Trước tình trạng tai nạn giao thông gia tăng trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, vừa qua, UBND tỉnh Long An kiến nghị giảm tốc độ tối đa trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương từ 120 km/giờ xuống 100 km/giờ. Tuy nhiên, kiến nghị này không được ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), chấp thuận. Bởi lẽ, phần lớn các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đường này không phải do xe chạy tốc độ cao mà do ý thức chủ quan của tài xế.
Xe trước thắng gấp, xe sau lãnh đủ
Nói thêm về việc này, ông Vũ Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường cao tốc (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết tai nạn xảy ra trên đường cao tốc thường tập trung vào 3 yếu tố: Cầu đường, kỹ thuật và người lái.
Các vụ tai nạn xảy ra trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương thời gian qua không liên quan đến yếu tố cầu đường thì không cần thiết phải điều chỉnh. Trong trường hợp cầu đường bị xuống cấp, giải pháp là xử lý cầu đường để bảo đảm duy trì đúng tốc độ thiết kế chứ không hạ thấp tốc độ xuống.
Nếu làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác và lưu thông. “Thực tế, nhiều vụ tai nạn trên tuyến đường này vừa qua phần lớn do tài xế không giữ đúng khoảng cách an toàn, chạy quá tốc độ, buồn ngủ, xe bị nổ lốp. Vì vậy, kiến nghị giảm tốc độ xuống còn 100 km/giờ là không hợp lý” - ông Tuấn nhận định.
Nhận định của ông Tuấn cũng là ý kiến chung của cánh tài xế thường xuyên đi lại trên tuyến cao tốc này. Trong đó, lý do không giữ khoảng cách an toàn là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ tai nạn liên hoàn.
Khi vừa vào đường cao tốc hướng từ Tiền Giang về TP HCM đã xuất hiện biển báo “Khoảng cách an toàn 100 M”. Sau biển này, có 3 biển báo khác ký hiệu 0 M, 50 M, 100 M được đặt cách nhau từ 0 m, 50 m đến 100 m để tài xế ước lượng khoảng cách giữa 2 xe mà điều chỉnh tốc độ đúng quy định.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Người Lao Động tại cầu vượt Quản Thọ (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) vào sáng 8-10 cho thấy 100 % xe lưu thông đều không giữ khoảng cách an toàn theo biển báo mà “đeo” nhau với khoảng cách từ 20 m đến 30 m. Thậm chí, nhiều xe chỉ cách nhau 10 m. Với khoảng cách này, chỉ cần xe trước thắng gấp khi gặp sự cố là xe sau lãnh đủ.
Thiếu chứng cứ
Theo một CSGT làm nhiệm vụ trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, ngày nào cũng có tổ công tác tuần tra, kiểm soát vi phạm trên đường cao tốc. Tuy nhiên, lỗi không giữ khoảng cách an toàn 100 m giữa 2 xe rất khó xử lý.
“Khi chúng tôi tuần tra hoặc qua hệ thống camera, phát hiện xe vi phạm nhưng tài xế cứ đòi bằng chứng thì lấy đâu ra vì tốc độ xe chạy như thế thì làm sao đo khoảng cách giữa 2 xe được mà xử lý” - vị này giải thích.
Nói thêm về việc này, thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang, cho biết CSGT phát hiện lỗi vi phạm này khá nhiều nhưng chưa xử lý được trường hợp nào vì việc xác định lỗi chỉ là cảm tính chứ chưa có cơ sở khoa học.
Chỉ đến khi tai nạn xảy ra thì cơ quan công an mới xác định được lỗi không làm chủ tốc độ hoặc không giữ khoảng cách an toàn nhờ... tài xế thừa nhận. “Cách đây không lâu có xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, lỗi do tài xế xe sau nhưng người này cứ đòi bằng chứng nên rất khó xử lý” - thiếu tá Tuấn nói thêm.
Xe tải tông sập trạm thu phí
Khoảng 5 giờ ngày 8-10, một chiếc xe tải chở thức ăn gia súc lưu thông trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, hướng từ tỉnh Long An về TP HCM. Khi còn cách Trạm thu phí Chợ Đệm (huyện Bình Chánh, TP HCM) khoảng 10 m, chiếc xe đột ngột chuyển làn rồi lao lên tông sập 2 phòng vé số 7 và 4 của trạm thu phí.
Vụ tai nạn làm 2 nhân viên của trạm thu phí bị thương, 2 ô tô dừng lấy vé bị đè hư hỏng, riêng chiếc xe tải gây tai nạn lật nghiêng khiến tài xế bị thương nhẹ.
Theo NLĐ