Triển lãm phi lợi nhuận, không thu tiền vé vào cửa nhưng phải đăng ký trước và không gian triển lãm được bảo vệ rất chặt chẽ, do trị giá tranh khá lớn. Tổng thời gian trưng bày chỉ kéo dài 4 ngày, từ 11/7 đến hết ngày 14/7, trong không gian của khách sạn 5 sao Park Hyatt Saigon.
Tại đây đang treo 56 bức tranh, là tác phẩm của bộ tứ tên tuổi lớn, gồm có Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu và Vũ Cao Đàm. Các họa sĩ này đều tốt nghiệp những khóa đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux- Arts de l'Indochine) và tác phẩm của họ đều đã đi ra thế giới, được đấu giá trên rất nhiều sàn đấu giá lớn ở nước ngoài. Tất cả đều đang được định giá rất cao.
Nếu xét về quy mô triển lãm tranh Đông Dương, đây có thể coi là triển lãm lớn nhất, quy tụ số lượng tác phẩm và tác giả ở mức “khủng”.
Trả lời câu hỏi của VietTimes về lý do chính thúc đẩy một sàn thương mại như Sotheby’s đã bỏ đầu tư triệu đô cho triển lãm phi lợi nhuận lần này, một trong những giám tuyển của sự kiện, nhà nghiên cứu nghệ thuật độc lập, ông Ace Lê cho hay: “Thực ra thì Sotheby’s cũng được lợi rất nhiều, bởi họ đã nhìn thấy thị trường nghệ thuật Việt Nam những năm gần đây có tốc độ tăng trưởng khá cao so với các nước khác trong khu vực. Sự có mặt của Sotheby’s lần này cũng làm cho thị trường nghệ thuật Việt tiến lên một bước mới trên con đường dài tiếp theo khi tiếp cận với những điều chưa có tiền lệ như bảo hiểm tranh, định giá tranh, kho vận, an ninh… để có thể tiến hành triển lãm”.
Ông Nathan Drahi - Giám đốc điều hành, Sotheby’s Châu Á bày tỏ: “Chúng tôi hy vọng sẽ giúp tái kết nối công chúng được với bề dày di sản văn hóa thông qua những kiệt tác nghệ thuật”.
Buổi phỏng vấn báo chí với giám tuyển Ace Lê (bên trái ảnh), ông Nathan Drahi - Giám đốc Điều hành Sotheby’s Châu Á, đại diện Sotheby’s đến từ Hong Kong (ngồi giữa) và bà Jasmine Prasetio, Giám đốc Điều hành Sotheby’s Đông Nam Á (bên phải) Ảnh: Hòa Bình |
Sự thực là hầu hết công chúng Việt chỉ được nghe nói về các bức tranh có trị giá lớn này trên báo chí và truyền hình chứ chưa mấy người có cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng.
Chính vì được định vị là nằm trong nhóm các thị trường tăng trưởng nhanh trong khu vực, nghệ thuật Việt Nam cũng đang trên đà thu hút sự quan tâm từ giới hâm mộ nghệ thuật toàn cầu. Có thể thấy hai dòng tranh có giá trị lớn và khẳng định được bản sắc riêng biệt của nghệ thuật Việt Nam là sơn mài và tranh lụa, đã mang tới những kỷ lục về giá rất cao cho tranh của cả bốn tác giả đang trưng bày là Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu và Vũ Cao Đàm trên các sàn đấu giá thế giới thời gian vừa qua.
Có thông tin cho rằng nhiều tác phẩm nghệ thuật được trưng bày lần này đã được sưu tập và lưu giữ bởi các nhà sưu tập đang sống tại Việt Nam. Trả lời câu hỏi này của VietTimes, ông Ace Lê khẳng định thông tin này hoàn toàn đúng. “Một trăm phần trăm 56 bức tranh đang trưng bày tại triển lãm “Hồn xưa bến lạ” lần này là được mượn từ các nhà sưu tập (NST) tranh tại Việt Nam, hoàn toàn không có NST nước ngoài. Một số người thì cho phép ghi tên, chẳng hạn như BST của NST Quang San, Hàn Ngọc Vũ, BST Indochine House… còn một số NST khác thì xin phép giấu tên. Chúng tôi đã tuyển chọn từ hơn 200 bức tranh được đề cử để có thể giới thiệu tới công chúng Việt trong lần triển lãm này”.
