Dữ liệu chính thức cho thấy nền kinh tế dựa trên Internet là động lực tăng trưởng lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2022. Bắc Kinh đang nỗ lực đẩy mạnh nền kinh tế số thay thế các động lực phát triển truyền thống và thúc đẩy sự phục hồi sau Covid.
Chỉ số NKE trong phát triển kinh tế của Trung Quốc, phản ánh động lực của nền kinh tế bằng cách đo lường xu hướng của các ngành công nghiệp và mô hình kinh doanh mới - có điểm số 766,8 vào năm 2022, so với điểm số 100 vào năm 2014. Chỉ số năm 2022 đã tăng 28,4% so với năm 2021, Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết.
Chỉ số phụ cho nền kinh tế Internet, đo lường số lượng người dùng Internet, lượng lưu lượng truy cập Internet cũng như giao dịch thương mại điện tử, tăng 39,6% so với năm 2021 lên 2.739 điểm, chiếm 91,6% mức tăng trưởng chung.
Theo báo cáo của Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc công bố vào tháng 4, giá trị nền kinh tế số của Trung Quốc năm 2022 đạt 50,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (6,9 nghìn tỷ USD), chiếm 41,5% tổng giá trị nền kinh tế quốc gia, đứng thứ hai trên toàn cầu sau Hoa Kỳ.
Tính đến cuối năm 2022, số người dùng Internet di động ở Trung Quốc đã đạt 1,46 tỷ, tăng 3% so với năm 2021.
Trong khi đó, lưu lượng truy cập internet di động tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 261,76 tỷ gigabyte, theo NBS.
Khối lượng giao dịch trên các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc vào năm 2022 đạt 43,8 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bắc Kinh đã thường xuyên đưa ra cam kết phát triển nền kinh tế số để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Hôm 21/8, Thủ tướng Lý Cường cho biết Trung Quốc sẽ “củng cố, tối ưu hóa và mở rộng” nền kinh tế số để tạo điều kiện cho sự phát triển chất lượng cao, theo báo cáo của Tân Hoa Xã.
Ông Lý Cường nói rằng nền kinh tế số Trung Quốc có không gian phát triển rộng lớn nhờ thị trường khổng lồ, nguồn dữ liệu dồi dào và ứng dụng phong phú.
Ông nói thêm: “Cần phải nắm bắt các cơ hội của cách mạng công nghiệp và chuyển đổi công nghệ mới, thúc đẩy sự hội nhập sâu sắc của công nghệ số với nền kinh tế thực”.
Bình luận này được đưa ra khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại đáng kể trong quý 2, làm dấy lên lo ngại rằng quốc gia này đang mất dần đà tăng trưởng và có thể bỏ lỡ mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 5%.
Nhiều ngân hàng đầu tư quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc xuống dưới 5%.
Thủ tướng Lý Cường cho biết Trung Quốc cần kiên quyết thúc đẩy đổi mới để tìm kiếm đột phá trong các công nghệ cốt lõi quan trọng và ủng hộ vai trò dẫn đầu của các công ty công nghệ lớn, đồng thời tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ.
Bắc Kinh gần đây đã dỡ bỏ sự kiểm soát chặt chẽ đối với những gã khổng lồ công nghệ của đất nước, vốn đã trải qua quá trình tái cấu trúc và phải trả những khoản tiền phạt nặng nề.
Bắc Kinh hy vọng lĩnh vực công nghệ có thể thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại bởi các động lực truyền thống, bao gồm lĩnh vực bất động sản và xuất khẩu.
Thủ tướng Lý Cường cũng kêu gọi chuyển đổi số toàn diện đối với các lĩnh vực truyền thống, bao gồm sản xuất, dịch vụ và nông nghiệp, cũng như xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hơn.
Một bài báo của Nhật báo Kinh tế cũng kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn để giúp các doanh nghiệp nền tảng xây dựng hệ sinh thái đổi mới phù hợp với “các chiến lược có tầm quan trọng quốc gia”.
Tờ Nhật báo Kinh tế còn đề xuất thêm rằng các doanh nghiệp nền tảng nên tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực bao gồm dữ liệu lớn, điện toán đám mây, blockchain, hệ điều hành và chất bán dẫn để giúp quốc gia đạt được khả năng tự cung tự cấp về công nghệ cao.
Theo tờ báo này, Trung Quốc hiện có 254 công ty nền tảng kỹ thuật số lớn tính đến năm 2022.
Theo nghiên cứu được công bố vào tháng 7 bởi công ty tư vấn Dezen Shira & Associates, bối cảnh pháp lý thay đổi sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, bởi vì “chính phủ đặt mục tiêu đạt được sự cân bằng giữa giám sát và khuyến khích tiến bộ công nghệ”.
Điều này cho thấy tương lai của lĩnh vực công nghệ Trung Quốc sẽ được định hình bằng mức độ hiệu quả của các doanh nghiệp nền tảng internet phù hợp với tầm nhìn của chính phủ.
Theo SCMP