Chiều 4/5, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, khi được hỏi về việc Trung Quốc tự ban hành quy chế cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quyết định đơn phương này của Trung Quốc vì đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên các vùng biển của mình; vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, không phù hợp với xu thế phát triển của quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay, không có lợi cho duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.”
Trước đó, tờ Xinhua của Trung Quốc đưa tin, Trung Quốc đã đơn phương ban hành quy chế cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và một phần vịnh Bắc Bộ từ ngày 1/5 đến 16/8/2017.
Ngày 2/5, Trung Quốc đã đơn phương thực thi quy chế này.
Lệnh cấm áp dụng với cả ngư dân Trung Quốc và ngư dân nước khác. Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường sử dụng tàu chấp pháp để "giám sát, tuần tra, bắt giữ và xử phạt các hành vi vi phạm". Đây là lệnh cấm dài nhất kể từ khi Trung Quốc thực thi lệnh này.
Hội nghề cá Việt Nam cũng kịch liệt phản đối hành động sai trái, ngang ngược, đơn phương và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt quy chế trên. Quyết định của Trung Quốc càng khiến tình hình Biển Đông trở nên phức tạp và căng thẳng, gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam.