Kháng thuốc: Mối lo ngại lớn ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đó là khẳng định của GS.TS. Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế - tại hội nghị triển khai Chiến lược Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc và hưởng ứng Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc.

Lễ ký bản thỏa thuận về phòng, chống kháng thuốc giữa Bộ Y tế và các Bộ, ngành, các đối tác phát triển
Lễ ký bản thỏa thuận về phòng, chống kháng thuốc giữa Bộ Y tế và các Bộ, ngành, các đối tác phát triển

Kháng thuốc ở Việt Nam đang tăng nhanh

Theo Bộ Y tế, kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng không còn đáp ứng với thuốc, khiến cho việc điều trị nhiễm trùng ngày càng trở nên khó khăn hoặc không thể điều trị được.

Chiến lược Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc thể hiện nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm chống lại sự gia tăng của tình trạng kháng thuốc.

Chiến lược do Bộ Y tế chủ trì và phối hợp với các bộ liên quan, nhằm đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường giám sát, thúc đẩy sử dụng kháng sinh có trách nhiệm trong y tế và nông nghiệp, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về hậu quả của việc lạm dụng và sử dụng quá mức thuốc kháng vi sinh vật ở cả con người và động vật.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, xu hướng kháng kháng sinh ngày càng tăng. Nhiều thách thức vẫn tồn tại, bao gồm năng lực hạn chế của các phòng xét nghiệm trong giám sát và phân tích dữ liệu, kê đơn thuốc kháng sinh không phù hợp và thiếu việc thực thi các quy định về bán thuốc kháng sinh. Cam kết của Chính phủ trong việc giải quyết vấn đề này được phản ánh trong Chiến lược Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc toàn diện.

“Kháng thuốc vẫn đang là mối lo ngại ở Việt Nam bất chấp những tiến bộ khoa học đã đạt được trong 10 năm qua” - GS.TS. Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Còn TS. Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho biết: Việt Nam đã cấm sử dụng kháng sinh kích thích tăng trưởng từ năm 2018, ban hành thông tư yêu cầu kê đơn đối với tất cả các loại kháng sinh sử dụng trên động vật kể từ năm 2020 và sẽ loại bỏ dần việc sử dụng kháng sinh điều trị dự phòng trong ngành chăn nuôi vào năm 2026.

"Đây là những nỗ lực cụ thể có thể giảm lượng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và giảm nguy cơ kháng kháng sinh ở cả động vật và con người. Nông dân có thể thúc đẩy các biện pháp phòng chống dịch bệnh để giảm thiểu nhu cầu sử dụng kháng sinh"- TS. Phùng Đức Tiến nói.

Đánh giá cao cách tiếp cận của Việt Nam và hưởng ứng Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc, T.S Angela Pratt - đại diện WHO tại Việt Nam – cho rằng, Chiến lược Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc là một bước quan trọng hướng tới việc làm chậm sự tiến triển kháng thuốc, vốn là một thực trạng mà WHO đã tuyên bố là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe cộng đồng hàng đầu mà nhân loại phải đối mặt. Bên cạnh đó, nỗ lực giải quyết tình trạng kháng thuốc cần sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ Y tế, Bộ nn&PTNT, Bộ TN&MT, Bộ Công Thương…

Cũng theo T.S Angela Pratt, Việt Nam nằm trong số các nước có tỷ lệ kháng thuốc cao do lạm dụng, sử dụng không hợp lý thuốc kháng vi sinh vật, đặc biệt là thuốc kháng sinh; hiệu thuốc bán thuốc kháng sinh không kê đơn và bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh không hợp lý.

Kháng thuốc đã vượt ranh giới ngành

Theo Bộ Y tế, việc lạm dụng và sử dụng không hợp lý thuốc kháng vi sinh vật ở người, động vật và thực vật là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển nhiễm trùng kháng thuốc.

Việc kê đơn thuốc không hợp lý và không tuân thủ điều trị của bệnh nhân cũng góp phần vào tình trạng này. Bên cạnh đó, việc thiếu nước sạch và vệ sinh tại các cơ sở y tế, trang trại và cộng đồng cũng như việc phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng không đầy đủ sẽ thúc đẩy sự xuất hiện và lây lan của nhiễm trùng kháng thuốc.

TS. Rémi Nono Womdim - đại diện Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam - cho biết, kháng thuốc trong thực phẩm và nông nghiệp gây ra rủi ro cho hệ thống lương thực, sinh kế và nền kinh tế.

vt_khang thuoc 1.png
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị triển khai Chiến lược và hưởng ứng “Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc, diễn ra lễ ký bản thỏa thuận về phòng, chống kháng thuốc

“Điều này làm cho kháng thuốc trở thành một vấn đề vượt qua ranh giới ngành. Thực hành chăn nuôi tốt, an toàn sinh học, vệ sinh, tiêm phòng và các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng khác là rất cần thiết để giảm nhu cầu sử dụng thuốc kháng sinh ở động vật”- TS. Rémi Nono Womdi chia sẻ.

Cũng theo đại diện FAO tại Việt Nam, người dân chỉ nên dùng thuốc kháng sinh và các loại thuốc chống vi sinh vật khác do nhân viên có chuyên môn và thẩm quyền kê đơn, luôn tuân thủ theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng kháng sinh; không bao giờ dùng chung hoặc sử dụng kháng sinh còn thừa của người khác; ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên.

'Việc lạm dụng và sử dụng không hợp lý kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đã góp phần gây ra tình trạng kháng kháng sinh và làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho người tiêu dùng”- TS. Rémi Nono Womdim cảnh báo.

Cũng hôm nay đã diễn ra lễ ký bản thỏa thuận về phòng, chống kháng thuốc giữa Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Bộ Công thương và WHO, FAO; US.CDC; USAID; Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam và Tổ chức FHI 360.

Việt Nam trở thành 1 trong 6 nước đầu tiên thuộc châu Á - Thái Bình Dương xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc từ năm 2013, đã đạt được nhiều thành tựu.