Trong những năm gần đây, giới showbiz ngày càng nhiệt tình hơn với những hoạt động từ thiện. Ở showbiz Hoa ngữ, nơi những nghệ sĩ hàng đầu có sức ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người, nhiều người còn coi từ thiện như trách nhiệm đối với xã hội và đồng thời cũng tượng trưng cho sự đoàn kết.
Tuy nhiên, trong những năm qua, chính vấn đề từ thiện lại trở thành con dai hai lưỡi với làng giải trí Hoa ngữ. Loạt quỹ từ thiện do các ngôi sao lớn lập ra liên tục dính phốt, những hoạt động thiện nguyện của các minh tinh tên tuổi bị tố làm màu, không thật tâm. Nhiều diễn viên, ca sĩ nổi tiếng trong làng giải trí ôm nỗi nhục vì vướng bê bối ăn chặn tiền từ thiện cùng với loạt quỹ từ thiện không minh bạch.
Ngôi sao Trung Quốc vướng ồn ào khi làm từ thiện
Chủ đề "nghệ sĩ làm từ thiện" thu hút sự chú ý của xã hội trong những năm gần đây. Theo CNN, có hai trong nhiều hình thức làm từ thiện phổ biến nhất mà giới nghệ sĩ áp dụng: tự bỏ tiền túi hoặc đứng ra kêu gọi hỗ trợ. Ở cách thứ hai, nghệ sĩ có thể kêu gọi cho quỹ riêng, tổ chức họ làm đại diện, hoặc kết hợp với bên thứ ba.
Nhiều ngôi sao Trung Quốc chọn cách làm thứ hai.
Hàn Hồng là nữ nghệ sĩ gạo cội luôn đi đầu trong công tác từ thiện ở giới giải trí Hoa ngữ. Năm 2020, khi đại dịch bùng nổ ở Vũ Hán, Quỹ từ thiện tình thương do Hàn Hồng khởi xướng đã có nhiều đóng góp trong đợt dịch.
Tuy nhiên, Hàn Hồng sau đó vướng vào nghi vấn biển thủ, tham nhũng số tiền 300 triệu NDT tiền quyên góp bất hợp pháp và không công khai việc sử dụng tiền quyên góp kịp thời theo quy định của pháp luật. Trong thời kỳ đặc biệt "dịch bệnh Covid 19", Hàn Hồng bị đẩy vào vòng xoáy dư luận, việc quỹ từ thiện của các ngôi sao gặp khủng hoảng niềm tin cũng trở thành tâm điểm chú ý.
Thực tế, mỗi khi thảm họa lớn xảy ra giới nghệ sĩ lại có nhiều người đứng ra kêu gọi quyên góp khắc phục thiên tai, nhưng kèm theo đó thường là những nghi ngờ, tranh cãi về độ minh bạch của các quỹ từ thiện.
Năm 2014, một blogger đã chất vấn ngôi sao võ thuật Lý Liên Kiệt và quỹ từ thiện One Foundation của ông. Năm 2008, Tứ Xuyên xảy ra thảm họa động đất, Lý Liên Kiệt kêu gọi được số tiền hơn 400 triệu NDT. Tuy nhiên, sau sáu năm, quỹ chỉ giải ngân 40 triệu NDT cho người dân Tứ Xuyên, số tiền còn lại chưa có giải trình cụ thể. Hàng nghìn cư dân mạng bức xúc, "Vậy số tiền 360 triệu nhân dân tệ còn lại đã đi đâu, về đâu?" và yêu cầu công khai việc chi tiêu của quỹ.
Lý Liên Kiệt cho biết tổ chức của ông chỉ đầu tư thẳng vào các hạng mục chứ không chuyển tiền, chỉ gửi quà tặng là hiện vật cho địa phương. Nam diễn viên không đưa ra được chứng từ cụ thể các khoản thu chi từ phía ngân hàng, không trả lời rõ ràng được khoản tiền lời trong vòng một năm của quỹ, cũng như số tiền còn lại đã đi đâu.
Lùm xùm "ăn chặn tiền từ thiện" khiến Lý Liên Kiệt trở thành tội đồ trong mắt nhiều khán giả.
"Lệnh Hồ Xung" Lý Á Bằng cũng vướng phải lùm xùm quỵt tiền từ thiện. Do con gái bị hở hàm ếch bẩm sinh, Lý Á Bằng và Vương Phi đã thành lập một quỹ từ thiện nhằm giúp đỡ các em nhỏ cũng bị khuyết tật như vậy, lấy tên là Smile Angel Foundation.
