Cựu Phó Chủ tịch tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) bị kết án chung thân vì "bảo kê" khai thác tiền mã hóa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Một tòa án địa phương ở Hàng Châu đã đưa ra bản án đối với cựu quan chức tỉnh Giang Tây vì nhận hối lộ và hỗ trợ trái phép hoạt động khai thác tiền mã hóa.

Ông Xiao Yi, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Giang Tây (ảnh: SCMP)
Ông Xiao Yi, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Giang Tây (ảnh: SCMP)

Xiao Yi, cựu quan chức cấp cao của Trung Quốc, người đã bị cách chức vào năm 2021 vì hỗ trợ hoạt động khai thác trái phép tiền mã hóa, đã phải ngồi tù đến hết đời. Ông ta bị kết tội nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực, một tòa án địa phương đã ra phán quyết.

Xiao Yi, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Giang Tây từ năm 2017 đến năm 2021 đã cung cấp hỗ trợ liên quan đến tài chính, vốn và điện cho các công ty khai thác tiền mã hóa địa phương, vi phạm quy định quy định của đất nước, Tòa án Nhân dân Hàng Châu tuyên bố hôm thứ Ba.

Tòa án Hàng Châu cho biết, ông Xiao Yi cũng nhận hối lộ khoảng 125 triệu nhân dân tệ (17 triệu USD) từ năm 2008 đến năm 2021 và đưa ra đặc ân cho một số công ty và cá nhân.

Tòa án cho biết hành động của Xiao Yi đã dẫn đến tổn thất nặng nề về tài sản công và lợi ích quốc gia, cấu thành “vụ án cực kỳ nghiêm trọng với hậu quả cực kỳ xấu”, đồng thời cho biết thêm rằng toàn bộ tài sản cá nhân của ông sẽ bị tịch thu.

Được biết, ông Xiao Yi, 61 tuổi, là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc từng bị trừng phạt vì hỗ trợ khai thác tiền mã hóa. Theo đó, Bắc Kinh luôn duy trì thái độ gay gắt đối với các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa, bắt đầu từ năm 2017.

Trong chương trình được phát sóng vào tháng 1, những hành vi sai trái của Xiao Yi đã được Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) công bố, bao gồm việc giúp một công ty khai thác tiền mã hóa địa phương che giấu các hoạt động bằng cách giả dạng một doanh nghiệp điện toán đám mây và dữ liệu lớn.

Xiao Yi đã chỉ thị cho một công ty địa phương có tên Jiumu Group Genesis Technology, được quan chức này coi là hình mẫu của nền kinh tế kỹ thuật số địa phương, “trình diễn” trong các chuyến thăm và kiểm tra của các quan chức chính phủ khác, CCTV cho biết.

Theo báo cáo, cựu quan chức này cũng yêu cầu các cơ quan liên quan ngụy tạo số liệu về mức độ tiêu thụ năng lượng của 160.000 máy khai thác tiền điện tử – vốn chiếm 10% tổng lượng điện tiêu thụ của Phúc Châu.

“Tôi là kẻ có tội với người dân Phúc Châu và tôi đã làm họ thất vọng”, Xiao Yi nói trước ống kính của chương trình. “Vì quan điểm lệch lạc về thành tựu chính trị… tôi đã hành động liều lĩnh, gây ra những tổn thất nặng nề như vậy”, ông ta nói thêm.

Trong khi các chính sách mới ở Hồng Kông gần đây đã thu hút một số doanh nghiệp tiền mã hóa đến từ Trung Quốc, thì Bắc Kinh lại tỏ ra không quan tâm đến việc nới lỏng lệnh cấm đối với các giao dịch tiền mã hóa.

Các điều tra viên ở Quảng Tây gần đây đã phá một vụ án lừa đảo Filecoin lớn nhất, buộc tội 4 giám đốc điều hành tại Công ty Công nghệ Shikongyun Thâm Quyến với các tội danh bao gồm tổ chức và lãnh đạo một dự án đa cấp với quy mô lên tới hơn 600 triệu nhân dân tệ (83 triệu USD).

Các điều tra viên cho biết công ty này đã “phóng đại” mô hình kinh tế và tiềm năng đầu tư của công nghệ lưu trữ phân tán liên quan đến tiền mã hóa để thúc đẩy dự án Filecoin của riêng mình và lừa gạt người dùng bằng cách lôi kéo họ với lợi nhuận cao. Vụ án được mô tả là một tội hình sự nghiêm trọng, phá vỡ trật tự kinh tế và xã hội.

Theo SCMP