'Làn sóng' sa thải ở các công ty công nghệ khó ngăn Fed tiếp tục nâng lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dù nhiều tập đoàn công nghệ đã cắt giảm nhân sự hàng loạt trước nỗi lo suy thoái, Fed vẫn chưa cho thấy khả năm sớm đảo chiều chính sách tiền tệ. Điều gì khiến giới chức ngân hàng trung ương Mỹ kiên định tới vậy?
'Làn sóng' sa thải ở các công ty công nghệ khó ngăn Fed tiếp tục nâng lãi suất
'Làn sóng' sa thải ở các công ty công nghệ khó ngăn Fed tiếp tục nâng lãi suất

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa nâng lãi suất lần thứ 7 trong năm 2022. Dù đã giảm tốc độ nâng lãi suất, song giới chức Fed – đứng đầu là Chủ tịch Jerome Powell – vẫn tiếp tục phát đi những thông điệp cứng rắn về chính sách tiền tệ.

Điều này cũng đồng nghĩa, Fed khó có khả năng sớm đảo chiều chính sách, từ thắt chặt sang nới lỏng tiền tệ trong năm 2023. Nguyên nhân được cho là vì thị trường lao động Mỹ vẫn chưa cho thấy dấu hiệu suy yếu như mong đợi của Fed.

VietTimes trân trọng giới thiệu tới độc giả bài chuyển ngữ thể hiện quan điểm của Jeffrey Schulze – Giám đốc đầu tư của ClearBridge Investments, công ty con của Franklin Templeton (một trong những công ty quản lý tài sản lâu đời nhất nước Mỹ) – được đăng tải trên tờ Barron's về nội dung này.

'Làn sóng' sa thải ở các công ty công nghệ khó ngăn Fed tiếp tục nâng lãi suất (Ảnh: Bloomberg)

'Làn sóng' sa thải ở các công ty công nghệ khó ngăn Fed tiếp tục nâng lãi suất (Ảnh: Bloomberg)

Fed đang trong một cuộc chiến chống lại mức lạm phát cao hiếm gặp trong lịch sử thông qua việc cố gắng tăng tốc độ nâng lãi suất để làm chậm nền kinh tế Mỹ.

Nhìn sang năm 2023, suy thoái kinh tế đã chuyển từ một kịch bản có thể xảy ra trở thành một kịch bản có xác suất xảy ra cao nhất. Trong khi đó, khả năng xoay trục chính sách tiền tệ của Fed mà nhiều nhà đầu tư kỳ vọng khó có thể xảy ra.

Một cuộc suy thoái vào năm 2023 đã trở thành quan điểm phổ biến. Chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất của Fed kể từ những năm 1980 đã bắt đầu chậm lại và những thành phần kinh tế nhạy cảm nhất với lãi suất (kể như giá nhà ở) đang cho thấy những phản ứng rõ nét.

Tuy nhiên, lĩnh vực tiêu dùng – đóng góp 2/3 tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ - vẫn ổn định. Nguyên nhân là do tiền lương tăng mạnh, trong khi các khoản tiết kiệm và việc chi tiêu tiêu dùng lành mạnh của các hộ gia đình Mỹ vẫn được duy trì.

Một trong những yếu tố thúc đẩy tiêu dùng là tiền lương tăng mạnh trong thời gian qua.

Trong khi nhiều người coi sức khỏe của thị trường lao động là 'áo giáp' bảo vệ nền kinh tế, nó cũng có thể là 'gót chân Achilles' của kinh tế Mỹ. Trong bối cảnh lạm phát cao, Fed đã coi sự suy yếu của thị trường lao động là một trong những căn cứ chính trong việc xác định mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Nhu cầu lao động dư thừa tiếp tục đẩy tiền lương lên mức cao hơn nhiều so điểm cân bằng, tương ứng với mức lạm phát 2%, mà Fed mong muốn.

Dù lĩnh vực công nghệ đã chứng kiến hàng loạt vụ sa thải trong vài tháng qua, ngành này cũng chỉ chiếm chưa tới 2% tổng số việc làm ở Mỹ. Trong khi đó, các công ty lớn góp mặt trong S&P 500 cũng chỉ sử dụng chưa đến 20% lực lượng lao động, theo thống kê của ngân hàng đầu tư Jefferies.

Các công ty nhỏ có ít hơn 250 nhân viên mới là động lực đáng kể thúc đẩy nhu cầu lao động, 'chịu trách nhiệm' cho 79% cơ hội việc làm hiện tại và hơn 90% mức tăng sau đại dịch dựa trên các dữ liệu tổng hợp từ Cục Thống kê Lao động Mỹ.

Nói cách khác, cần phải có nhiều đợt sa thải trên diện rộng hơn nữa để gây ra suy thoái cho kinh tế Mỹ.

Với các căn cứ trên, Fed có thể sẽ tiếp tục giữ quan điểm 'diều hâu' cho đến khi các nhà hoạch định chính sách nhận thấy dấu hiệu khả tín cho thấy thị trường lao động suy yếu và tiền lương hạ nhiệt.

Một nguyên nhân khác khiến Fed thận trọng là bài học rút ra từ những năm 1960, khi tổ chức này xoay trục chính sách quá nhanh dẫn đến thất bại trong việc kiểm soát lạm phát trong giai đoạn 1970 – 1980. Đó sẽ là kịch bản mà Fed muốn tránh lặp lại.

Dù Fed đã nhanh chóng thắt chặt tiền tệ vào năm 2022 nhưng tác động vẫn còn khá mờ nhạt. Bởi vậy, ngân hàng trung ương có thể cần phải tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát. Thêm một chút 'đau đớn' hôm nay để tránh những tổn thương nặng nề hơn trong tương lai.

Lịch sử đang đứng về phía 'hạ cánh mềm' khi không có cuộc suy thoái nào được ghi nhận kể từ Thế chiến thứ hai trong năm thứ 3 của nhiệm kỳ tổng thống Mỹ.

Yếu tố quan trọng nhất để đạt được 'hạ cánh mềm' là lạm phát phải giảm đủ lớn để Fed có thể rút lại các động thái cứng rắn của mình.

Với việc lạm phát khó có thể quay trở lại mức 2% vào năm 2023 và thị trường lao động đang chứng tỏ khả năng phục hồi, Fed có thể sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để làm chậm nền kinh tế và hạn chế tăng giá. Điều này rồi cũng sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế.

Việc theo dõi sức khỏe của thị trường lao động sẽ rất quan trọng trong năm 2023, bởi đây là 'thước đo' lạm phát chính của Fed./.

Theo Barron's