Năm 2014, một người tên Zhou Xiaoyun viết trên trang Weibo tố rằng có một "âm mưu bẩn thỉu" đằng sau Smile Angel Foundation. Theo một báo cáo, từ năm 2006 đến năm 2012 tổ chức này đã chi 114 triệu NDT và hỗ trợ phẫu thuật cho 8.525 em nhỏ. Tuy nhiên, Zhou Xiaoyun tính toán và thấy rằng chi phí trung bình của mỗi cuộc phẫu thuật chỉ ở mức 5.000 NDT. Như vậy tổng chi phí cho các cuộc phẫu thuật chỉ là 43 triệu NDT, còn 71 triệu NDT đã biến đi đâu?
Chính vì scandal này mà cái tên Lý Á Bằng trong làng giải trí bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là trong việc kinh doanh và từ thiện của tài tử. Trên MXH, netizen bày tỏ họ vô cùng thất vọng về nam diễn viên: "Nếu là sự thật thì hy vọng anh ta bị pháp luật xử lý thật nghiêm khắc", "Không thể ngờ anh ta làm giàu bằng cách này",...
Thành Long cũng vướng ồn ào "bùng" tiền từ thiện. Năm 2009, trong một lần ghé thăm trường trung học Tân Bắc Xuyên, Thành Long đã hứa lấy một phần tiền thu được từ bộ phim mới Đại binh tiểu tướng sung vào quỹ Kinh tế văn hóa Trung Hoa để trợ giúp xây lại trường. Vậy nhưng suốt nhiều năm sau, tập thể giáo viên và nhà trường chưa hề nhận được một khoản tiền nào từ phía nam diễn viên gạo cội.
Không chỉ các nghệ sĩ gạo cội mà nhiều nghệ sĩ trẻ của showbiz Hoa ngữ cũng vướng lùm xùm từ thiện. Nhiều năm qua, Dương Mịch luôn bị lấy làm ví dụ cho việc nghệ sĩ lừa dối trong việc thiện nguyện. Vụ bê bối lừa gạt từ thiện của Dương Mịch xuất phát từ lời hứa của cô vào tháng 10/2015. Thời điểm đó, Dương Mịch quay phim Tôi là nhân chứng và tham gia buổi quảng bá phim tại Thành Đô. Dương Mịch đưa ra lời hứa hẹn sẽ quyên góp cho trường giáo dục đặc biệt ở đây 100 gậy và 50 máy đánh chữ dành cho trẻ em mù.
Tuy nhiên, 3 năm trôi qua nhưng Dương Mịch vẫn không thực hiện được lời hứa. Sau đó, một người đại diện tên là Lý Manh đã lên tiếng tố cáo nữ diễn viên. Không những vậy phía Dương Mịch khẳng định đã chuyển tiền từ thiện, đổ lỗi cho Lý Manh ăn chặn ở giữa. Tuy nhiên, nữ diễn viên không đưa ra được bằng chứng thuyết phục.
So với giới nghệ sĩ ở Cbiz hay thậm chí Việt Nam, các ngôi sao Hàn Quốc thường đóng góp từ thiện thông qua các tổ chức và công bố chi tiết khoản tiền. Do làng giải trí Hàn quá khắc nghiệt nên các ngôi sao cẩn trọng hơn ngay cả trong hoạt động công ích và không nhiều người muốn đứng ra thành lập quỹ từ thiện, kêu gọi quyên góp vì sợ điều tiếng. Họ cũng công bố rõ số tiền từ thiện để công chúng biết, giúp các tổ chức minh bạch trong kiểm toán, tránh tình trạng bị tố ăn chặn tiền quyên góp.
Nhìn chung, do hình thức từ thiện minh bạch, rõ ràng và không ôm đồm vượt khả năng của bản thân, giới nghệ sĩ Hàn hiếm khi vướng vào tai tiếng liên quan đến việc từ thiện.
Mặt tối đằng sau các quỹ từ thiện tự lập của người nổi tiếng và người giàu
One Foundation, tổ chức từ thiện của ngôi sao phim hành động Lý Liên Kiệt. |
Theo tạp chí Forbes, việc từ thiện của người nổi tiếng không hề trong sạch như vẻ ngoài hào nhoáng của nó. Giáo sư Leslie Lenkowsky của trường đại học Indiana University nhận định về cơ bản các nghệ sĩ thường tạo quỹ từ thiện do họ không tin tưởng khi giao tiền cho người khác. Tuy nhiên, rõ ràng đây cũng là một chiêu trò PR bản thân khôn ngoan.
Hình ảnh tích cực quan trọng như thế nào đối với những ngôi sao làng giải trí? Người nổi tiếng trong làng giải trí rất coi trọng hình ảnh và phản ứng của cộng đồng mạng với họ. Nếu danh tiếng và hình ảnh của họ không tốt, tác phẩm nghệ thuật của họ sẽ dễ bị khán giả và người hâm mộ quay lưng. Vì vậy trong làng giải trí, điều đặc biệt quan trọng là phải thiết lập một hình ảnh thật tích cực về bản thân trong mắt công chúng.
