Mỹ từng cân nhắc một cuộc chiến tranh với Iran

VietTimes -- Những lời lẽ qua lại “đao to búa lớn”, những động thái làm thế giới thót tim giữa chính giới hai nước Mỹ, Iran đang làm bầu không khi ở Trung Đông nóng hơn bao giờ hết. Điều này làm người ta nhớ lại rằng trước đây, Washington cũng từng tính đến khả năng tiến hành một chiến dịch quân sự lớn chống Tehran. Ý định này, chỉ một vài nhân vật cao cấp trong chính quyền Bush (con) được biết.
Mỹ đã từng tính toán không loại trừ sử dụng vũ lực nhằm tiêu diệt Iran với tư cách một cường quốc khu vực.
Mỹ đã từng tính toán không loại trừ sử dụng vũ lực nhằm tiêu diệt Iran với tư cách một cường quốc khu vực.

Chiến lược An ninh quốc gia năm 2006 của Mỹ đã đánh giá nước Mỹ “chưa phải đối mặt với thách thức từ một nước đơn lẻ nào lớn hơn như từ Iran”. Do vậy, “chúng ta không loại trừ sử dụng vũ lực” nhằm tiêu diệt Iran với tư cách một cường quốc khu vực.

Lầu Năm góc đã soạn thảo một kịch bản tấn công “tối thiểu” hướng tới việc phá hủy những cơ sở hạt nhân chủ chốt. Theo đó, các cuộc tấn công này sẽ nhằm vào các cơ sở liên quan đến sản xuất HEU (uranium có độ làm giàu cao) và plutonium. Các mục tiêu sẽ bao gồm Arak, Natanz, Isfahan và có thể cả Bushehr. Mục tiêu là tiêu hủy các kho chứa uranium hexafluoride (UF6) đã được biết đến, kho tiếp tế cho cơ sở làm giàu ở Natanz và vật tư dùng để sản xuất HEU, cơ sở làm giàu uranium Natanz và lò phản ứng nước nặng ở Arak, và nhà máy sản xuất nước nặng để sản sinh nhiên liệu cho lò phản ứng. Cuộc tấn công vào Bushehr sẽ phá hủy một cơ sở dân sự, mà một khi nó hoạt động có thể dùng để sản xuất HEU.

Trong các cơ sở này, Natanz và Arak nằm ở  các vùng khá hoang vắng, còn cơ sở Isfahan ở vào vùng dân cư thưa thớt, song cách trung tâm của thành phố cổ này không đầy mười dặm. Lò phản ứng Bushehr nằm ở phía nam của chính thành phố Bushehr 20 dặm. Thành phố này chứa các căn cứ và cơ sở không quân và hải quân lớn, cũng như các hệ thống phòng không. Tuy nhiên, một cuộc đột kích như thế vào Bushehr sẽ mang lại nguy cơ tổn thất lớn cho dân thường.

Do vậy, một kịch bản “rộng hơn” là tấn công các cơ sở hạt nhân trên một diện rộng hơn, tuy không tấn công ồ ạt vào hạ tầng cơ sở quân sự Iran nói chung. Trong kịch bản này, Tổng thống Mỹ sẽ ra lệnh tấn công vào nhiều hoặc tất cả 23 địa điểm hoặc nhiều hơn số địa điểm hạt nhân được biết ở Iran. Cũng có thể ra lệnh đột kích các cơ sở nghiên cứu khác tại các trường đại học khắp Iran, có kết nối với chương trình hạt nhân.

“Ưu điểm” của một chiến dịch như thế là ở chỗ nó sẽ gây ra tổn hại nghiêm trọng cho chương trình hạt nhân nhiều hơn so với các cuộc tấn công hạn chế nói trên. Tuy nhiên, sẽ không có bảo đảm rằng tất cả các cơ sở làm giàu uranium bị phá hủy hoặc tất cả các cơ sở hạt nhân bị đánh trúng. Vì nhiều cơ sở nằm bên trong các thành phố, trong khuôn viên các  trường đại học, sát với các khu vực nhà ở hoặc trong khu vực công nghiệp, hiểm họa thương vong cho dân thường cũng sẽ cao hơn.

