Mới đây, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Climate Change cho thấy từ năm 2010 đến 2019, rừng nhiệt đới Amazon của Brazil, được mệnh danh là “lá phổi của Trái đất”, thải ra 16,6 tỉ tấn carbon dioxide, nhưng chỉ hấp thụ 13,9 tỉ tấn. Phát hiện cho thấy con người không còn có thể dựa vào khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới để giúp hấp thụ lượng carbon do con người tạo ra.
Ảnh chụp màn hình từ Nature Climate Change. |
Nghiên cứu này xem xét lượng carbon dioxide được hấp thụ và lưu trữ trong quá trình sinh trưởng của rừng, cũng như lượng carbon dioxide thải vào khí quyển sau khi rừng bị đốt cháy hoặc phá hủy.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nạn phá rừng trong năm 2019, bao gồm cháy rừng và phá rừng, đã tăng gần 4 lần so với hai năm trước đó, từ khoảng 1 triệu ha lên 3,9 triệu ha, tương đương với diện tích của Hà Lan.
Trong nỗ lực toàn cầu nhằm kiểm soát lượng khí thải carbon dioxide, hệ sinh thái trên cạn toàn cầu luôn có tầm quan trọng sống còn. Năm 2019, lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu vượt quá 40 tỉ tấn. Trong nửa thế kỷ qua, thực vật và đất đã hấp thụ khoảng 30% lượng khí thải, mặc dù lượng khí thải này đã tăng 50% trong khoảng thời gian vừa qua. Đại dương cũng đóng một vai trò quan trọng, hấp thụ hơn 20% lượng khí thải.
Lưu vực sông Amazon chứa khoảng một nửa diện tích rừng mưa nhiệt đới trên thế giới, chúng hấp thụ và lưu trữ carbon hiệu quả hơn các loại thảm thực vật khác.
Sử dụng phương pháp phân tích dữ liệu vệ tinh mới do Đại học Oklahoma phát triển, nhóm nghiên cứu cũng lần đầu tiên chỉ ra rằng những khu rừng bị suy thoái là nguồn thải carbon dioxide khiến Trái đất nóng lên. Trong 10 năm, lượng phát thải do suy thoái rừng, chặt hạ có chọn lọc hoặc do các đám cháy đã gấp ba lần lượng rừng bị tàn phá hoàn toàn.
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng các khu rừng mưa nhiệt đới trên lục địa châu Phi có thể trở thành đồng cỏ do biến đổi khí hậu và tác động của con người. Điều này không chỉ gây ra những hậu quả tàn khốc cho khu vực mà còn gây ra những tác hại lớn cho thế giới.
Theo NetEase