"Mục đích hình thành quỹ từ thiện có thể thực sự trong sáng, nhưng nó cũng vô tình trở thành công cụ quảng bá hình ảnh cho người nổi tiếng cùng những mục đích khác", giáo sư Lenkowsky cho biết.
Mặt khác, người nổi tiếng không mấy khi dùng tiền túi của mình để làm từ thiện. Họ tổ chức những buổi đấu giá, concert âm nhạc hay dạ hội để thu tiền quyên góp, rồi dùng chính số tiền đó đi làm từ thiện, mà việc báo cáo giải trình thì không phải bao giờ cũng minh bạch.
Stephanie Sandler – phó chủ tịch cấp cao của Giving Back Fund nhấn mạnh, "Nhiều người nổi tiếng đã vang danh khắp nơi vì thường xuyên làm từ thiện, nhưng lại không thực sự bỏ tiền túi ra".
Bên cạnh đó, lợi ích thực tế mà các ngôi sao có thể nhận được từ hoạt động từ thiện và phúc lợi công cộng là "ưu đãi thuế". Theo luật thuế của Trung Quốc, nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế đối với hoạt động từ thiện.
Các khoản đóng góp của doanh nghiệp cũng nhận được ưu đãi về thuế với các quy định khác nhau.
Đối với những người nổi tiếng, làm từ thiện không chỉ mang lại cho họ danh tiếng tốt và cơ hội tiếp xúc với quần chúng, mà điểm thiết thực nhất là lợi ích về ưu đãi thuế, để họ có cả danh tiếng và lợi ích, nhất cử lưỡng tiện, ai có thể từ chối chứ?
Dưới áp lực từ chính quyền, các quỹ từ thiện tư nhân Trung Quốc trở nên im lặng
Tại một cuộc họp mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc mang đến "của cải vừa phải" cho tất cả người dân. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh mục tiêu này ít nhất 65 lần trong các bài phát biểu và cuộc họp vào năm nay.
Ông Tập cho biết, Trung Quốc "nên điều chỉnh hợp lý mức thu nhập quá cao và khuyến khích những cá nhân, doanh nghiệp có thu nhập cao đóng góp nhiều hơn cho xã hội". Theo truyền thông nhà nước, ý tưởng về việc "giúp ích cho xã hội" này sẽ được thực hiện dựa trên nghĩa vụ đối với xã hội, thúc đẩy người giàu quyên góp một phần tài sản cá nhân.
Trong đó, chủ trương "phân phối lần ba" của chính phủ Trung Quốc thu hút mối quan tâm rộng rãi của công chúng.
Phân phối thu nhập là một vấn đề chính liên quan đến "túi tiền". Phân phối sơ cấp là thu nhập được thực hiện thông qua thị trường, chẳng hạn như thu nhập từ lao động và thu nhập từ thị trường chứng khoán.
Tái phân phối là thu nhập được chính phủ điều chỉnh thông qua hệ thống thuế lũy tiến và các chương trình phúc lợi xã hội nhằm đảm bảo công bằng hơn trong xã hội hoặc ít nhất là giảm thiểu khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.
Phân phối lần ba là sự tái lưu chuyển của cải xã hội thông qua các hình thức tương trợ xã hội khác nhau, chẳng hạn như quyên góp tư nhân, từ thiện và các hoạt động tình nguyện, để thúc đẩy công bằng xã hội.
Ví dụ, mọi người quyên góp đồ đạc cho các tổ chức từ thiện để giúp đỡ người dân ở các vùng thiên tai hoặc các nhóm đang gặp khó khăn, quỹ học bổng và quỹ từ thiện do doanh nhân và người nổi tiếng quyên góp. Đây đều là những biểu hiện trực quan của phân phối lần ba.
Bản phân phối thứ ba là hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc so với hai bản phân phối đầu tiên và được ca ngợi là "bàn tay nhẹ nhàng" thúc đẩy công bằng xã hội.
Trong đợt lũ lụt nặng nề tại Hà Nam vừa qua, thương hiệu thể thao nội địa Hongxing Erke đã âm thầm quyên góp và trợ giúp rất nhiều cho cộng đồng. Điều này khiến người dân Trung Quốc cảm động, đổ xô vào các livestream bán hàng online cũng như store offline để mua đồ ủng hộ.
Có thể thấy, trong quá trình phân phối lần ba, các doanh nghiệp và cá nhân đóng góp cho xã hội không những có thể nâng cao uy tín của chính họ mà còn giúp hình thành một bầu không khí tương trợ xã hội tốt đẹp.
