“Đã lâu lắm rồi tôi mới có được cảm giác bình yên thanh thản thực sự như lúc này. Trong cái xã hội đang hối hả náo nhiệt thì bình yên quả là điều xa xỉ vô giá. Ẩn náu vào nơi chỉ có gia đình bé nhỏ của tôi và chẳng mấy khi giao lưu với xã hội bên ngoài, tôi đang sống trong những ngày tháng ‘xa xỉ’ êm đềm bình yên ấy” – Hoạ sĩ Lê Thanh Sơn tự sự.
Trưởng thành giữa phố cổ ồn ào, náo nhiệt đời phố thị không phải là lý do duy nhất khiến hoạ sĩ Lê Thanh Sơn luôn gửi gắm vào nét cọ những vệt màu “nổi loạn”. Chàng hoạ sĩ gốc Hà Thành từ lâu đã nung nấu vẽ những bức tranh phong cảnh miền núi, nhưng guồng quay cuộc đời xoay quá nhanh, chưa khi nào có điều kiện để dừng lại, tĩnh lặng, và mơ ảo đến thế.
Tác phẩm "Miền sương khói" của Lê Thanh Sơn |
Ngoài những trăn trở vật lộn với đời sống thị dân giữa thủ đô, hoạ sĩ Lê Thanh Sơn còn trải qua mấy cuộc hôn nhân mà chắc hẳn lần nào cũng nhiều sóng gió. Hiện tại, hoạ sĩ đang sống với người vợ thứ ba. Theo “bật mí” của Lê Thanh Sơn, anh tin rằng tình cảm lần này có thể bền vững một giai đoạn dài sắp tới. Bởi người đồng hành cùng hoạ sĩ lần này cũng là một nghệ sĩ, nên anh hy vọng vợ sẽ thấu hiểu những cung bậc cảm xúc cao trào trong đời sống nội tâm thường xuyên “nổi loạn” của người cầm cọ.
Một năm Canh Tý sóng gió, chiến đấu cùng dịch bệnh COVID-19 làm ảnh hưởng tới rất nhiều con người, ngành nghề sắp trôi qua. Đối với hoạ sĩ Lê Thanh Sơn, giãn cách xã hội lại là khoảng thời gian anh dừng lại để sống chậm hơn, thưởng thức cuộc sống nhiều hơn, vẽ được tập trung hơn.
Tác phẩm "Xuân về" của hoạ sĩ Lê Thanh Sơn |
Sơn vẽ ký ức, vẽ niềm nhớ về thanh xuân. “Những ngày còn rất trẻ tôi đã lặn lội lên Hà Giang, Đồng Văn rồi sang Cao Bằng về Sa Pa. Một mình một xe máy, tôi đi vào những bản người Mông, người Tày rồi có lúc cuốc bộ leo lên những đỉnh núi cao chót vót nơi sinh sống của người Mèo. Những chuyến đi lãng du thời tuổi trẻ giờ đây chợt ùa về trong tôi. Tất cả những kỷ niệm của một vùng sương khói mờ ảo và tôi lại vẽ trong niềm khao khát hoan lạc như chưa bao giờ được vẽ vậy” – Hoạ sĩ tự sự.
“Tôi chìm vào trong “Miền sương khói” ấy như được sống lại những ngày tháng tuổi trẻ, được sống trong những cung đường xa xôi trập trùng núi non hiểm trở - nơi mà ở đó chỉ có tình yêu và hạnh phúc. Và rồi mùa hoa mận trắng lại về trên những thôn bản miền xa xôi ấy. Mùa hoa ấy lại nở một lần nữa trong tôi như một điều tất yếu, trong giấc mơ và trong cuộc sống hiện tại. Tôi cứ nghĩ về nó, ngẩn ngơ như ngày xưa đi trên những con đường đèo hoang vắng hiểm trở mà chỉ có mây và gió cùng tiếng mõ trâu gọi chiều. Lại đây những mùa hoa đào nở hồng rực rỡ như đôi má thẹn thùng của thiếu nữ người Tày cứ ẩn hiện trong tâm trí tôi. Nó thôi thúc tôi vẽ và vẽ những tác phẩm này” – Lê Thanh Sơn cho biết.
