Theo đó, báo cáo của SSI nhận định GDP cả năm 2019 tăng 7,02%, dù thấp hơn năm 2018 nhưng là năm thứ 2 liên tiếp đạt trên 7%. Đây là ngưỡng không thể đạt được trong 10 năm trước đó.
Mặc dù vậy, SSI cho rằng mức tăng GDP ở mức 7% vẫn thấp hơn khá nhiều so với trung bình tăng trưởng trước khi xảy ra khủng hoảng năm 2008.
Báo cáo của SSI cho biết tốc độ tăng trưởng GDP trong Quý 4/2019 có dấu hiệu giảm tốc, xuất phát từ các ngành Nông nghiệp và Công nghiệp khi có mức tăng trưởng lần lượt đạt -0,06% và 7,92%, đều là mức thấp nhất nhiều năm. Trong khi đó, Xây dựng và Dịch vụ đã kéo tăng trưởng chung với mức tăng trưởng cao nhất nhiều năm, lần lượt đạt 10,32% và 8,09%.
Trong đó, sự sụt giảm của sản xuất công nghiệp gây nhiều sự chú ý khi đến từ cả 3 cấu thành chính là Khai khoáng, Công nghiệp chế biến chế tạo và Sản xuất phân phối điện, khí đốt.
Cụ thể, ngành khai khoáng giảm 0,92% trong Quý 4/2019 (Quý 3/2019 tăng 4,2% và 9 tháng 2019 tăng 2,68%). Nguyên nhân chính kéo giảm ngành khai khoáng đến từ việc khai thác dầu thô và khí tự nhiên trong Quý 4/2019 giảm 3,6%.
SSI cho biết, khai thác dầu ở các mỏ chủ lực trong năm 2019 đang trong giai đoạn suy kiệt, các mỏ mới phát hiện đều nhỏ, cận biên, điều kiện vận hành phức tạp, chi phí cao.
Bên cạnh đó, ngành khai thác than cũng có dấu hiệu chậm lại với mức tăng trưởng 8,2% trong Quý 4, thấp hơn mức 20,5% trong Quý 3/2019.
Ở chiều hướng ngược lại, khai thác quặng kim loại đã tăng rất nhanh trong năm 2019 khi tăng khai thác mỏ ở Hà Tĩnh, Tây Nguyên và Lào Cai nhưng do tỷ trọng nhỏ nên không đủ bù đắp cho phần hụt đi từ Dầu khí.
Đối với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tốc độ tăng trưởng cũng giảm xuống 10,86%, thấp nhất nhiều quý.
Các ngành công nghiệp có tỷ trọng lớn (Sản phẩm điện tử, Xe có động cơ, Dệt may) và ngành vốn có tăng trưởng rất cao (Dầu mỏ tinh chế, Kim loại) tăng trưởng chậm lại đã ảnh hưởng đến toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Điểm tích cực, theo SSI, là phần lớn các ngành công nghiệp khác vẫn có tăng trưởng ổn định.
“Tăng trưởng chậm lại của ngành Công nghiệp chế biến chế tạo có mối liên hệ lớn đến hoạt động của khối FDI” - báo cáo của SSI nêu.
Cụ thể, xuất khẩu của khối FDI trong năm 2019 chỉ tăng 4.2% (năm 2018 tăng 12.4%), ngược lại, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng mạnh 17.7% (năm 2018 tăng 15.4%). Trong xuất khẩu của khối FDI, xuất khầu dầu thô giảm 7.8% và xuất khẩu các hàng hóa khác tăng 4.4%.
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng thấp trong quý 4 cho thấy sự phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp FDI lớn như Samsung (điện thoại), Formosa (thép), Lọc hóa dầu Nghi sơn (dầu mỏ tinh chế) mang đến nhiều rủi ro cho tăng trưởng.
“Sự sụt giảm của các doanh nghiệp này phần lớn đến từ nguyên nhân khách quan là thị trường tiêu thụ, nhưng cũng không loại trừ nguyên nhân chủ quan là thay đổi chiến lược đầu tư” - SSI lưu ý và cho hay việc hoạch định và dự báo kinh tế Việt Nam vì vậy cũng trở nên phức tạp.
Ngoài ra, SSI cũng lưu ý về tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng trong Quý 4/2019.
SSI cho hay số liệu từ Tổng cục thống kê về ngành xây dựng không còn chi tiết nên không thể phân tích sâu hơn về cấu thành tăng trưởng, tuy nhiên số liệu tiêu thụ xi măng và sắt thép từ các Hiệp hội lại cho một bức tranh tương phản.
Cụ thể, theo Hiệp hội thép, sản lượng tiêu thụ thép trong nước 2 tháng đầu quý 4 là 3.2 triệu tấn, tăng 3.7% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng của quý 2 và quý 3 là 20% và 8.4%. Còn theo Hiệp hội xi măng, tiêu thụ xi măng trong nước đã có dấu hiệu chững lại từ nửa cuối năm.
Tiêu thụ xi măng cho thị trường nội địa năm 2019 ước tính chỉ tăng 1% so với năm 2018 (năm 2017 và 2018 tăng lần lượt 3% và 9%)./.