iPhone 2017 đánh dấu “bước lùi” của các nhà cung cấp linh kiện Nhật Bản

VietTimes – Những chiếc iPhone vừa được Apple cho ra mắt đã không còn sử dụng nhiều linh kiện từ các nhà sản xuất Nhật Bản như trước đây. Các hãng Nhật Bản đang “thụt lùi” trước sự vươn lên mạnh mẽ của các nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc và Đài Loan.
Bộ ba iPjhone 2017 (ảnh: Reuters)
Bộ ba iPjhone 2017 (ảnh: Reuters)

Apple đã cho ra mắt 3 phiên bản iPhone mới vào hôm 12/9 vừa qua. Điểm mấu chốt của chiếc iPhone X (mô hình cao cấp nhất trong số 3 phiên bản iPhone) là nó sử dụng màn hình hiển thị ánh sáng hữu cơ (OLED) thay vì màn hình tinh thể lỏng (LCD).

Nếu như năm nay chỉ có iPhone X được trang bị màn hình OLED thì đến năm 2018 tất cả các mẫu iPhone mới sẽ sử dụng loại màn hình này. Những tấm màn hình hiển thị tiên tiến này sẽ được cung cấp bởi Samsung Electronics của Hàn Quốc.

Theo hãng truyền thông Nikkei, đây là tin xấu cho các nhà sản xuất màn hình LCD Nhật Bản. Japan Display, nhà cung cấp tấm màn hình LCD lớn nhất cho iPhone đang phải đối mặt với sự sụt giảm 30% đơn hàng xuất khẩu trong năm 2017. Sharp, một nhà cung cấp màn hình LCD khác của Nhật Bản cũng có mức giảm tương tự. Cả hai công ty đang vội vàng thiết lập các dây chuyền sản xuất đại trà tấm màn OLED, nhưng sớm nhất phải đến năm 2019 họ mới có thể cung cấp sản phẩm. Trong khi đó, các nhà sản xuất Hàn Quốc đang ăn dần vào thị phần của Nhật Bản trong thị trường màn hình hiển thị, một lĩnh vực mà Nhật Bản từng chiếm ưu thế.

Ngoài thiết kế cải tiến, những tính năng mới như sạc không dây đã khiến cho Apple phải sử dụng chất liệu kính cho mặt lưng của những chiếc iPhone mới chứ không phải là các hợp kim ma-giê được thấy trên các phiên bản trước đó. Công ty được hưởng lợi từ sự chuyển đổi này là Catcher Technology của Đài Loan. Công ty này nắm giữ bí quyết công nghệ chế tạo thủy tinh cường lực. Doanh thu của Catcher đã tăng 21,7% trong tháng 8.

iPhone 2017 đánh dấu “bước lùi” của các nhà cung cấp linh kiện Nhật Bản ảnh 1iPhone X và những mẫu iPhone 2018 sẽ sử dụng tấm màn hình OLED do Samsung sản xuất (ảnh: NDTV Gadgets)

Tất nhiên không phải mọi nhà sản xuất Nhật Bản đều bị “hất cẳng” khỏi iPhone mới. iPhone 2017 vẫn sử dụng tụ điện của Murata Manufacturing và linh kiện camera của Alps Electric. Hai hãng này, cũng như các công ty Nhật Bản khác có công nghệ sản xuất độc quyền tiếp tục nhận được đơn đặt hàng từ Apple, do các vật liệu và linh kiện chuyên dụng của họ khó thay thế.

Các nhà sản xuất linh kiện Nhật Bản đã bị ảnh hưởng nặng nề khi Apple quyết định giảm sản lượng iPhone vào cuối năm 2015. Một số công ty bắt đầu chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm giá trị cao, trong khi một số các lại tìm đến các hãng sản xuất smartphone Trung Quốc để giảm sự lệ thuộc vào Apple.

Tuy nhiên, hạ cấp mối quan hệ với Apple sẽ khiến các nhà sản xuất Nhật Bản hứng chịu rủi ro. Nếu các hãng Nhật Bản không thể giữ được thị phần linh kiện cho iPhone mới, khả năng cạnh tranh của họ sẽ bị suy yếu khi mà người khổng lồ công nghệ của Mỹ vẫn giữ vai trò dẫn đầu trong thị trường điện thoại thông minh.