Jack Ma là tỉ phú làm từ thiện lớn nhất Trung Quốc. |
Tuy nhiên, việc quyên góp tiền, lập quỹ từ thiện ở Trung Quốc Đại lục không hề đơn giản. Trước hết, chính quyền Trung Quốc luôn rất cảnh giác với các quỹ từ thiện tư nhân và các tổ chức phi chính phủ, lo ngại ảnh hưởng của các tổ chức phi chính phủ này sẽ lớn đến mức không có lợi cho sự điều hành của "chế độ dân chủ nhân dân".
Điển hình là One Foundation nổi tiếng một thời của Lý Liên Kiệt và Smile Angel Foundation của Lý Á Bằng và Vương Phi. Các quỹ từ thiện tư nhân của những cá nhân giàu có như Jack Ma và Tào Đức Vượng cũng đã trở nên im ắng trong những năm gần đây, nhưng họ vẫn bị giới truyền thông Đại lục đặt nghi vấn là có "tham vọng" và "âm mưu".
Ở Mỹ, các quỹ từ thiện tư nhân của các gia đình siêu giàu như Gates, Rockefeller, Ford,... nổi tiếng và hoạt động rất tích cực, phát huy hết tác dụng phân phối lần ba; nhưng hiện nay ở Trung Quốc, nếu giới giàu có dự định làm thiện nguyện và huy động quyên góp số tiền lớn để thành lập quỹ từ thiện cá nhân, đó có thể không phải là một lựa chọn sáng suốt.
Một vấn đề khác nữa là liệu có ổn khi một người giàu có trực tiếp quyên góp tiền cho chính phủ đề làm từ thiện? Ranh giới giữa động thái này và tái phân phối sẽ trở nên rất mờ nhạt, thậm chí nó có thể khiến thế giới bên ngoài cảm thấy rằng đây là một cách "thu thuế trá hình" của Trung Quốc, có thể gây ra những nhận thức tiêu cực.
Tất nhiên, chính quyền Trung Quốc có thể thành lập các nhóm từ thiện do chính phủ lãnh đạo để thu quyên góp từ những người giàu có và công chúng.
Đối với scandal lùm xùm từ thiện của nghệ sĩ trong nước, các cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc không nể nang mà chỉ đích danh, "Lừa dối trong việc quyên góp từ thiện là hành vi thất tín nghiêm trọng, không thể nào tham gia giải thưởng từ thiện Trung Quốc".
Đối với cá nhân và tổ chức lợi dụng danh nghĩa từ thiện để trục lợi, chính quyền Trung Quốc áp dụng chế tài xử phạt nghiêm khắc.
Năm 2012, hot girl Trung Quốc Guo Meimei dính vào bê bối lớn khi đăng bức ảnh bên xe sang, tự xưng mình là giám đốc một công ty có liên kết với Hội chữ thập đỏ Trung Quốc. Điều này khiến công chúng đặt câu hỏi liệu tổ chức này có tham nhũng không. Kết quả, lượng ủng hộ cho Hội chữ thập đỏ giảm tới 60%, dù tổ chức này lên tiếng khẳng định không có mối quan hệ gì với cô nàng.
Tòa án nhân dân quận Đông Thành, Bắc Kinh thụ lý vụ án và kết án Guo Meimei 5 năm tù cùng khoản tiền phạt 50.000 NDT vì tội tổ chức đánh bạc trái phép.
Năm 2015, một tổ chức đã sử dụng danh nghĩa Liên đoàn từ thiện Trung Quốc và Quỹ phúc lợi xã hội Trung Quốc để thu hút người đầu tư vào dự án từ thiện để trục lợi. Người cầm đầu tổ chức đã bị bắt và chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo gây quỹ.
Hiện tại, giới chức Trung Quốc vẫn chưa có hành động chính thức đối với các vụ bê bối từ thiện của giới nghệ sĩ. Tuy nhiên, nếu nhìn từ câu chuyện ngã ngựa gần đây của Triệu Vy hay Trương Triết Hạn, một khi gây ra điều tiếng không hay và tạo ảnh hưởng tiêu cực trong cộng đồng, dù nhiều năm trôi qua thì chính quyền Trung Quốc vẫn sẽ đào lại và cho "bay màu" không nương tay.
Nói tóm lại, quyên góp tiền từ thiện không chỉ đòi hỏi sự thiện tâm mà còn phải có chất xám, đặc biệt ở Trung Quốc, việc quyên góp để khiến chính phủ hài lòng, an tâm và làm hài lòng công chúng là điều không dễ dàng. Đối với người nổi tiếng và người giàu đang đứng nơi đầu sóng ngọn gió, "phân phối lần ba" luôn là biện pháp chực chờ có thể "áp" vào họ bất cứ lúc nào.
Tóm lại, làm từ thiện là một hành động nhân văn cao đẹp, nhưng cần phải thực sự xuất phát từ tâm và thực hiện một cách khôn ngoan.