Theo tài liệu được tờ Computer Weekly và Observer công bố tuần qua, Facebook đang bí mật vận động hành lang nhằm vào hàng trăm chính trị gia trên thế giới, bao gồm: Anh, Mỹ, Canada, Ấn Độ, Việt Nam, Argentina, Brazil, Malaysia và 28 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU).
Tài liệu mô tả chi tiết về cách Facebook vận động hành lang chính trị với quy mô trên khắp Châu Âu, như một phần trong chiến dịch chống lại Đạo luật Bảo vệ Dữ liệu Tổng quát (GDPR). Facebook đã gây áp lực để cựu Thủ tướng Ireland Edna Kenny tuyên bố có thể thúc đẩy lợi ích của Facebook, với tư cách là Chủ tịch EU.
Khi liên hệ với hồi ký “Dấn thân” (Lean In) của Giám đốc điều hành Facebook Sheryl Sandberg, tài liệu này đã cho thấy mối quan hệ ràng buộc với các ủy viên Châu Âu có quan điểm thù địch. Đồng thời, Facebook đe dọa cắt vốn đầu tư với các quốc gia, trừ khi ủng hộ các đạo luật có lợi cho “ông trùm” mạng xã hội.
Khai thác từ vụ nhà phát triển ứng dụng Six4Three kiện Facebook tại bang California, tài liệu tiết lộ rằng bà Sheryl Sandberg coi luật bảo vệ dữ liệu của Châu Âu là mối đe dọa nghiêm trọng đối với công ty. Bên cạnh đó, một bản ghi nhớ khác được viết sau Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos năm 2013, dẫn lời bà Sandberg về “trận chiến khó khăn” chống lại đạo luật bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư ở Châu Âu.
Hơn nữa, tài liệu cũng mô tả mối quan hệ “bạn bè của Facebook” với cựu Thủ tướng Ireland Edna Kenny. Ireland, quốc gia giữ quan điểm trung lập và là thành viên trong Ủy ban bảo vệ dữ liệu hoạt động trên 28 nước thuộc khu vực EU, hiện đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý các công ty công nghệ tại Châu Âu.
Ông Edna Kenny nắm giữu cương vị Tổng thống Ireland trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2017. Ảnh: SL
|
Phía Facebook đã ghi nhận và đánh giá cao đóng góp của ông Edna Kenny vì cho phép Facebook đặt trụ sở chính tại Dublin. Đồng thời, “ông trùm” mạng xã hội coi đạo luật bảo vệ dữ liệu GDPR là mối đe dọa với mô hình kinh doanh và khả năng tăng trưởng doanh thu tại Châu Âu. Tài liệu trích dẫn cam kết của cựu Thủ tướng Ireland Edna Kenny về “sử dụng quyền lực của Chủ tịch EU để đạt được kết quả tích cực” trong Hội đồng Bảo vệ Dữ liệu EU (Directive 95/46/EC).
Bình luận về vụ việc này, phát ngôn viên của Facebook khẳng định tài liệu liên quan vẫn đang được niêm phong tại tòa án ở California, và phản bác thông tin thiếu chính xác từ Observer và Computer Weekly: “Giống như những tài liệu khác bị đánh cắp và phát tán vi phạm lệnh của tòa án năm ngoái, những chi tiết này chỉ là một phần của câu chuyện và đã bỏ qua nhiều điểm quan trọng”.
Tuy nhiên, Computer Weekly đã tiết lộ một bản ghi nhớ được Giám đốc điều hành cấp cao của Facebook Elliot Scharage viết vào năm 2013. Bản ghi nhớ không chỉ đề cập đến ông Edna Kenny, mà còn có tên của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee, cùng hàng loạt chính trị gia cấp cao tại Mỹ và Châu Âu.
Sau đó, Thủ tướng Ireland Edna Kenny đã tổ chức một cuộc họp kín với bà Sheryl Sandberg để yêu cầu Facebook đầu từ vào dự án liên doanh của chính phủ mang tên Tech City. Đáp lại, COO Facebook cho biết bà sẽ “cân nhắc” bất kỳ đề xuất nào, nếu ông Kenny “hoạt động tích cực hơn và cho thấy tiếng nói trong các cuộc tranh luận của Hội đồng Bảo vệ Dữ liệu EU, để thực hiện lời hứa trước đó”.
Theo bản ghi nhớ do Giám đốc điều hành cấp cao của Facebook Elliot Scharage năm 2013: "Việc Facebook đưa thêm các nhân viên nữ vào vị trí quản lý và ban lãnh đạo dự kiến sẽ tạo nên sự gắn kết [với các nhà lập pháp nữ], nhưng phương pháp này đã phản tác dụng đôi chút". Ảnh: TA
|
Bản ghi nhớ cho thấy Facebook sử dụng hồi ký “Dấn thân” của bà Sheryl Sandberg như một công cụ vận động hành lang và giành được thiện cảm từ các nhà lập pháp nữ. Cụ thể, Facebook đã sắp xếp một bữa tối đặc biệt với Ủy viên Công lý, quyền cơ bản và quyền công dân Viviane Reding. Sự xuất hiện của bà Reding trong Hội đồng Bảo vệ Dữ liệu EU đang gây “khó khăn” cho Facebook và nhấn mạnh bà “không phải là fan” của công ty.
Tờ Observer cho rằng nỗ lực vận động hành lang của Facebook tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos năm 2013 chỉ là phần nổi của tảng băng chìm để giành lấy sự ủng hộ trên toàn cầu. “Ông trùm” mạng xã hội đã hứa hẹn xây dựng trung tâm dữ liệu mới và với triển vọng tạo ra thêm việc làm ở Canada và Malaysia.
Theo bản ghi nhớ, khi Canada do dự nhượng bộ, “bà Sheryl đã có cách tiếp cận chắc chắn và vạch ra kế hoạch về trung tâm dữ liệu sắp xây dựng. Bà nhấn mạnh rằng nếu Facebook không nhận được sự động viên từ chính phủ Canada về các quyền hạn, công ty sẽ đưa ra sự lựa chọn khác”. Cuối cùng, Canada đã chấp nhận yêu cầu của Facebook.
Theo The Guardian