Tác phẩm "Phiên chợ sáng" của hoạ sĩ Lê Thanh Sơn |
Tranh của Lê Thanh Sơn rất sâu, điêu luyện, vừa chắc chắn, vừa bay bổng. Từng bị làm giả, vẽ nhái rất nhiều bức, nhưng có thể khẳng định rằng các nhà sưu tập nếu có tâm và chịu tìm hiểu, sẽ “đọc vị” ngay những bức tranh chép, vì không thể “copy” được cái hồn của tranh Sơn.
Như thường thấy, dấu ấn về con người trong tranh Sơn vô cùng nhỏ bé, nhưng luôn để lại một dấu ấn khắc hoạ đậm nét về nỗi trăn trở, tình yêu thiên nhiên. Hoạ sĩ Lê Thanh Sơn bảo: “Vì đứng trước thiên nhiên hùng vĩ, sự thực là, con người chúng ta quá bé nhỏ”.
Một điều lạ là cho dù vẽ những khung cảnh rất đỗi bình yên, mơ màng, nhưng bảng lảng đâu đó, người xem tranh vẫn thấy hiển hiện niềm đam mê bùng cháy, như ngọn lửa rừng rực toả sáng mờ ảo trên cái nền thấm đẫm lao động miệt mài.
Bức "Rừng chiều" có vẻ đẹp thẳm sâu, được hoạ sĩ Lê Thanh Sơn "bật mí" vì đã được vẽ lại trên nền của một bức hoạ không như ý (Ảnh: Hoà Bình) |
“Hồi còn trẻ, có những ngày tôi đã phải khóc trên toan, rồi mới có thể đạt được sự không phụ thuộc vào kỹ thuật như hiện tại. Giờ thì trái tim mách bảo thế nào thì tôi vẽ thế” – Hoạ sĩ cho biết.
Tranh Lê Thanh Sơn, từ lâu, đã rất đắt giá. Tại cuộc gặp gỡ báo chí ở TP.HCM nhân khai mạc triển lãm “Miền sương khói” (Green Palm Gallery), họa sĩ bật mí, sau quãng thời gian giãn cách xã hội và khó khăn hoàn toàn trong việc di chuyển giữa các quốc gia khác nhau, đã có một cuộc thay đổi ngoạn mục về “chất” đối với những người thưởng tranh. Trước kia, với các mức giá bán tranh của hoạ sĩ Lê Thanh Sơn, hầu hết chỉ có khách nước ngoài mua nổi, nhưng sau đại dịch COVID-19, thì gần như toàn bộ đều là khách Việt đến mua tranh của Sơn, và hoạ sĩ thừa nhận không bị sụt giảm nguồn thu tiền bán tranh.
Triển lãm “Miền sương khói” lần này tại TP.HCM (từ ngày 20/12/2020 đến hết 10/1/2021), hoạ sĩ Lê Thanh Sơn trưng bày 25 bức tranh được hoàn thành trong thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19.
Hoạ sĩ Lê Thanh Sơn (áo trắng) trả lời nhiều câu hỏi của báo chí tại cuộc họp báo ở TP.HCM (Ảnh: Hoà Bình) |
Trả lời cho câu hỏi tại sao dừng lại ở con số 25 bức, nhà sưu tập Trần Thanh Hà – chủ phòng tranh Green Palm cho biết, đã có những cuộc tranh luận sôi nổi giữa phòng tranh và hoạ sĩ, cùng nhau phân tích rất nhiều lý do nên chọn hoặc không chọn bức tranh nào để đưa ra giới thiệu tới công chúng.
Hoạ sĩ Lê Thanh Sơn không dám khẳng định giai đoạn bình yên này sẽ kéo dài được bao lâu, bởi anh biết trái tim luôn có lý của nó, với từng khoảnh khắc yên bình hay nổi loạn. “Hồi trẻ, có những lúc đang bình yên thì tan vỡ, số phận cứ đưa đẩy đến những bến bờ khác. Những người phụ nữ ở bên cạnh tôi chỉ được một thời gian lại không chịu được sự bình yên đó nữa. Nên thôi thì bình yên được lúc nào, thì hạnh phúc lúc đó. Chỉ cầu mong bản thân và tất cả mọi người cùng được yên bình lâu lâu xíu!” – Hoạ sĩ gửi lời cầu chúc xuân mới tới thật bình an với muôn người.
Triển lãm "Miền sương khói" của hoạ sĩ Lê Thanh Sơn trưng bày đến hết ngày 20/1/2021 (Ảnh: Green Gallery) |