Fed cần phải "hạ nhiệt" thị trường lao động mới có thể kiềm chế lạm phát. Tại sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sự suy yếu của thị trường lao động được cho là bước đi cần thiết để phục hồi sự bình ổn giá. Càng tốn nhiều thời gian để thực hiện điều này, tổn thất đối với nền kinh tế sẽ càng lớn.
Chủ tịch Fed Jerome Powell tại một hội thảo về lạm phát và thị trường lao động (Ảnh: Getty)
Chủ tịch Fed Jerome Powell tại một hội thảo về lạm phát và thị trường lao động (Ảnh: Getty)

Chướng ngại lớn nhất trong nỗ lực kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giờ nằm ở một vấn đề: Mỹ không có đủ lao động.

Cụ thể hơn, cung và cầu lao động của quốc gia này cần phải trở về trạng thái cân bằng để kiềm chế đà tăng tiền lương và lạm phát dịch vụ, hai yếu tố vẫn đang tiếp tục leo thang.

Hiện nay, nguồn cung lao động ở Mỹ vẫn đang duy trì ở dưới mức tiền đại dịch, thậm chí là ngay trong tháng trước nó vẫn tiếp tục thu hẹp, theo báo cáo về lao động tháng 11 được công bố hôm Thứ Sáu vừa qua.

Tỷ lệ người dân đang làm việc hoặc đang tìm kiếm việc làm đã giảm trong suốt 3 tháng qua, và quy mô lực lượng lao động Mỹ đã trở về dưới mức vào tháng 2/2020, bất chấp đà tăng dân số. Gần 200.000 người đã rời khỏi lực lượng lao động Mỹ chỉ trong tháng 11.

Sự kết hợp giữa nhiều yếu tố đang góp phần gây ra tình trạng khan hiếm lao động, từ làn sóng nghỉ hưu của những người thuộc thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh (baby boomer), số lượng người nhập cư giảm, tỷ lệ sinh nở thấp và COVID-19. Điều này cũng cho thấy tình trạng thiếu hụt lao động sẽ còn kéo dài.

Bởi vậy, Fed cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc đưa cầu lao động xuống mức ngang bằng với cung, hạn chế đà tăng trưởng việc làm và giảm sức ép về lương. Nguy cơ có thể xảy ra là, lãi suất cơ bản có thể cao hơn so với mức dự báo hiện tại là 5%, điều này cho thấy tình trạng nghỉ việc có thể tiếp tục tăng và nguy cơ xảy ra suy thoái sâu rộng cũng cao hơn.

Thông thường, thị trường lao động khỏe mạnh sẽ giúp cho nền kinh tế hoạt động mạnh mẽ. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, khi Fed đang ra sức kiềm chế lạm phát, thị trường lao động khỏe mạnh chỉ đơn giản là yếu tố làm trì hoãn những hậu quả khó tránh.

Con số 263.000 việc làm mới trong tháng 11 vừa qua đã phản ánh về sức khỏe của thị trường lao động, và nó lớn hơn nhiều so với mức mà ngân hàng trung ương Mỹ muốn thấy.

Sự suy yếu của thị trường lao động là bước đi cần thiết để phục hồi sự bình ổn giá, cho dù phải mất bao nhiêu thời gian để thực hiện. Càng tốn nhiều thời gian để thực hiện điều này, tổn thất đối với nền kinh tế sẽ càng lớn.

“Mọi người bắt đầu thấy được Fed cần phải hãm phanh nhiều đến mức nào,” Diane Swonk, kinh tế gia trưởng tại KPMG, nói và cho rằng điều đó sẽ làm tăng thêm rủi ro.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng đã thừa nhận về vấn đề này trong tuần trước, khi ông nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương Mỹ “buộc phải đưa ra giả định” rằng việc vãn hồi cân bằng trên thị trường lao động sẽ cần sự điều chỉnh hoàn toàn từ phía cầu, chứ không phải tăng cung.

“Tôi không nghĩ là hợp lý khi kỳ vọng rằng chúng ta sẽ quay trở lại vị thế cũ với sự tham gia của lực lượng lao động vào năm 2020”, ông Powell nói. “Chúng ta cần phải làm, bất chấp rủi ro”.

