hợp, hợp lý" - TS.BS Ngô Anh Vinh cho hay.

Bên cạnh đó, gia đình và thầy cô giáo cần gần gũi và lắng nghe trẻ để biết được mong muốn và nguyện vọng về học tập của trẻ.

Ngoài học tập, luôn đảm bảo cho trẻ được có các hoạt động cân bằng, thư giãn như tham gia vui chơi giải trí, chơi thể thao, các hoạt động dã ngoại,..

"Để phát hiện sớm trẻ căng thẳng, áp lực học tập, nếu phát hiện trẻ có các triệu chứng như trên, gia đình nên chủ động đưa con đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời"- TS.BS Ngô Anh Vinh chia sẻ.