Gợi ý này của ông Đỗ Công Anh - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT - đã trở thành một trong những nội dung đáng lưu tâm tại Diễn đàn "Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới cho báo chí" diễn ra mới đây.
Cùng với đó, ông Đỗ Công Anh cho rằng, tài nguyên dữ liệu tại Việt Nam hiện nay cần được sử dụng hiệu quả. Muốn như vậy, sự liên kết và chia sẻ dữ liệu trong chuyển đổi số là điều vô cùng cần thiết.
Chuyển đổi số mang lại doanh thu bền vững cho báo chí
Dẫn ra thực tế nhiều cơ quan báo chí đang đứng trước vấn đề doanh thu giảm, ông Đỗ Công Anh cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến sa sút về mặt nội dung, nhất là những tờ báo không được nguồn ngân sách tài trợ.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh của các nền tảng công nghệ số ở nước ngoài đã tác động trực tiếp tới hoạt động của các cơ quan báo chí, từ sản xuất vận hành phân phối tin tức. Trước thực trạng này, các tòa soạn báo chí đối mặt với nguy cơ bị thu hẹp hoặc phải xoay sở bằng các giải pháp khác, dẫn đến hiện tượng "giật tít câu view", nội dung không chất lượng làm mất niềm tin của độc giả.
Trong bối cảnh đầy thách thức, ông Đỗ Công Anh nêu quan điểm: “Báo chí cũng cần chuyển đổi số để phát triển. Trong báo chí, chuyển đổi số là áp dụng công nghệ để chuyển đổi mô hình kinh doanh”.
Từ góc nhìn đó, ông Đỗ Công Anh đưa ra 4 vấn đề quan trọng trong quá trình chuyển đổi mô hình doanh thu, gồm: Nâng cao chất lượng nội dung, giảm chi phí vận hành sản xuất phân phối, hiểu về nhu cầu độc giả để cá nhân hóa thông tin và đưa ra những mô hình quảng cáo hiệu quả. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong quản lý, vận hành nội bộ của cơ quan báo chí và ứng dụng vào sản xuất nội dung, tiếp cận độc giả.
Phó Cục trưởng cũng chỉ ra, chuyển đổi số hiệu quả mang lại doanh thu bền vững cho báo chí khi giải quyết đủ các yêu cầu cơ bản. Cụ thể, 5 yêu cầu quan trọng gồm nắm bắt thị hiếu độc giả để sản xuất nội dung, dùng công nghệ phân tích hành vi độc giả, tăng cường liên kết dữ liệu với các nền tảng khác nhau, chia sẻ, kết hợp dữ liệu với các cơ quan quảng cáo lớn trong nước, ứng dụng công nghệ quản lý vận hành, tăng tốc độ sản xuất thông tin.
Công nghệ đóng vai trò trong quản lý, vận hành nội bộ của cơ quan báo chí và ứng dụng vào sản xuất nội dung, tiếp cận độc giả.
|
Báo chí Việt Nam "bán lúa non" cho nước ngoài?
Tiếp mạch về báo chí trong kỷ nguyên số, ông Đỗ Công Anh thẳng thắn cho rằng, báo chí Việt Nam hiện sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào nhưng chưa khai thác hợp lý, có thể gọi là “bán lúa non” cho nước ngoài.
"Dữ liệu là cốt lõi của chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực nhưng thực trạng hiện nay nước ta đang quá phụ thuộc vào các nền tảng do nước ngoài cung cấp.
Càng sử dụng nền tảng nước ngoài, chúng ta càng bị lệ thuộc. Độc giả đang vô tình “cống nạp” dữ liệu, những nền tảng này càng có cơ hội kiếm tiền trên dữ liệu của độc giả” – ông Đỗ Công Anh quan ngại.
Chính vì vậy, tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng của dữ liệu sẽ mở ra hướng đi mới cho báo chí trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Trong lĩnh vực báo chí, tin tức của ngày hôm trước có thể coi là rất cũ, ít người còn quan tâm, thậm chí tin của vài tiếng trước cũng không còn mấy giá trị.
Tuy nhiên, "khối tin tức cũ được chuyển thành dữ liệu, sau đó liên kết theo ngữ cảnh, cung cấp cho người đọc dưới dạng tri thức thì chuỗi dữ liệu của hàng chục năm trước vẫn phát huy giá trị.
Đây sẽ là một xu thế của tin tức trong thời gian tới. Phóng viên cần có kiến thức về khoa học dữ liệu, tin tức được phân tích từ các dữ liệu có liên quan được xâu chuỗi lại thành tri thức, cung cấp đến từng cá nhân theo từng nhu cầu riêng” – Phó Cục trưởng dự báo.
Đánh giá "trong nguy có cơ", ông Đỗ Công Anh đề xuất các cơ quan báo chí nên có hình thức liên kết, chia sẻ để làm giàu dữ liệu. Theo ông, thay đổi tư duy là cách để hiểu hơn về nguồn dữ liệu khổng lồ, qua đó giữ lại và “tinh chế” dữ liệu một cách hiệu quả, từ đó thay đổi mô hình kinh tế báo chí sang một bước phát triển mới.