Khối ngoại bán ròng: Tín hiệu cảnh báo sớm ‘sức bật’ kinh tế Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Buổi toạ đàm "Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững" do Nhadautu.vn tổ chức sáng nay (31/3) được hâm nóng khi các chuyên gia tập trung lý giải nguyên nhân khối ngoại bán ròng gần đây.
Toàn cảnh toạ đàm "Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững"
Toàn cảnh toạ đàm "Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững"

Chia sẻ tại buổi toạ đàm, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc chiến lược thị trường của CTCP Chứng khoán MB (MBS) – cho biết, nhà đầu tư nước ngoài đã rút ra hơn 100 tỉ USD khỏi các thị trường mới nổi, xu hướng này tiếp tục diễn ra vào đầu năm 2021.

Theo vị chuyên gia này, việc bán ròng của khối ngoại một phần được thúc đẩy bởi rủi ro tỉ giá.

Ông Sơn cho biết, việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng giá khiến đồng USD mạnh lên, đồng tiền các nước bị mất giá nhanh, có nước lên tới 5-7%. Để phòng ngừa rủi ro tỉ giá, các nhà đầu tư quốc tế đã nhanh chóng rút tiền về. Trong bối cảnh ấy, các thị trường mới nổi (emerging market) – trong đó có Việt Nam – được đánh giá rủi ro hơn.

Bên cạnh đó, dòng tiền đang quyết định các diễn biến của thị trường chứng khoán. Chính phủ các nước đang tung ra các gói hỗ trợ lớn chưa từng có, riêng nước Mỹ đã bơm ra nền kinh tế hơn 300 tỉ USD, tương đương 3 gói QE từ các giai đoạn trước cộng lại. Dòng tiền này khiến các chí số như S&P 500 tăng rất mạnh. Trong khi đó, các chính sách tài khoá của Việt Nam vẫn chưa có tác động rõ rệt tới nền kinh tế.

Mặt khác, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang ở vùng định giá cao. Giám đốc chiến lược thị trường của CTCP Chứng khoán MB (MBS) cho hay, tại vùng 1.200 điểm, định giá theo P/E của VNIndex cũng đang ở mức 18 – 19 lần. Đây là mức định giá rất cao. Tượng tự, định giá theo P/E của các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang ở mức 30-35 lần.

“Nếu cung tiền có dấu hiệu chững lại thì nhà đầu tư sẽ quay sang bán. Đó là lý do tại sao thị trường lên tới 1.200 điểm rồi lại giảm xuống” – ông Sơn nói.

Thêm nữa, theo vị chuyên gia này, trong 3-5 năm qua, chưa có doanh nghiệp nào đủ lớn niêm yết, chưa có lớp cổ phiếu kế cận đủ lớn để nhà đầu tư ngoại tham gia được. Ngoài ra, thanh khoản và các sản phẩm của thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đủ lớn.

“Khi có sản phẩm phái sinh, VN-Index tăng từ 650 lên 950 điểm, khi có covered warrant (chứng quyền có bảo đảm) thị trường tăng lên 1.100 điểm” – ông Sơn dẫn chứng.

Đi sâu vào yếu tố cơ bản, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng việc đánh giá khả năng phục hồi của nền kinh tế là nguyên nhân chính khiến khối ngoại bán ròng mạnh thời gian qua.

Theo vị chuyên gia này, các nước lớn trên thế giới đang bơm tiền quyết liệt. Nguồn tiền này được coi như ‘thế năng’ giúp nền kinh tế bật dậy mạnh mẽ sau đại dịch. Trong khi đó, ông Nghĩa bày tỏ lo ngại nền kinh tế Việt Nam sẽ bật dậy chậm chạp so với thế giới, được phản ánh một phần qua diễn biến của thị trường chứng khoán và đà bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài thời gian qua.

“Nhà đầu tư nước ngoài cũng có khi sai”

Theo ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) – cho biết các nhà đầu tư nước ngoài chủ động đầu tư cách đây từ nửa năm đến 1 năm, khi đó chỉ số VN-Index chỉ khoảng 600 – 700 điểm và hiện tại đã lên gần 1.200 điểm. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài thực hiện chốt lãi, đảo danh mục là điều dễ hiểu khi tỉ suất sinh lời đã quá lớn.

Theo số liệu được ông Sơn công bố, trước đây nhà đầu tư nước ngoài sở hữu khoảng 21% - 22% vốn các mã niêm yết. Nay, họ đã rút ra còn 18%, tức chỉ rút khoảng 3%.

“Lưu ý rằng, họ bán ra cổ phiếu nhưng không rút hoàn toàn tiền mặt mà đang chờ cơ hội mới. Cũng có thể hiểu, nhà đầu tư nước ngoài đang tiên lượng thị trường khó đạt vùng 1.400 điểm” – ông Sơn cho biết.

Chủ tịch VSD cũng cho rằng không nên quá quan ngại về vấn đề bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư này cũng có khi sai.

“Nên nhớ, không phải quỹ nào cũng thành công tại Việt Nam, có những quỹ thoát hàng, thậm chí lỗ, như HSBC thoái khỏi Techcombank, DC rút khỏi Hải Phát Land hay các quỹ ngoại đầu tư vào ROS từ lúc hàng trăm nghìn, nay chỉ còn vài nghìn” – ông Sơn dẫn chứng.

Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Yuanta Việt Nam, dòng vốn đầu tư tìm đến các thị trường có sức bật cao hơn, chuyển hướng từ các quỹ đầu tư truyền thống sang các quỹ ETFs với chi phí thấp hơn.

Về chiều mua, theo khảo sát của Yuanta Việt Nam, các nhà đầu tư tổ chức vẫn đánh giá TTCK Việt Nam rất tốt. Tuy nhiên, xếp hạng tín dụng của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn ở mức BBB, do đó, họ không thể đơn thuần đánh giá trên báo cáo tài chính mà phải thông qua việc đi thăm các doanh nghiệp.

“Các quỹ thường đi thăm các doanh nghiệp vào thời điểm đầu năm. Riêng năm nay, do Covid-19, họ khó có thể đi gặp các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Đo đó, chiều mua của các quỹ đầu tư suy giảm đáng kể, dẫn đến giá trị bán ròng tăng mạnh” – ông Nguyễn Thế Minh cho biết./.