Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã có thông báo về kết quả đăng ký mua cổ phần của Tổng công ty Sông Đà (Công ty mẹ). Theo đó, đã có 229 nhà đầu tư tham gia mua cổ phần trong đợt IPO lần này, với tổng khối lượng đạt 801.500 cổ phần. Đáng chú ý, cả 229 nhà đầu tư này đều là nhà đầu tư cá nhân.
Với mức giá khởi điểm 11.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến Nhà nước sẽ thu về 8,8 tỷ đồng.
Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà đã được điều chỉnh theo văn bản số 1478/TTg-ĐMDN, được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 29/9/2017. Cơ cấu phát hành lần đầu (IPO) của Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà đã có sự thay đổi.
So với Quyết định số 824/QĐ-TTg, cổ phần Nhà nước vẫn là 229,5 triệu cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019, năm 2020 bán tiếp phần vốn nhà nước còn nắm giữ tại doanh nghiệp này xuống dưới 50% vốn điều lệ. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 48 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 vẫn là 822 nghìn cổ phần, chiếm 0,18% vốn điều lệ.
Tuy nhiên với 219,68 triệu cổ phần còn lại (48,82% vốn điều lệ) - thay vì được chia làm 2 phần (30% cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược; 18,82% cổ phần bán đấu giá công khai) như phương án cổ phần hóa ban đầu, đã được xác định dành toàn bộ để bán đấu giá công khai.
Theo phương án này, quy mô của Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà sẽ được nâng lên thành 219,68 triệu cổ phần, và công ty sẽ không có cổ đông chiến lược.
Thời gian tổ chức bán đấu giá vào lúc 9h00 ngày 25/12/2017 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Mục tiêu của Tổng công ty Sông Đà sau cổ phần hóa sẽ trở thành Tổng công ty có quy mô lớn, hiện đại, đa sở hữu, sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao trên các lĩnh vực chính là: (1) Tổng thầu xây dựng và tổng thầu EPC; (2) Đầu tư, sản xuất và kinh doanh điện. Không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.