Khủng hoảng Ukraine: Không có tiến bộ trong đàm phán Nga-Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nga và Ukraine đã không đạt được bước đột phá nào trong cuộc đàm phán với Pháp và Đức về giải quyết khủng hoảng. Trong khi đó, Tổng thống Biden kêu gọi các công dân Mỹ ở Ukraine hãy "ngay lập tức rời đi"...  
Nga và Belarus bắt đầu tập trận quân sự 10 ngày gần biên giới Ukraine (Ảnh: Deutsche Welle).
Nga và Belarus bắt đầu tập trận quân sự 10 ngày gần biên giới Ukraine (Ảnh: Deutsche Welle).

Sau cuộc hội đàm giữa các quan chức Nga, Ukraine và Pháp, Đức tổ chức tại Berlin hôm thứ Năm (10/2), cả Nga và Ukraine đều nói, sau cả một ngày hội đàm vẫn chưa đạt được tiến triển có tính đột phá nào, điều này cũng đồng nghĩa với việc căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể sẽ tiếp tục.

Đặc phái viên của Nga, ông Dmitry Kozak, cho biết không có khả năng hòa giải quan hệ giữa Nga và Ukraine. Trong cuộc hội đàm, hai bên Nga và Ukraine đã có những cách giải thích khác nhau về Thỏa thuận Minsk 2015, được nhiều người cho là cách có khả năng nhất để loại bỏ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine một cách hòa bình. Ông nói: “Chúng tôi đã không thể khắc phục được vấn đề này”

Đặc phái viên của Ukraine Andriy Yermak nói: “Hai bên đã không giành được tiến triển có tính đột phá, nhưng đồng ý sẽ tiếp tục đối thoại. Tôi hy vọng chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau và tiếp tục cuộc đàm phán này. Mọi người đều quyết tâm có được kết quả". Ukraine cho biết đã có khoảng 15.000 người Ukraine thiệt mạng kể từ năm 2014 đến nay.

"Thỏa thuận Minsk" được ký kết theo "Mô hình Normandy" nhằm giải quyết khủng hoảng trong tình huống Nga sáp nhập Crimea và tiếp tục hỗ trợ lực lượng ly khai ở phía đông Ukraine. Trong những năm qua, cả Nga và Ukraine đều đã nhiều lần cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn được ký kết nhằm hóa giải cuộc đụng độ giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông.

Mỹ đã đưa thêm 1 ngàn quân đến Romania và 2 ngàn quân đến Ba Lan để sẵn sàng đối phó tình hình Ukraine (Ảnh: Deutsche Welle).

Mỹ đã đưa thêm 1 ngàn quân đến Romania và 2 ngàn quân đến Ba Lan để sẵn sàng đối phó tình hình Ukraine (Ảnh: Deutsche Welle).

Hiện nay, Nga đã triển khai hơn 100.000 quân ở gần miền đông Ukraine, làm dấy lên lo ngại có thể châm ngòi chiến tranh. Hôm thứ Năm (10/2), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc Ukraine đang cố gắng viết lại thỏa thuận, chỉ chọn những nội dung có lợi nhất cho họ. Ukraine cho biết họ đã nỗ lực tuân thủ thỏa thuận.

Ông Yermak nói: “Mọi người hôm nay đều xác nhận rằng chúng ta có Thỏa thuận Minsk và cần phải thực hiện nó”. Ukraine bác bỏ khẳng định của Moscow rằng Nga không liên quan gì đến cuộc xung đột và nói rằng có quân đội Nga ở bên trong Ukraine sát cánh chiến đấu cùng với phe ly khai.

Kiev đã từ chối đàm phán với các nhà lãnh đạo của khu vực ly khai. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhưng đến nay Nga vẫn bác bỏ đề nghị này.

Nga đã phủ nhận có kế hoạch tấn công Ukraine nhưng cho biết họ muốn thiết lập "lằn ranh đỏ" để đảm bảo Ukraine không gia nhập NATO và NATO không được xây dựng căn cứ và bố trí tên lửa ở Ukraine.

Tình hình Nga và Ukraine đang trở thành một trong những điểm gây tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc. Đặc phái viên Mỹ tại Liên Hợp Quốc hôm thứ Năm (10/2) đã kêu gọi Bắc Kinh khuyến khích Nga "làm điều đúng đắn" trong cuộc khủng hoảng Ukraine, gây ra phản ứng gay gắt từ Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân (Zhang Jun). Ông Trương Quân chỉ trích Washington kích động tình hình căng thẳng.

Bà Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, nói với CNN: "Chúng tôi muốn Trung Quốc khuyến khích người Nga làm điều đúng đắn". Bà Greenfield nói: “Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại mạnh mẽ tại Hội đồng Bảo an về việc bảo vệ toàn vẹn biên giới và chủ quyền quốc gia. Đó chính là điều Nga đang làm. Họ đe dọa sự hoàn chỉnh của biên giới, cho nên đối với người Trung Quốc, việc nhắn gửi thông điệp này là rất quan trọng."

Trung Quốc, Mỹ và Nga là ba trong số 5 nước Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, 2 thành viên còn lại là Anh và Pháp.

Cách đây vài ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo ông có kế hoạch gửi 1.000 quân đến Romania và 2.000 quân khác tới Ba Lan.

Trương Quân, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, đã nhanh chóng phản ứng với nhận xét của bà Greenfield trên Twitter. Trương Quân nói: “Thông điệp của chúng tôi nhất quán và rõ ràng: giải quyết mọi bất đồng thông qua kênh ngoại giao. Ông cũng nói: "Các vấn đề an ninh hợp pháp của Nga cần được xử lý nghiêm túc".

Sau cuộc họp căng thẳng do Mỹ triệu tập hồi cuối tháng 1, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp lại vào tuần tới về vấn đề Ukraine do Nga triệu tập, để thảo luận về tình hình thực hiện Thỏa thuận Minsk đã ký năm 2015.

Dân chúng Kiev tập luyện quân sự (Ảnh: AP).

Dân chúng Kiev tập luyện quân sự (Ảnh: AP).

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Năm (10/2) đã kêu gọi công dân Mỹ ở Ukraine "ngay lập tức rời khỏi đất nước này" và cảnh báo rằng tình hình địa phương có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát. "Đã đến lúc các công dân Mỹ phải rời khỏi Ukraine", ông Biden nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với NBC News.

Tuy nhiên, ông Biden nói: "Không giống như chúng ta đang đối phó với tổ chức khủng bố, chúng ta đang phải đối phó với một trong những quân đội lớn nhất trên thế giới. Đây là một tình huống rất khác và mọi chuyện có thể nhanh chóng trở nên điên rồ". NBC hỏi ông Biden rằng tình thế nào sẽ khiến ông đưa quân đội đến giải cứu những người Mỹ muốn rời đi. Biden trả lời: "Không. Khi Mỹ và Nga bắt đầu giao chiến, đó là một cuộc chiến tranh thế giới."

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã đưa ra một cảnh báo riêng vào hôm thứ Năm rằng "Mỹ sẽ không thể sơ tán công dân nếu Nga có hành động quân sự ở bất kỳ đâu ở Ukraine". Họ nói thêm rằng các dịch vụ lãnh sự bình thường, bao gồm hỗ trợ công dân rời đi, sẽ bị "ảnh hưởng nghiêm trọng".