Hôm qua (ngày 08/5/2018), qua xem xét nội dung đề nghị của Công ty FLC AMD tại Công văn số 73/CV-FLC-AMD về việc xin chấp thuận chủ trương thăm dò, khai thác khoáng sản mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Bình Thuận và Bình Trị, huyện Bình Sơn và đề xuất của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 1730/BC-STNMT, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có ý kiến.
Theo đó, ông Căng giao Sở Xây dựng tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh có văn bản báo cáo, trình HĐND tỉnh xem xét, cập nhật mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Bình Thuận và Bình Trị, huyện Bình Sơn nêu trên vào trong danh mục Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, làm cơ sở đển UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo triển khai các bước tiếp theo.
“Lưu ý trước khi trình UBND tỉnh cần phải lấy ý kiến của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh liên quan đến đất quy hoạch dành cho mục đích quốc phòng, ý kiến của Sở Thông tin và Truyền thông liên quan đến phạm vị vi bảo vệ công trình viễn thông, ý kiến của Sở Công thương liên quan đến an toàn đường dây dẫn điện và khoảng cách an toàn công trình Nhà máy lọc dầu Dung Quất”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi lưu ý.
Theo tìm hiểu của VietTimes, trước đó, ngày 5/4/2018, Công ty FLC AMD đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi xin chấp thuận chủ trương thăm dò, khai thác.
Ngày 11/4/2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra công văn về việc tổ chức kiểm tra thực địa khu vực xin khai thác khoáng sản mỏ đá vôi làm VLXD thông thường tại xã Bình Thuận và Bình Trị, huyện Bình Sơn.
Trên cơ sở này, ngày 16/4/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi đã đã ra Giấy mời, mời đại diện các đơn vị liên quan tham gia phối hợp với Sở kiểm tra thực địa.
Thời gian kiểm tra vào 8h30 ngày 20/4/2018, địa điểm tập trung tại mỏ đá vôi xã Bình Thuận và Bình Trị, huyện Bình Sơn. Thành phần tham dự gồm có đại diện của cac đơn vị: Sở Tài nguyên và Môi trường; Phòng CN – XD thuộc Văn phòng UBND tỉnh; Sở Xây dựng; Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi; UBND huyện Bình Sơn; UBND các xã Bình Thuận và Bình Trị; Lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD.
Tại văn bản gửi lên UBND tỉnh Quảng Ngãi, Công ty FLC AMD giới thiệu là thành viên của CTCP Tập đoàn FLC và “là một trong những chủ đầu tư thực hiện các dự án khai thác, chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường và các nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm từ đá lớn nhất tỉnh Thanh Hóa với tổng diện tích khai thác mỏ 180.000 m2, tổng diện tích khai trường 72.000 m2, tổng trữ lượng 7.144.475 m3, tổng công suất đá ốp lát 500.000 m2 sản phẩm/năm, tổng công suất sản xuất đá vật liệu xây dựng thông thường 200.000 m3/năm”.
“Qua khảo sát và tìm hiểu, Công ty FLC AMD nhận thấy huyện Bình Sơn được thiên nhiên và tạo hóa ban tặng cho nhiều loại hình khoáng sản phong phú, trong đó có đá vôi tập trung ở các xã Bình Thuận và Bình Trị”, Tổng Giám đốc Công ty FLC AMD Nguyễn Tiến Dũng viết. Ông này cũng đánh giá, hiện UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cấp phép thăm dò, khai thác cho một số doanh nghiệp. “Tuy nhiên, phần lớn điều kiện áp dụng công nghệ khai thác chưa tiên tiến, hiệu quả kinh tế xã hội từ các dự án đem lại chưa được đáp ứng kỳ vọng và mục tiêu đã đề ra, chưa tương xứng với giá trị tài nguyên khoáng sản”.
Công ty FLC AMD nói rằng “có năng lực và kinh nghiêm thực hiện các dự án khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng thông thường”, sử dụng công nghệ “hiện đại bậc nhất cả nước”.
“Thực hiện chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh, sau khi khảo sát và nghiên cứu, Tập đoàn FLC đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu – Lý Sơn, ngoài ra Tập đoàn FLC sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư các dự án tại Thành phố Quảng Ngãi. Theo đó, để chủ động nguồn vật tư phục vụ xây dựng các dự án của Tập đoàn FLC tại Quảng Ngãi, cùng với mong muốn mở rộng thị trường kinh doanh đá. Sau khi khảo sát và nghiên cứu, Công ty FLC AMD nhân thấy rằng nếu đầu khai thác các mỏ đá tại xã Bình Thuận và Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi sẽ đảm bảo hiệu quả cao”, công ty trong “hệ sinh thái” của tỷ phú Trịnh Văn Quyết trình bày và xin được khai thác trên khu vực rộng 8,7 ha, được giới hạn bằng 7 điểm góc./.