Vittoria Casa, một thành viên của đảng Five Star theo chủ nghĩa dân túy cầm quyền, cho biết việc sử dụng điện thoại ở tuổi thanh thiếu niên đang "ngày càng tệ hơn và nó phải bị xem như một cơn nghiện”.
"Chúng tôi đồng ý với các nghiên cứu cho thấy việc mong đợi các “lượt thích” (like) khi đăng lên mạng xã hội sẽ kích hoạt chất hóa học dopamine trong não. Nó giống như đánh bạc", bà nói. Dự luật trích dẫn số liệu rằng tám trong mười thanh thiếu niên Ý sợ mất điện thoại và không được kết nối với internet, còn được gọi là chứng "nomophobia".
Casa nói thêm rằng thanh thiếu niên như "ma cà rồng", dán mắt vào màn hình xuyên đêm. "Chứng ma cà rồng đó khiến các em rất lo lắng và thờ ơ vào ngày hôm sau ở trường", bà nói.
Dự luật sẽ cung cấp các khóa học ở trường về sự nguy hiểm của chứng nghiện điện thoại, một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm vào phụ huynh, học sinh và thậm chí sẽ "cải tạo" các em bị nghiện trong các trung tâm y tế. Dự luật cũng sẽ yêu cầu cảnh sát Ý giám sát việc sử dụng điện thoại quá mức.
Trong khi một số nghiên cứu có đề cập đến mối tương quan giữa việc sử dụng điện thoại và chứng nghiện, một số học giả tỏ ra nghi ngờ.
Andrew Przybylski, một nhà tâm lý học thực nghiệm tại Viện Internet Oxford ở Anh, bày tỏ nghi ngờ nghiêm trọng về dự luật.
"Luật này và những luật khác kiểu đó là một ý tưởng khá tồi tệ", ông nói. Przbylski hoài nghi về các khoa học và phương tiện truyền thông xung quanh các nghiên cứu về nghiện điện thoại hoặc internet. "Không có bằng chứng cho thấy mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn, thay vào đó là những bất cập của các trò chơi video bạo lực trên mạng Internet. Các ứng dụng và tính năng của điện thoại và các công nghệ kỹ thuật số rất khác nhau và có thể là công cụ vừa tốt vừa xấu, tùy theo cách sử dụng".
Theo ICTNews