Làm “vệ tinh” cho ông lớn ngoại: DN Việt xếp sau Hàn, Trung

Từ những thứ đơn giản như thùng xốp, khay, gá, băng dính... Các DN trong nước muốn chen chân phải cạnh tranh khốc liệt và thường phải xếp hàng đứng sau.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Doanh nghiệp Việt: Chúng tôi có thể làm được

Với mức đầu tư 14 tỷ USD để lập cứ điểm sản xuất ở Việt Nam. SamSung là mục tiêu hướng đến cho nhiều DN Việt Nam với mong muốn trở thành vệ tinh cung cấp linh kiện và dịch vụ. Tuy nhiên, điều đó không dễ dàng.

Ông Vũ Việt Cường, Giám đốc công ty Việt Chuẩn (Hoài Đức, Hà Nội) kể: "Samsung đến khảo sát công ty của tôi. Họ luôn nói, mình thiếu cái này, cái kia. Nhưng thiếu thì chúng tôi có thể đầu tư".

"Đây là câu chuyện con gà và quả trứng. Quan trọng hơn, Samsung phải thực sự cởi mở, cho doanh nghiệp Việt cơ hội", ông Cường nói.

"Những nhà cung cấp cấp 1 có sẵn quan hệ từ bên Hàn Quốc rồi nên họ đầu tư thì họ sẽ có đầu ra. Còn doanh nghiệp Việt không thể làm vậy được. Nhiều công ty đầu tư rồi máy móc để không", ông Cường giải thích.

Làm “vệ tinh” cho ông lớn ngoại: DN Việt xếp sau Hàn, Trung ảnh 1

Cuộn băng dính này cũng là một linh kiện mà Samsung muốn mua (ảnh: Phạm Huyền)

Ông Cường khẳng định: "Chúng tôi đang cung cấp các loại linh kiện khuôn nhựa cho Panasonic, Canon, Honda, Yamaha... Những linh kiện khuôn nhựa vỏ điện thoại Samsung có mức độ khó hơn nhưng chúng tôi hoàn toàn có thể đáp ứng được".

Ông Trần Tiên Phong, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ và xây lắp Sao Việt (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng khẳng định: "Chúng tôi đang cũng cấp các loại kệ, đồ gá cho dây chuyền sản xuất tới nhiều nhà máy của Nhật Bản nên đáp ứng cho DN Hàn Quốc là hoàn toàn có thể làm được”.

"Tuy nhiên, con đường để các công ty Việt vào được hệ thống của Tập đoàn Hàn Quốc vẫn rất khó. Đó không phải là chuyện chỉ có 2 DN với nhau, mà còn liên quan đến vai trò của Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc với tính bảo trợ cao", ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng mua bán Công ty Bokwang Hi-tech Vina (khu công nghiệp Quế Võ) cho biết.

Ông Sơn nói: "Từ những chi tiết đơn giản nhất, như thùng, tấm xốp, các công ty Hàn Quốc cũng đều vào Việt Nam để làm. Và tất nhiên các tập đoàn lớn sẽ cân cân đối việc ký hợp đồng giữa DN Việt hay Hàn Quốc, nếu có cùng mẫu sản phẩm ngang nhau về chất lượng".

Trưởng phòng Mua hàng của công ty Seowon ông Thế Mạnh cho biết thêm: "Đối với một số linh kiện quan trọng, nguyên liệu chính, Samsung chỉ định tới nhà cung cấp cấp 2 và nhà cung cấp cấp 1 buộc phải mua theo, không thể làm khác".

Đó là lý do mà vào Việt Nam 5 năm, các nhà cung cấp cấp 2 cho Seowon, Bokwang Hi-tech Vina,... đa phần đều là doanh nghiệp Hàn, hoặc Trung Quốc.

Đừng nản chí

Từ câu chuyện của SamSung có thể thấy, vẫn còn một khoảng trống lớn về cách tiếp cận của các doanh nghiệp Việt đối với hệ thống linh kiện của các tập đoàn lớn quốc tế.

Ông Thế Mạnh cho hay: "Seowon rất muốn tìm công ty Việt cung cấp các cuộn đồng để sản xuất các tape wifi trong điện thoại hay tape tản nhiệt, nhưng không tìm được. Hiện nay, thuế nhập khẩu khá cao, 12% và chúng tôi nếu nội địa hoá được thì sẽ giảm được giá thành".

Làm “vệ tinh” cho ông lớn ngoại: DN Việt xếp sau Hàn, Trung ảnh 2

Nhiều doanh nghiệp Việt tìm kiếm cơ hội từ Samsung (ảnh: Phạm Huyền)

Theo phân tích của ông, nhiều doanh nghiệp Việt đến hỏi thăm, chủ yếu lại chào hàng là đồ gá, khay, khuôn nhựa... là những dòng mẫu linh kiện vốn đã có sẵn các doanh nghiệp Hàn Quốc thống lĩnh rồi. Trong khi đó, những linh kiện mà các nhà cung cấp cấp 1 muốn bắt tay với doanh nghiệp Việt để giảm giá thành thì lại ít công ty Việt tới chào hàng.

Tương tự như vậy, ông Đinh Việt Hưng, Trưởng phòng kỹ thuật sản xuất của công ty Nano Tech nhấn mạnh: "Chúng tôi rất cần tìm kiếm đối tác Việt cung cấp các cuộn băng dính phục vụ trong quá trình làm main điện thoại, nhưng không một doanh nghiệp Việt Nam hỏi thăm".

"Nhiều doanh nghiệp Việt thấy lạ lẫm, không nghĩ những cuộn băng dính này cũng chính là linh kiện điện tử cho điện thoại thông minh", ông Hưng nói.

Ông Jang Ho Young, Giám đốc Công ty mua hàng của Samsung tiết lộ, tổng giá trị mua hàng đối với các nhà cung cấp cấp 1 và 2 của Tập đoàn lên tới 34 triệu đô năm 2014 và năm nay tăng 15% lên khoảng 45 triệu đô. Đó là một cơ hội hấp dẫn cho các doanh nghiệp Việt tham gia.

Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 32 doanh nghiệp Việt đã "lọt" được vào hệ thống của Samsung và trong đó, chỉ có 4 doanh nghiệp là nhà cung cấp lớp 1. Mới đây, có thêm 46 doanh nghiệp tiềm năng lọt vào DN lựa chọn để có thể hợp tác.

Trước ý kiến cho rằng, Samsung còn ưu tiên các doanh nghiệp xứ Hàn hơn, ông Han Myoung Sup, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung điện tử tại Việt Nam nói: "Tuy khởi đầu có chút khó khăn, nhưng tôi mong rằng các doanh nghiệp Việt Nam giữ vững ý chí. Chỉ cần đảm bảo những điều này, việc các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào dây chuyền sản xuất của chúng tôi không phải là một việc quá khó khăn", ông Han nói.

Theo VNN