Làm gì để khắc phục vấn nạn chảy máu chất xám?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Nhiều năm qua, không ít các du học sinh Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình học tập đã ở lại nước sở tại làm việc do có mức thu nhập cao hơn so với trong nước. Đó là vấn nạn chảy máu chất xám của đất nước.
Giáo sư Ngô Bảo Châu là một trí thức điển hình đã định cư ở nước ngoài nhưng rất có trách nhiệm với giáo dục và khoa học nước nhà
Giáo sư Ngô Bảo Châu là một trí thức điển hình đã định cư ở nước ngoài nhưng rất có trách nhiệm với giáo dục và khoa học nước nhà

Tuy nhiên, cũng cần nhìn thẳng vào thực tế ngay ở trong nước là sinh viên của nhiều địa phương sau khi tốt nghiệp đại học ở các đô thị lớn thì cũng rất ít người trở về quê hương để cống hiến, mà lại bám trụ ở thành phố để mưu sinh. Thực trạng này có lẽ cũng không khác mấy so với các du học sinh sau khi hoàn thành chương trình học tập đã ở lại nước ngoài làm việc.

Đương nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại cho rõ ngọn ngành. Bình luận về vấn nạn chảy máu chất xám, một vị cựu bộ trưởng đã đặt câu hỏi với không ít người là trong sự hội nhập quốc tế của Việt Nam, thì bên cạnh vấn nạn chảy máu chất xám, đất nước đã được lợi gì từ các đối tác nước ngoài? Chính những đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực đã tạo ra công ăn việc làm rất lớn cho cả công nhân lẫn kỹ sư cùng những khoản thuế không nhỏ mà ngân sách nhà nước thu được.

Cũng cần nói thêm là với rất nhiều lĩnh vực mà trong nước chưa có trường lớp đào tạo như tin – sinh học, phỏng sinh học, tương lai học… thì rất khó kiếm được cơ hội việc làm ở trong nước, trừ phi những người kinh qua các lĩnh vực này có tài tổ chức để khai sinh ra nó và có tâm huyết trở về để cống hiến.

"Trong số 3.000 tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài theo học bổng của Chính phủ Việt Nam thì có đến 65% ở lại nước ngoài để làm việc, 27% đang làm việc cho nhà nước, số còn lại là bỏ việc." - Theo ông Peter Hồng - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Dẫu vậy thì các trí thức người Việt ở nước ngoài chắc chắn không ai là không có lòng yêu nước. Và nếu như có cơ hội thì họ đều sẵn sàng cống hiến, chia sẻ kiến thức. Đã có không ít các trí thức ở hải ngoại hàng năm vẫn về nước nghỉ hè và tham gia giảng dạy, mà không mấy quan tâm đến thù lao được các đối tác trong nước chi trả. Tuy nhiên, điều này về cơ bản mới chỉ là sự tự nguyện mang tính chất cá nhân của họ chứ nhìn chung là chưa mấy thành trào lưu cùng những hành lang chính sách để thể chế hoá.

Chính vì thế, nên chăng bên cạnh sự vận động hướng tới đẳng cấp cao hơn của các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu trong nước, rất cần những chính sách của nhà nước để tranh thủ được nguồn chất xám của các du học sinh đã định cư ở nước ngoài.

Chí ít với những du học sinh thuộc diện học bổng của Chính phủ, thì thay vì phải hoàn trả chi phí đào tạo, là trách nhiệm tham gia giảng dạy cho các đại học trong nước. Họ hoàn toàn có thể giảng dạy trực tiếp vào những dịp về nước nghỉ hè và không chỉ có vậy, vì thông qua Internet thì có thể là bất cứ lúc nào nếu thu xếp được thời gian.

Vấn đề là cần làm thế nào để sớm có những chính sách khuyến khích đó với những người đã du học nước ngoài cùng sự đón nhận một cách có hệ thống của các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học ở trong nước.

Mong rằng, đây sẽ là một chương trình nghị sự cần sớm được thực hiện của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ cùng Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài.