Vụ gian lận điểm thi ở ba tỉnh Sơn La, Hà Giang và Hòa Bình là một "nỗi đau lịch sử" của nền giáo dục Việt Nam, khi hậu quả của nó tác động đến số phận của hàng trăm học sinh, hàng trăm gia đình, làm thay đổi số phận của biết bao em học thực lực. Bởi thế nó làm rung động xã hội ngay khi vỡ lở.
Ai cũng tin rằng, khi mọi việc được cơ quan chức năng làm rõ, thì tất cả những kẻ dính dáng trong vụ việc này sẽ được công bố rõ ràng, là sự trừng phạt xứng đáng, để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, cũng như công bằng xã hội, nhằm răn đe những hành động tương tự.
Thế nhưng, không như mọi người nghĩ. Đến nay, sau gần một năm trôi qua, những gì diễn ra xung quanh vụ việc này vẫn cho thấy có nhiều điều khó hiểu, đến mức không thể không đặt những câu hỏi nghi ngờ.
Ông Lê Như Tiến: "Cơ quan điều tra cần công khai danh tính của gia đình, phụ huynh học sinh chạy điểm. Chính họ là ngòi nổ sinh ra gian lận thi cử nên cần phải coi họ là đối tượng khởi tố vụ án hình sự, chứ không chỉ dừng lại ở việc khởi tố những người trực tiếp sửa điểm.”
|
Khi dư luận yêu cầu ông bố danh sách các thí sinh liên quan đến vụ gian lận điểm, thì một số người cho rằng cần "nhân văn", để che giấu danh tính cho các thí sinh đã cướp chỗ của hàng trăm bạn cùng lứa trên giảng đường đại học. Tiếp đó, lại có muôn vàn lý do được viện dẫn để thí sinh trong danh sách gian lận được tiếp tục học ở một số trường đại học, bất chấp điều này không đúng chuẩn mực xã hội, bất chấp các trường công an đã làm rất nghiêm túc và đúng kỷ cương: cứ có gian lận là đuổi học. Lý do một số trường dân sự nương nhẹ với các thí sinh có gian lận điểm chưa làm cộng đồng thuyết phục.
Chưa hết! Suốt những tháng ngày qua, dư luận đòi hỏi phải công khai danh tính cũng như vai trò, trách nhiệm của các phụ huynh trong vụ gian lận điểm thi. Song đến nay vẫn “bóng chim tăm cá”, mặc dù Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội đánh giá đây là vấn đề dư luận đặc biệt lưu tâm.
Như vậy, cho dù mọi việc đã rõ ràng, thì danh sách thí sinh lẫn phụ huynh trong vụ gian lận thi cử vẫn không được chính thức thông báo. Chẳng lẽ, hàng trăm thí sinh cùng hàng trăm phụ huynh dính vào những đường dây gian trá thi cử gây phẫn nộ dư luận, mà cuối cùng, tất cả những nhân vật chính trong vụ sửa điểm lịch sử này, lại không phải lộ diện để đối mặt với dư luận? Vậy thì công lý ở đâu? Tính răn đe, giáo dục ở đâu? Người dân có quyền nghi ngờ, nhất là khi các phụ huynh trong vụ này đều là những người có chức quyền và có tiền ở địa phương, như ông Triệu Tài Vinh – Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang chỉ là một ví dụ.
Bất chấp lý do gì, việc gian lận điểm thi là vi phạm pháp luật. Vì thế, chẳng những phải công khai danh tính mà như ông Lê Như Tiến - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội – kiến nghị: "Cơ quan điều tra cần công khai danh tính của gia đình, phụ huynh học sinh chạy điểm. Chính họ là ngòi nổ sinh ra gian lận thi cử nên cần phải coi họ là đối tượng khởi tố vụ án hình sự, chứ không chỉ dừng lại ở việc khởi tố những người trực tiếp sửa điểm.”
Chính vì không xử lý phụ huynh có con gian lận điểm, mới dẫn đến việc, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cử ông Phan Ngọc Sơn - Chánh Thanh tra Sở, là người có con trong vụ gian lận điểm thi, tham gia tập huấn thanh tra thi toàn quốc do Bộ GĐ &ĐT tổ chức mới đây. Cũng chỉ khi dư luận dậy sóng, Bộ GĐ &ĐT mới vội vàng chỉ đạo Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La không cho phép ông Sơn được tham gia làm thi năm nay.
Không ai có thể phủ nhận mức độ ảnh hưởng khủng khiếp của vụ việc, khi có hàng trăm thí sinh học thật đã bị đẩy khỏi cổng trường đại học một cách tàn nhẫn, bởi sự "dàn trận" của chính những "thầy cô" trong bộ máy giáo dục địa phương. Thế nhưng, cho dù hàng loạt giáo viên, chuyên viên, lãnh đạo cấp phòng, kể cả Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, bị khởi tố, thì Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh này vẫn bình an vô sự. Như thể họ vô can trong vụ việc đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín vốn đã chênh vênh của ngành giáo dục, đến lòng tin của xã hội. Không chỉ Giám đốc Sở GD&ĐT, vị trí Trưởng Ban chỉ đạo thi tại địa phương thường do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh đảm trách.
Chúng ta đều biết, để những người này tiếp tục điều hành công việc, nhất là điều hành một kỳ thi nữa đang cận kề, người dân làm sao đủ lòng tin về một kỳ thi minh bạch và thực chất? Đặc biệt, còn hoài nghi về "việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu thiếu đồng bộ, chưa triệt để và không quyết liệt" như quan điểm của ông Phan Viết Lượng - Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội.
Thế nhưng, gần một năm qua, không thấy Bộ GD&ĐT và UBND 3 tỉnh “nổi tiếng vì tai tiếng” trên chỉ đạo việc xử lý những người này. Lạ thế! Đến mức Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội đã phải nhắc nhở “Bộ GD&ĐT phối hợp với các địa phương xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm người đứng đầu ngành giáo dục và Ban Chỉ đạo thi các địa phương để xảy ra sai phạm”.
Chẳng lẽ, Bộ GD&ĐT và các địa phương có vi phạm lại không biết rằng, những vi phạm nghiêm trọng như thế cần phải xử lý càng sớm càng tốt hay sao?
Sự chậm trễ này là cố tình và vì tính “nhân văn”, hay thực chất là bao che, dung túng?