Dù sao, cũng phải khẳng định rằng hội đồng tuyển chọn do Sotheby’s mời đến không phải là một hội đồng mang tính chất pháp lý, nên họ sẽ chỉ là những đại diện am hiểu về nghệ thuật để chọn tranh cho triển lãm.
Lê Phổ - Les Pavots |
Bên lề triển lãm lần này, cũng xin được nhắc lại mối quan ngại về bản quyền tranh, trong vụ lùm xùm đình đám liên quan đến câu chuyện không hay đã xảy ra khi triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu" diễn ra mấy năm về trước, khiến Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM phải lên tiếng xin lỗi về Bộ sưu tập cả 17 bức tranh đều là giả, do ông Vũ Xuân Chung mang tới làm triển lãm tại bảo tàng.
Liên quan đến vụ việc, tác giả viết bài đã liên lạc đến sàn đấu giá Christie’ s Hong Kong và nhà đấu giá quốc tế này cũng đã gửi email xác nhận ông Jean François Hubert là chuyên gia về nghệ thuật Việt Nam và châu Á của Hãng đấu giá Christie’s Hong Kong, là người giám tuyển nghệ thuật cho "Những bức tranh trở về từ châu Âu", thuộc BST của ông Vũ Xuân Chung, cuối cùng, đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nhận định 17 bức tranh đều là giả mạo danh họa.
Trước câu hỏi khác của VietTimes về việc sàn đấu giá Sotheby’s có hay không mối quan ngại vấn đề bản quyền tranh, vì đây luôn là chủ đề nóng trên truyền thông Việt Nam, ông Nathan Drahi - Giám đốc Điều hành Sotheby’s Châu Á, đại diện Sotheby’s đến từ Hong Kong cho hay: “Bản quyền là vấn đề làm nên thương hiệu của chúng tôi từ hơn 200 năm nay nên chúng tôi làm rất kỹ. Nhiều tranh trong số này đã được đấu giá tại các sàn quốc tế và được người Việt Nam mua và mang về Việt Nam. Tất cả các tác phẩm được trưng bày đều có lai lịch rõ ràng, có giấy xác nhận của gia đình họa sĩ hoặc chứng nhận sở hữu từ nhà sưu tập”.
Xin được giới thiệu lần lượt một số bức tranh đang treo tại triển lãm "Hồn xưa bến lạ".
Lê Phổ - Maternite (Maternity) |
Lê Phổ - Thiếu nữ vuốt tóc |
Lê Phổ – Woman with fan |
Lê Thị Lựu - Fillette aux nattes avec son panier de fleurs |
Mai Trung Thứ- Le petit pêcheur du lac (Child Fishing by The Lake) |
Mai Trung Thứ- Hai mỹ nữ |
Vũ Cao Đàm - Hai nàng Kiều |
Vũ Cao Đàm - Hai thiếu nữ |
Vũ Cao Đàm - Les Musiciennes |
Vũ Cao Đàm - Le Retour (The Return) |
Mai Trung Thứ - Hai thiếu nữ trên cầu. Ảnh: Hòa Bình |
Mai Trung Thứ - Thiếu nữ soi gương. Ảnh: Hòa Bình |
Lê Thị Lựu - Chân dung cô Anh Trần. Ảnh: Hòa Bình |
Lê Phổ - Thiếu nữ bên mẫu đơn. Ảnh: Hòa Bình |
Lê Phổ - Hai thiếu nữ và hoa. Ảnh: Hòa Bình |
Mai Trung Thứ - Qua cầu. Ảnh: Hòa Bình |