Làm gì để công nghệ thông tin ứng dụng thành công vào mọi lĩnh vực có nhu cầu

VietTimes – Những năm gần đây, chúng ta đang nói nhiều đến cách mạng công nghiệp 4.0. Và trong cuộc cách mạng đó, không chỉ là sự thâm nhập để ứng dụng CNTT mà còn là sự vận động nội tại của chính các lĩnh vực có nhu cầu. Tuy nhiên, yếu tố quyết định cho sự thành công chính là con người và bên cạnh việc đào tạo nhân lực CNTT thì còn phải đào tạo CNTT cho các lĩnh vực có nhu cầu.
Một lớp học thực hành tại Đại học CNTT-TT Thái Nguyên.
Một lớp học thực hành tại Đại học CNTT-TT Thái Nguyên.

Khi cử nhân, kỹ sư CNTT chưa thể hiểu biết về chuyên môn của các lĩnh vực

Theo ông Nguyễn Nhật Quang – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), CNTT có một đặc thù riêng là bên cạnh yếu tố chuyên sâu của nó thì còn phải thâm nhập vào các lĩnh vực có nhu cầu ứng dụng. Để làm được việc đó, đương nhiên các doanh nghiệp CNTT phải có những nghiên cứu nhằm tin học hóa, tự động hóa các quy trình hoạt động thực tế.

Song nhiệm vụ này về cơ bản là không dễ chút nào vì theo TS Mai Anh – nguyên Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam thì trong khi sinh viên các ngành học khác được học thêm về CNTT để ứng dụng vào lĩnh vực của mình thì sinh viên ngành CNTT lại dường như không được học gì về những lĩnh vực có nhu cầu ứng dụng. Rất giỏi lập trình song không biết lập trình về cái gì thì sao có thể là giỏi được.

Dẫu vậy, khó có thể buộc những người đã tốt nghiệp ngành CNTT đi học thêm một chuyên môn khác cho nhu cầu công việc của mình, nhất là CNTT liên tục đổi mới và cập nhật nên việc cần làm hơn với họ là làm sao tự học hỏi, cập nhật các kiến thức đó.

Để giải quyết những bài toán này cho ngành CNTT, nhiều ý kiến cho rằng ngoài chương trình đào tạo chính thức thì các đại học cần có các hội thảo chuyên đề cho sinh viên về các lĩnh vực có nhu cầu như xây dựng, giao thông, y tế, thể thao… thay vì chỉ quanh quẩn với các bài toán quản lý.

Cũng về thực tế này, ông Nguyễn Nhật Quang cho rằng trong hoạt động đào tạo của mình, các đại học phải chủ động đón bắt các nhu cầu của tương lai, tức là đi trước doanh nghiệp về các xu thế ứng dụng và phát triển CNTT. Nguyên nhân vì công nghệ liên tục thay đổi và các đại học phải làm sao để sinh viên ra trường thích ứng được với ít nhất là các công cụ lập trình mới. Hiểu biết về các lĩnh vực có nhu cầu ứng dụng CNTT đương nhiên cũng là vấn đề phải đặt ra và bên cạnh việc hợp tác với các doanh nghiệp bên ngoài thì bản thân các ngành học khác trong cùng một trường cũng có thể chủ động bắt tay với ngành CNTT.

Xây dựng các giải pháp và phần mềm ứng dụng: Bí quyết của doanh nghiệp

Nói về thực tế ở Công ty Phần mềm Hài Hòa (Harmony Soft) của mình, ông Nguyễn Nhật Quang cho biết, để xây dựng các giải pháp và phần mềm trong lĩnh vực xây dựng, đội ngũ nhân viên ở đây ngoài các kỹ sư phần mềm và lập trình viên thì phải có cả kỹ sư xây dựng và kiến trúc sư. Đương nhiên, các đội ngũ này phải làm việc phối hợp với nhau để có sản phẩm chung. Thành công hay không chính là bí quyết của doanh nghiệp không dễ gì chia sẻ song sẽ là lý tưởng nếu các kỹ sư xây dựng và kiến trúc sư đã kinh qua văn bằng 2 về CNTT hoặc đã học qua một số chứng chỉ ngắn hạn về CNTT.

Cũng hệt như vậy, nếu thâm nhập vào lĩnh vực y tế thì doanh nghiệp phần mềm cũng phải tuyển dụng cả bác sĩ. Tuy nhiên, để có sự hiểu biết lẫn nhau giữa bác sĩ là chuyên gia tin học thì dường như còn có phần khó hơn. Dẫu vậy, các bác sĩ cũng phải ý thức một điều là với các hệ thống mà họ góp phần xây dựng cùng đội ngũ phần mềm thì dữ liệu được tích lũy vào đó không phải là của riêng mình, mà là của cả hàng trăm, hàng nghìn bác sĩ khác. Có như vậy, việc ứng dụng CNTT để chẩn đoán, khám bệnh mới tỏ ra hơn hẳn so với một bác sĩ thông thường do đã được tích lũy tri thức của hàng trăm, hàng nghìn bác sĩ.

Để triển khai ứng dụng CNTT, rất cần đội ngũ nhân lực mang tính chất "cầu nối". Ảnh: hoanhap.vn
 Để triển khai ứng dụng CNTT, rất cần đội ngũ nhân lực mang tính chất "cầu nối". Ảnh: hoanhap.vn

Nói như vậy, có thể thấy để CNTT thâm nhập vào mọi lĩnh vực có nhu cầu thì nguồn nhân lực cho hoạt động này rất cần đến đội ngũ “cầu nối”. Công việc của họ không phải là ngồi lập trình từng dòng lệnh mà là khảo sát, xây dựng kiến trúc tổng thể cho các phần mềm ứng dụng – một công việc phải đi trước một bước trước khi ra yêu cầu cho các kỹ sư phần mềm và lập trình viên.

Vậy nhân lực “cầu nối” giữa các lĩnh vực có nhu cầu và CNTT đã và sẽ ở đâu ra? Ngay từ những năm 1990, các trường đại học đầu ngành về CNTT đã bắt tay đào tạo kỹ sư, cử nhân văn bằng 2 cho các đối tượng có nhu cầu nhằm chuyển đổi nghề nghiệp hoặc làm ứng dụng CNTT cho chính lĩnh vực chuyên môn của mình. Tuy nhiên, theo GS TS Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch CLB các khoa, viện, trường đào tạo về CNTT (FISU) thì đáng tiếc là những năm gần đây, hệ đào tạo này thường không tuyển đủ số lượng học viên tối thiểu cần thiết. Phải chăng, nguyên nhân vì ngành giáo dục vẫn chỉ coi hoạt động đào tạo văn bằng 2 là “kế hoạch 3” của các trường chứ chưa thực sự nhận thức rằng đây chính là đội ngũ “nhân lực cầu nối” để CNTT thâm nhập vào các lĩnh vực có nhu cầu.