Lựa chọn tiếp theo là tấn công bằng không quân vào các mục tiêu quân sự và chính phủ một cách rộng lớn hơn, hàng đầu là Lực lượng Vệ binh Cách mạng và các lực lượng tinh nhuệ khác trung thành với Chính phủ Iran, hệ thống phòng không, các cơ sở chỉ huy và thông tin liên lạc của Iran. Sẽ có lực lượng dự trữ (đóng ở Iraq) để ngăn Iran chống trả, đồng thời bảo vệ eo Hormuz và các cơ sở khai thác dầu tại các quốc gia vùng Vịnh. Mục đích là để trì hoãn chương trình hạt nhân Iran trong một khoảng thời gian đủ dài để đáp ứng các mục đích chống phổ biến vũ khí hạt nhân của Chính quyền Mỹ, đồng thời làm suy giảm nghiêm trọng khả năng của quân đội Iran, kích thích các phong trào chống đối vũ trang và các phong trào ly khai, cuối cùng, vô hiệu hóa Iran như một cường quốc khu vực.

 

Tuy nhiên, phương án này chứa đựng hiểm họa to lớn nhất là làm gia tăng căng thẳng toàn cầu và gây thù ghét Mỹ. Nước Mỹ sẽ chỉ có vài đồng minh tham dự vào một sứ mệnh như thế, như Israel và Anh.

Đối với các cơ sở ở Natanz (và có lẽ cả tổ hợp hầm ngầm ở Isfahan là nơi chứa nguyên liệu làm giàu uranium), các chuyên gia Mỹ cho rằng chỉ có thể đạt được mục tiêu phá hủy chúng nếu sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc dùng lực lượng đặc biệt đánh chiếm. Nhiều người tin rằng phương án này không khả thi, tuy thế Lầu Năm góc đã được lệnh xây dựng kế hoạch tấn công hạt nhân với yêu cầu rằng sau 5 ngày oanh tạc, các cơ sở hạt nhân của Iran sẽ bị phá hủy.

Theo Học thuyết tác chiến hạt nhân chiến trường Liên quân Mỹ, việc sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ được phép nếu chúng tạo nên một lợi thế rõ ràng và thực chất so với sử dụng vũ khí thông thường. Hiệu quả của vũ khí hạt nhân ở chỗ chúng là phương án duy nhất để đánh vào một mục tiêu cá biệt. Mặt khác, phải xem xét triển khai vũ khí hạt nhân sao cho giảm thương vong cho dân thường đến mức thấp nhất và phải cân nhắc những phản ứng của quốc tế.

Việc tính toán tác động của đòn tấn công hạt nhân vào Iran cho thấy, ước tính hơn hai triệu người dân sẽ bị giết trong khoảng thời gian ngắn vì một cuộc tấn công hạt nhân lên 11 cơ sở của Iran bị nghi là có vũ khí hủy diệt hàng loạt, mỗi mục tiêu trúng 3 quả bom loại 10 kT nổ trên mặt đất (nhỏ hơn quả bom ném xuống Hiroshima). Ngoài ra, chắc chắn Nga và Trung Quốc với tư cách là các cường quốc hạt nhân và Ủy viên thường trực HĐBA Liên Hợp quốc sẽ tìm cách ngăn chặn và phản ứng quyết liệt trước một vụ tấn công như thế.

Như vậy, vào thời điểm ấy, Mỹ đã chuẩn bị về quân sự để tiêu diệt vũ khí hủy diệt hàng loạt, năng lượng hạt nhân, chế độ, lực lượng vũ trang, bộ máy nhà nước và hạ tầng cơ sở Iran trong thời gian tính bằng ngày, nếu không nói bằng giờ. Còn hôm nay, với sự đối đầu ngày càng gia tăng từ hai phía, chắc chắn giới chuyên gia ở Lầu Năm góc cũng đã phải đưa ra các kịch bản khác nhau để “giải quyết” Iran với hệ quả tốt nhất giành cho nước Mỹ.    

Tuy nhiên, mười ba năm trước, những cái đầu nóng ở Washington vào phút chót đã nguội trở lại, cứu cho một Trung Đông và cả nước Mỹ khỏi thảm cảnh chết chóc, tàn phá, bởi lẽ một nước Iran đang cường thịnh và có vị thế quốc tế ngày càng lên cho thấy họ không chịu bó tay chờ chết. Còn hôm nay, bất chấp Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đang cố loại bỏ mọi thành quả của người tiền nhiệm Barack Obama để làm cho “nước Mỹ trên hết”, viễn cảnh tình hình chắc cũng không khác trước là bao mà phải đợi một sự giải tỏa nào đó. Bởi lẽ, "trên hết" đâu chưa thấy, song nước Mỹ đang bị yếu thế trong nhiều vấn đề, nhiều khu vực quốc tế, chắc chắn không muốn bị sa lầy trong một vũng bùn mới, qua đó, tạo cơ hội cho các đối thủ tiến lên./.