Theo thống kê của SSI, lũy kế 5 tháng đầu năm 2020, vốn FDI giải ngân đạt 6,7 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy vậy, vốn đăng ký vẫn ghi nhận mức tăng tích cực 19,9% đạt 10,9 tỷ USD.
Biểu đồ vốn FDI đăng kí mới đến tháng 5/2020 (Nguồn: SSI)
|
Cùng với đó, dữ liệu SSI cho thấy, hầu hết các ngành chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam bắt đầu tăng trưởng trở lại.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 5/2020 đã có cải thiện, tăng 11,2% so với tháng 4, mặc dù vậy vẫn giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1%.
Trong đó, chỉ số công nghiệp của một số ngành giảm như: ngành khai thác dầu thô giảm 12%, sản xuất đồ uống giảm 14,6%, sản xuất trang phục giảm 6,7%, chế biến gỗ giảm 6,9%, sản xuất xe có động cơ giảm 16,3%, sản xuất mô tô, xe máy giảm 15,6%. Ngược lại, chỉ số của ngành sản xuất thuốc tăng 25,9%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục giảm tháng thứ 4 liên tiếp, tuy nhiên CPI bình quân 5 tháng vẫn tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giao thông là nhóm giảm mạnh nhất (giảm 7,56%), trái ngược với mức tăng mạnh của nhóm thực phẩm (tăng 14%), giáo dục (tăng 4,5%) và y tế (tăng 3,8%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã có sự phục hồi so với cả tháng 3 và tháng 4 khi giãn cách xã hội được nới lỏng mạnh mẽ trong tháng 5, tuy vậy tính chung 5 tháng vẫn giảm 3,9% so với năm 2019.
Xuất khẩu hàng hóa phục hồi trở lại so với tháng 4 (tăng 5,2%), tuy vậy vẫn giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế 5 tháng, ước tính giá trị xuất khẩu giảm 1,7% so với cùng kỳ, nhiều mặt hàng chủ lực đều giảm như điện thoại (giảm 8,8%), dệt may (giảm 14,5%), giày dép (giảm 4,8%), phương tiện vận tải (giảm 12,2%), thủy sản (giảm 10,3%).
Nhập khẩu cũng tăng trở lại nhưng vẫn giảm 16% so với tháng 5/2019, lũy kế 5 tháng giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính cán cân thương mại thâm hụt 900 triệu USD trong tháng 5 nhưng lũy kế từ đầu năm đến nay vẫn dương 1,88 tỷ USD./.