Hỗ trợ không phân biệt quy mô doanh nghiệp
Tại buổi hội thảo, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng: “Bây giờ, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đã ở ngưỡng an toàn, thì nhiệm vụ kép vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phục hồi nền kinh tế là mệnh lệnh”.
Ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM - khẳng định: “Năm nay chắc chắn suy giảm kinh tế, nhưng phải làm sao để đến 2021 có thể hồi phục, tái cơ cấu nền kinh tế, đồng thời, kiểm soát được dịch bệnh COVID-19”.
Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.HCM - kiến nghị chuyển nợ thuế sang các năm tiếp theo cho doanh nghiệp.
“Rất khó có thể chứng minh được là COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp. Vì thế, đề nghị cho phép toàn bộ các doanh nghiệp được hưởng gói cấp cứu COVID-19, không phân biệt quy mô doanh nghiệp, không phải chứng minh mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh” - Ông Chu Tiến Dũng nói.
Cần nhiều giải pháp để hồi phục nền kinh tế TP.HCM khỏi ảnh hưởng COVID-19 (Ảnh: Hòa Bình)
|
Hỗ trợ thật nhanh, không để doanh nghiệp bị phá sản
Tại buổi tọa đàm, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nêu 10 giải pháp để phục hồi nhanh nền kinh tế TP.HCM và chuẩn bị cho phát triển bền vững.
“Ngày 11/1 Trung Quốc thông báo về ca tử vong đầu tiên. Cho đến hôm nay 5/5, thế giới có tới 122 quốc gia và vùng lãnh thổ có người nhiễm COVID-19 với hơn 3,6 triệu người nhiễm, mỗi ngày tăng thêm khoảng 80 ngàn người mắc bệnh, hơn 252 ngàn người đã tử vong. Nhưng 70% số người nhiễm và 78% số tử vong đều nằm ở 10 quốc gia (Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc…) Nhìn vào sơ đồ lây nhiễm, tử vong và số bệnh nhân đang điều trị, thì thấy không phải nước nào cũng giống nhau. Xem xét đồ thị của các nước sẽ cho thấy nước nào đã vào giai đoạn an toàn” – Bí thư Nhân nêu vấn đề.
“Với Mỹ, hiện tại cả số nhiễm và số đang điều trị đều đang rất cao và tiếp tục tăng. Căn cứ trên hiện trạng này, dự kiến cho đến hết năm 2020 cũng khó có thể tiếp tục giao thương với Mỹ” – Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận định.
“Hàn Quốc đến nay chỉ còn lại khoảng 1.000 bệnh nhân đang trong bệnh viện. Dự kiến, khoảng tháng 6/2020 là có thể tiếp tục giao dịch trở lại với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Hong Kong, trong điều kiện kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh COVID-19” – Bí thư Nhân đưa nhận định.
“Thái Lan, Lào, Campuchia… đã chuyển sang giai đoạn an toàn. Riêng trường hợp Trung Quốc, nếu “mở cửa” kết nối giao thương trở lại, cần cân nhắc là tỉnh nào, vùng nào, không thẻ mở cho tất cả các vùng” – Bí thư Nhân nói.
Nhiều chuyên gia kinh tế được mời dự tọa đàm sáng 5/5 tìm giải pháp (Ảnh: HB)
|
Về các doanh nghiệp, bí thư Nhân nhấn mạnh: “Buộc phải ngăn chặn nguy cơ phá sản của doanh nghiệp. Cần hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động, cơ bản từ 3-4 tháng, sau giai đoạn này, nền kinh tế sẽ phục hồi. Đề nghị UBND TP.HCM triển khai quyết liệt, vừa gói hỗ trợ của Chính phủ, vừa gói hỗ trợ của thành phố. Làm thật nhanh, cho phép hậu kiểm. Kê khai, cam kết và nhận hỗ trợ trước để giữ chân người lao động cho doanh nghiệp. Không được để người lao động thất nghiệp và doanh nghiệp gặp khó nhiều hơn về nhân sự”.
“Thứ hai, cần gói hỗ trợ tính thanh khoản cho các khoản nợ, khoản vay, khoản thuê nhà, thuê đất, thuê mặt bằng, văn phòng, mua vật tư... Gói này cũng cho phép hậu kiểm, triển khai thật nhanh để hỗ trợ doanh nghiệp” – Bí thư Nhân lưu ý.
“Thứ ba, cần hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, đặc biệt là những mặt hàng hoặc vật tư có lợi thế địa phương” – Bí thư Nhân chỉ đạo.
Buổi tọa đàm còn có nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế được mời để cùng phân tích vấn đề, tìm giải pháp.
Nhà khoa học, GS.TS Hồ Đức Hùng, chuyên gia kinh tế hiến kế tại tọa đàm (Ảnh: Hòa Bình)
|
Nhà khoa học, GS.TS Hồ Đức Hùng đến từ Trường ĐH Kinh tế TP.HCM khá lạc quan khi đặt vấn đề về các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối tượng “bị tổn thương nhiều nhất vì COVID-19”:
“Doanh nghiệp vừa và nhỏ rất linh hoạt, dễ thay đổi ứng biến phù hợp, nên với đối tượng này khía cạnh biến nguy thành cơ khá thuận lợi, cần hỗ trợ họ để mang lại bình ổn đời sống cho chính doanh nghiệp và người lao động” - GS.TS Hồ Đức Hùng nói.