Kế hoạch phát triển AI của Trung Quốc cảm nhận được sức nóng từ lệnh cấm đầu tư của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Những hạn chế cứng rắn của Hoa Kỳ đối với hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến đang khiến dòng tiền nước ngoài mất đi và đe dọa tham vọng AI của Trung Quốc.

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

SCMP nhận định xưởng sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc SMIC có thể đã không thành lập được nhà máy đầu tiên ở ngoại ô Thượng Hải vào đầu những năm 2000 nếu không có nguồn tài trợ từ Mỹ.

Tập đoàn Sản xuất Chip bán dẫn Quốc tế (SMIC) chỉ là một trong nhiều công ty Trung Quốc nhận được vốn đầu tư của Hoa Kỳ từ các nhà đầu tư đang tìm kiếm lợi nhuận phi thường từ sự phát triển phi mã của nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và việc thực hiện các biện pháp hạn chế đầu tư cứng rắn của Mỹ, triển vọng hợp tác như vậy trong tương lai dần trở nên mờ nhạt, giáng một đòn trực tiếp vào tham vọng trở thành cường quốc toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc. Những người trong ngành và các nhà phân tích cho rằng việc hạn chế hỗ trợ tài chính và chuyên môn kỹ thuật là yếu tố quan trọng có thể thay đổi cuộc chơi.

Ben Harburg, đối tác quản lý tại MSA Capital, một quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: “Thiệt hại lớn sẽ xảy ra khi nhiều nhà đầu tư sợ hãi và rời bỏ thị trường Trung Quốc”. Harburg cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Post: “Chúng tôi sẽ tránh các lĩnh vực mà chúng tôi cho rằng có nguy cơ hoặc có thể vi phạm các lệnh trừng phạt hiện tại hoặc tương lai của Hoa Kỳ”.

MSA Capital quản lý các quỹ bằng USD với nguồn vốn từ các quỹ tài sản có chủ quyền, các nhà quản lý tài sản quốc tế và quỹ hưu trí, cũng như các doanh nhân Trung Quốc.

Với việc nhiều nhà đầu tư như MSA Capital đang cố gắng né tránh lệnh trừng phạt, những người góp vốn cho các quỹ này cũng sẽ phải suy nghĩ lại về chiến lược của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng.

Elton Jiang, đối tác sáng lập tại Genilink Capital có trụ sở tại Thượng Hải, doanh nghiệp hỗ trợ công ty khởi nghiệp chip Black Sesame Technologies và nhiều công ty khác, cho biết các nhà đầu tư Mỹ sẽ không chỉ ngừng rót tiền vào một số lĩnh vực nhất định mà còn có thể thoái vốn khỏi các công ty trong danh mục đầu tư hiện có để tuân thủ các hạn chế mới.

Jiang nói thêm rằng sự gián đoạn lớn nhất từ ​​các hạn chế đầu tư mới sẽ là yếu tố ngăn cản các nhà đầu tư tiềm năng ở Trung Quốc.

Vào tháng 8, chính quyền Tổng thống Biden đã công bố một lệnh hành pháp nhằm hạn chế vốn đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân của Mỹ vào các công ty Trung Quốc liên quan đến chip bán dẫn, vi điện tử, công nghệ lượng tử và hệ thống AI.

Theo các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường độc lập Rhodium Group, động thái của Washington nhằm sàng lọc các khoản đầu tư ra nước ngoài khi nguồn vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ đang dần cạn kiệt ở thị trường Trung Quốc. Dữ liệu của Rhodium cho thấy mức đầu tư của các nhà đầu tư Hoa Kỳ đối với các công ty khởi nghiệp Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm vào năm ngoái xuống còn 1,27 tỉ USD, giảm nhiều so với mức đỉnh 14,4 tỉ USD vào năm 2018.

Mặc dù nhiều chuyên gia tài chính đã dự đoán trước những hạn chế cứng rắn hơn của Hoa Kỳ, tuy nhiên họ cho rằng thông báo mới này đã hoàn toàn khép lại cánh cửa hy vọng đối với hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực bị trừng phạt.

Kaidi Gao, nhà phân tích tại dịch vụ dữ liệu đầu tư Pitchbook, cho biết một số đối tác lớn nhất – chẳng hạn như các quỹ hưu trí thuộc lĩnh vực cổ phần tư nhân – hiện đã rút hoàn toàn các khoản đầu tư mới vào Trung Quốc.

Một báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu đầu tư Preqin cho thấy các quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào Trung Quốc đã huy động được 2,7 tỉ USD từ tháng 4 đến tháng 6, giảm 54,2% so với quý trước. Trong khi đó, đối với các lĩnh vực như bán dẫn, nguồn vốn từ lâu đã chuyển sang các quỹ địa phương, theo các chuyên gia trong ngành.

Tại Hội nghị thường niên Thiết bị bán dẫn Trung Quốc (CSEAC) 2023 hồi đầu tháng này, nơi một nhà đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm Fountain Bridge Capital cho biết từ lâu họ đã tách quỹ của Hoa Kỳ và quỹ của Trung Quốc cho các mục tiêu đầu tư đối với ngành bán dẫn Trung Quốc.

Lĩnh vực bán dẫn luôn là một trường hợp đặc biệt, có thời gian đầu tư dài và rủi ro cao. Lĩnh vực này từng bị nhiều quỹ đầu tư xa lánh cho đến khi nỗ lực tự cung tự cấp của Trung Quốc tăng cường do căng thẳng gia tăng với Washington. Nhiều quỹ đầu tư tư nhân và đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc đã theo đuổi các giám đốc điều hành tại CSEAC để trao đổi về cơ hội đầu tư.

