Không chỉ Elon Musk, các CEO công nghệ cũng bắt đầu quyết liệt với nhân viên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Không chỉ vị tỉ phú gốc Nam Phi, các CEO công nghệ của nhiều "gã khổng lồ" khác cũng bắt đầu buộc nhân viên làm việc chăm chỉ hơn hoặc phải đối mặt với nguy cơ mất việc.
Ảnh: Yahoo News
Ảnh: Yahoo News

Elon Musk đã thúc giục nhân viên của Twitter làm việc nhiều hơn kể từ khi tiếp quản. Theo Musk, ông có một tầm nhìn "cực kỳ nghiêm túc" về một nơi làm việc "liên tục và căng thẳng" trên một con đường "gian khổ" phía trước của công ty. Nhân viên của ông sẽ phải lựa chọn tiếp tục làm việc chăm chỉ hoặc từ chức.

Tuy nhiên, tỉ phú công nghệ gốc Nam Phi không phải người duy nhất đưa ra những động thái quyết liệt như vậy trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái. Nhiều CEO tại các công ty công nghệ khác cũng đã bắt đầu lên kế hoạch cắt giảm nhân sự.

Meta "có rất nhiều người trong công ty không nên ở đây"

Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành của Facebook, đã nói với nhân viên vào đầu tháng 7 rằng ông sẽ tăng cường các mục tiêu về hiệu suất làm việc của nhân viên.

"Thực tế, có lẽ có rất nhiều người trong công ty không nên ở đây," Zuckerberg chia sẻ. "Tôi đang có những kỳ vọng cao hơn, mục tiêu tích cực hơn, nhiệt hơn. Tôi nghĩ, một số có thể cần tự suy nghĩ nơi này có dành cho bản thân họ hay không?".

Trong báo cáo thu nhập quý 2, Zuckerberg đã nhắc lại về tầm nhìn đó và chia sẻ rằng công ty đã lên kế hoạch "cắt giảm đều đặn mức tăng trưởng số lượng nhân viên trong năm tới" và rằng "nhiều nhóm sẽ thu hẹp lại để chúng tôi có thể chuyển ngân sách sang các lĩnh vực khác của công ty."

Vào tháng 10, Meta yêu cầu các quản lý lên danh sách 15% lao động "cần hỗ trợ". Nhân viên công ty gọi đây thực ra là "cuộc sa thải âm thầm diễn ra trong nội bộ". Sang tháng 11, Zuckerberg thông báo sa thải 13% số nhân viên, tương đương 11.000 người. Ngay sau đó, Meta cho biết sẽ tiếp tục điều chỉnh cơ cấu nhân sự, trả các mặt bằng không cần thiết để tối ưu hóa nguồn lực.

Alphabet "tăng hiệu quả hoạt động công ty hơn 20%"

Vào mùa Hè năm nay, CEO Sundar Pichai đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng năng suất của nhân viên cần được cải thiện. Vài tuần sau, Pichai nói với Kara Swisher tại Hội thảo Mã ở Los Angeles rằng ông muốn công ty hoạt động hiệu quả hơn 20% và rằng con số này đang "chậm hơn" kỳ vọng do số lượng nhân viên ngày một nhiều.

Pichai nói: "Trong tương lai chúng tôi có thể sẽ đưa ra quyết định chậm hơn. Công ty cần xem xét quy trình trong mọi khâu. Có những việc cần ba người mới ra được quyết định trong khi thực tế chỉ cần một hoặc hai người. Nếu hoạt động hiệu quả, chúng ta có thể tăng hiệu suất lên đến 20%".

Gã khổng lồ công cụ tìm kiếm cũng đã thay đổi hệ thống đánh giá hiệu suất của nhân viên trong năm nay, nói với các nhà quản lý rằng họ hiện dự kiến ​​​​sẽ xếp hạng 6% nhân viên của công ty - hơn 10.000 người - ở mức hiệu suất thấp nhất và chấm dứt hợp đồng lao động với họ, theo Insider.

Amazon "hoàn thành tốt công việc trong thời gian ngắn nhất có thể"

Vốn nổi tiếng với sự tiết kiệm, Amazon đã kêu gọi công ty trong một cuộc họp vào đầu tháng 10 để "tăng gấp đôi tính tiết kiệm" và yêu cầu nhân viên "hoàn thành tốt công việc trong thời gian ngắn nhất có thể", theo thông tin bị rò rỉ từ cuộc họp.

Công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới cũng thông báo tới nhân viên ở những bộ phận hoạt động kém chuẩn bị tìm kiếm một công việc khác trước khi chính thức bị sa thải. Theo Washington Post, con số sa thải ước tính là 10.000 người, chiếm khoảng 3% lực lượng lao động chính của công ty. Việc cắt giảm chủ yếu ảnh hưởng đến lĩnh vực như bộ phận nhân sự, bán lẻ và thiết bị.

Vào tháng 11, TCI Fund Management, một cổ đông của Google, cũng nói với Pichai trong một bức thư ngỏ rằng các cuộc trò chuyện với các cựu giám đốc điều hành của Alphabet "gợi ý rằng doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả hơn với số lượng nhân viên ít hơn đáng kể".

Các CEO và nhà đầu tư hiện đang cân nhắc các bước tiếp theo dựa trên tình hình hoạt động của Twitter sau khi cắt giảm khoảng 66% nguồn nhân lực. Các nhà phân tích tại Bernstein Research đã viết: "Twitter sẽ là hình mẫu điển hình để kiểm chứng mức cắt giảm của một doanh nghiệp có thể lớn đến tầm nào trong khi vẫn duy trì hoạt động hiệu quả".

Theo Yahoo News