Lực lượng lao động sẵn có đang suy giảm ở Mỹ (Ảnh: Cục Thống kê Lao động Mỹ)

Lực lượng lao động sẵn có đang suy giảm ở Mỹ (Ảnh: Cục Thống kê Lao động Mỹ)

Câu hỏi hiện nay là Fed sẽ đi xa đến mức nào để điều chỉnh cung lao động, trong khi họ mới chỉ đạt được ít bước tiến tính đến thời điểm này, ngay cả sau những đợt nâng lãi suất quyết liệt. Dữ liệu của chính phủ Mỹ được công bố trong tuần trước cho thấy, mặc dù cơ hội việc làm đã giảm, nhưng nền kinh tế vẫn có thêm gần 3 triệu vị trí việc làm đang tuyển dụng so với thời kỳ trước đại dịch COVID-19. Tỷ lệ thất nghiệp ở gần mức thấp kỷ lục trong 50 năm.

Kết quả là, tiền lương tiếp tục tăng mạnh, gây ra nhiều khó khăn cho Fed. “Khó có thể làm giảm áp lực tiền lương mà không gây ra một cú sốc cho nền kinh tế,” Beth Ann Bovina, kinh tế gia trưởng đến từ S&P Global, nhận định.

Có ít lý do để nghĩ đến một sự sụp đổ, hay thậm chí một bước lùi lớn đang đến gần.

Cần phải cân nhắc tới điều mà Lasalle Network, một công ty tuyển mộ lao động toàn quốc của Mỹ, đang chứng kiến. Khoảng 84% công ty mà họ đang hợp tác cùng nói rằng họ có kế hoạch thuê nhân công trong năm 2023, đánh dấu mức tăng 20% so với tỷ lệ dự định thuê trước đó một năm, theo Tom Gimbel, giám đốc điều hành của Lasalle.

Ông Gimbel cũng chỉ ra mức tăng 50% về nhu cầu tìm kiếm nhân viên kinh doanh so với năm ngoái. Ông cho rằng đây là tín hiệu tích cực, bởi nhiều công ty đang muốn tăng cường nhân sự cho phòng kinh doanh khi tin rằng vẫn có điều kiện để tăng trưởng. “Công việc đang sẵn có”, ông nói. “Nhưng chúng ta có kiếm đủ những người phù hợp để lấp chỗ trống hay không”?

Giảm cung lao động, thường là sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp trong ngắn hạn, là bước đầu tiên và cũng là bước đi mà ngay cả Fed cũng phải thừa nhận rằng hộ sẽ làm để kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động kéo dài cũng chỉ ra một vấn đề sâu hơn và thường ít được quan tâm đúng mực: tỷ lệ thất nghiệp cần được duy trì ở mức độ nào mới có thể tránh gây sức ép dai dẳng về lương.

Bản chất của sự thay đổi về nhân khẩu học đứng đằng sau tình trạng thiếu hụt lao động là sự thiếu hụt đáng kể về nguồn cung chắc chắn sẽ kéo dài, ngay cả khi nền kinh tế trở về trạng thái ổn định hơn. Điều đó có nghĩa rằng chỉ có một số ít lựa chọn để giữ cho thị trường lao động được cân bằng và lạm phát được kiểm soát trong trung hạn.

Bước đi đầu tiên sẽ là thúc đẩy nguồn cung lao động thông qua tăng lượng người nhập cư, nhưng biện pháp này thường không được ủng hộ và cũng đi ngược lại chính sách hạn chế số lượng người nhập cư đến Mỹ mỗi năm ở thời điểm hiện tại.

Bước đi thứ hai sẽ là tăng sản lượng, điều này chắc chắn sẽ đòi hỏi nguồn đầu tư khổng lồ cho phát triển công nghệ để thay thế lao động con người, và có thể phải mất nhiều năm để thực hiện.

Hướng tiếp cận thứ ba để tăng nguồn cung lao động – biện pháp dễ hơn, nhưng đau đớn hơn – sẽ là kiềm chế cầu, điều mà Fed có thể thực hiện bằng cách tiếp tục nâng lãi suất, từ đó làm suy yếu nền kinh tế.

Điều này cuối cùng sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Bà Swonk, đến từ KPMG, nói rằng tỷ lệ thất nghiệp chắc chắn sẽ tăng, có thể gần tới mức 4,5% mới đủ để kiềm chế lạm phát.

Nói cách khác, giai đoạn mà Mỹ có tỷ lệ thất nghiệp 3,5%, lạm phát ở mức ổn định và lãi suất thấp sẽ chấm dứt. “Kể cả khi họ thực hiện xong việc kiềm chế lạm phát, họ vẫn sẽ giữ lãi suất ở mức độ đủ để giữ cho tỷ lệ thất nghiệp không xuống quá thấp như trước,” bà Swonk nói./.

Theo Barrons