Cho đến nay, Quỹ đầu tư Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc do nhà nước hậu thuẫn, là phương tiện chính để chính phủ Trung Quốc bơm tiền vào lĩnh vực chip. Giai đoạn đầu tiên của quỹ đã huy động được 19,7 tỉ USD với đợt huy động thứ hai khoảng 30 tỉ USD. Được biết, quỹ đã thực hiện đầu tư vào hàng loạt công ty bán dẫn Trung Quốc kể từ khi thành lập vào tháng 9 năm 2014.

Rất khó để ước tính gói trợ cấp tổng thể mà Bắc Kinh và chính quyền đầu tư cho ngành công nghiệp chip trong nước, vì nhiều hình thức trợ cấp không nhất thiết phải được trao dưới dạng tiền mặt.

Theo SCMP, chính quyền thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, muốn tham gia cuộc chơi bằng cách cung cấp các lô đất giá rẻ, cơ sở nhà máy và thậm chí bằng cách trả tiền cho một số thiết bị thay vì thông qua hoạt động đầu tư trực tiếp.

Tuy nhiên, đối với một số người hoạt động trong ngành, nguồn tài trợ bằng đồng nhân dân tệ của địa phương không bao giờ có thể bù đắp được các khoản đầu tư từ Hoa Kỳ - quỹ vốn thường có thời hạn đầu tư dài và mức độ sẵn sàng chịu rủi ro cao.

Một nhà đầu tư có trụ sở tại Thượng Hải, người yêu cầu giấu tên do tính nhạy cảm của chủ đề này, cho biết điểm mạnh của các quỹ đầu tư bằng USD là khả năng hỗ trợ các dự án có rủi ro cao, khiến chúng khác biệt với nhiều quỹ nhân dân tệ. Nhà đầu tư cho biết thêm, các quỹ nội tệ thường không đầu tư vào các dự án ban đầu chưa tạo ra thu nhập.

Trong một cuộc thảo luận gần đây, Duane Kuang Ziping, đối tác sáng lập và quản lý của Qiming Venture Partners có trụ sở tại Trung Quốc, cho biết các quỹ bằng USD thường ưa thích các dự án rủi ro có tiềm năng tạo ra lợi nhuận vượt trội.

Ông Kuang cho biết trong cuộc đối thoại với Yang Xiaolei, Giám đốc điều hành của quỹ đầu tư địa phương: “Lấy đơn vị xử lý đồ họa (GPU) làm ví dụ, các quỹ đầu tư nhân dân tệ sẽ không đặt cược vào các dự án GPU cho đến khi công ty khởi nghiệp GPU được xác nhận về tiềm năng phát triển”.

Ông Kuang cũng cho biết, bất chấp cơn sốt ChatGPT hiện nay ở Trung Quốc – nơi chứng kiến ​​các công ty địa phương đổ xô cạnh tranh với sản phẩm AI mang tính đột phá của OpenAI, các quỹ nhân dân tệ sẽ không bao giờ hỗ trợ một phòng thí nghiệm nghiên cứu như OpenAI ngay từ những ngày thành lập đầu tiên. Ông nói: Điều này là do các quỹ nhân dân tệ sẽ không muốn đối mặt với rủi ro nếu mô hình phát triển và con đường tăng trưởng chưa rõ ràng.

Với những hạn chế đầu tư cứng rắn hơn của Hoa Kỳ hiện đang được áp dụng, điều này đặt ra một vấn đề đặc biệt đối với những công ty khởi nghiệp Trung Quốc đang tìm cách tái tạo hoặc vượt qua thành công của OpenAI với chatbot ChatGPT.

Nhà đầu tư có trụ sở tại Thượng Hải cho biết mặc dù sự hấp dẫn xung quanh lĩnh vực AI của Trung Quốc đang ngày một nóng lên, song vẫn còn đó những trở ngại để các doanh nghiệp AI này sinh lời.

Những gã khổng lồ AI của Trung Quốc, như SenseTime và Megvii, có phần doanh thu đáng kể đến từ các đơn đặt hàng hoặc trợ cấp của chính phủ. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa hỗ trợ nhiều đối với lĩnh vực AI tạo sinh, lĩnh vực hiện đang phải tuân theo chế độ kiểm duyệt trực tuyến nghiêm ngặt của quốc gia.

Cho đến nay, tất cả các bot trò chuyện AI được phát triển trong nước vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm công khai và chưa có công ty nào được bật đèn xanh để tung sản phẩm của họ ra công chúng trên cơ sở thương mại.

Về phía doanh nghiệp, các công ty đã và đang thử nghiệm bot AI của họ trong các ngành công nghiệp truyền thống để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí. Tuy nhiên, hiệu quả về mặt tài chính vẫn chưa được chứng minh.

iFlyTek, một công ty AI Trung Quốc cho biết họ đã vượt qua khả năng ChatGPT của OpenAI vào tháng 10, chứng kiến ​​thu nhập ròng của họ giảm 74% trong nửa đầu năm so với một năm trước đó. Sự sụt giảm doanh thu diễn ra vài tháng sau khi công ty có trụ sở tại An Huy, Hợp Phì ra mắt bot SparkDesk giống ChatGPT vào đầu tháng 5.

Đồng sáng lập, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Robin Li Yanhong cho biết trong cuộc họp rằng AI “nắm giữ sức mạnh biến đổi to lớn trong nhiều ngành công nghiệp, mang đến cơ hội thị trường đáng kể” cho công ty. Bất chấp tình hình tài chính mơ hồ, AI vẫn là một lĩnh vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Theo SCMP