Tại Việt Nam, Hyundai Thành Công đưa về khá nhiều mẫu xe để phủ lấp các phân khúc nhưng không phải mẫu xe nào cũng đem lại cho nhà sản xuất và lắp ráp xe này quả ngọt. Hyundai i20 Active và Creta là một trong những minh chứng ấy.
Đây đều là những mẫu xe được Hyundai định vị ở phân khúc Crossover cỡ nhỏ cho đô thị, song với thiết kế không có gì nổi bật cùng giá bán định vị cao do là mẫu xe nhập khẩu đã khiến cho hai mẫu xe này không thể cạnh tranh nổi với “ông vua phân khúc” Ford EcoSport và dần rơi vào quên lãng.
Tháng 8/2018, Hyundai Thành Công một lần nữa giới thiệu ra thị trường một chiếc Crossover cỡ nhỏ khác có tên gọi Hyundai Kona. Lần này thay vì nhập khẩu, Hyundai Thành Công đã quyết định đầu tư dây chuyền lắp ráp tại Việt Nam với mục tiêu không chỉ khỏa lấp vào chỗ trống mà hai mẫu xe trước đó đã để lại, mà còn tiếp tục nuôi tham vọng chiếm thị phần từ tay đối thủ Ford EcoSport.
Kết quả là Hyundai Kona đã không gây thất vọng dù giá bán vẫn định vị cao hơn đối thủ. Vậy điều gì đã giúp cho chiếc xe thuộc phân khúc B-SUV này không đi vào vết xe đổ của 2 người anh em trước đó? Hãy cùng chúng tôi khám phá và trải nghiệm phiên bản cao cấp nhất 1.6 Turbo của Hyundai Kona hiện đang được bán với mức giá 725 triệu đồng.
Làn gió mới trong phong cách thiết kế
Nếu ai đó đã cảm thấy nhàm chán một chiếc xe với thiết kế truyền thống thì nhiều khả năng Hyundai Kona có thể sẽ khiến bạn yêu nó ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi thiết kế trẻ trung và cũng rất thời trang.
Điều đó được thể hiện bằng diện mạo phá cách của Kona khi Hyundai đã dịch chuyển cụm đèn chiếu sáng trước xuống phía dưới và nhường lại toàn bộ vị trí phía trên cho dải LED chiếu sáng ngày và đèn xi-nhan. Tất nhiên, Hyundai không phải là hãng xe đầu tiên áp dụng phong cách này khi trước đó Nissan Juke cũng đã từng được thiết kế kiểu như vậy.
Dù có sự phá cách nhưng Kona vẫn là một chiếc xe Hyundai không thể nhầm lẫn với bất kỳ thương hiệu nào khác nhờ bộ lưới tản nhiệt lục giác hình thác đổ rất đặc trưng. Công nghệ LED xuất hiện trên cả đèn chiếu sáng ngày, đèn pha/cos và đèn phanh. Dĩ nhiên là nó sẽ không có mặt trên Kona phiên bản tiêu chuẩn.
Ở phía sau, cụm đèn hậu được thiết kế mỏng với các họa tiết LED thực sự bắt mắt. Giống như hệ thống chiếu sáng phía trước, một số đèn tính năng như báo rẽ hay báo lùi cũng đã được bố trí thành một cụm, đặt ở vị trí thấp, gần với thanh cản sau và được bao bọc bởi các tấm ốp nhựa đen sần đóng vai trò trang trí và tôn thêm vẻ mạnh mẽ cho thiết kế của Hyundai Kona.
Nói chung, Hyundai Kona đẹp hay xấu còn tùy thuộc vào quan điểm của từng người nhưng không thể phủ nhận nó có một ngoại hình ấn tượng khi là mẫu xe đầu tiên mở ra hướng đi mới cho thiết kế các thế hệ SUV tiếp theo của Hyundai, trong đó có Santa Fe hay Nexo.
Tiện ích nhiều nhưng vẫn còn thiếu độ tinh tế
Xe Hàn nói chung và xe Hyundai nói riêng rất khó để chê ở cấp độ tiện nghi trong tầm giá, Hyundai Kona cũng vậy. Chúng ta dễ dàng tìm thấy các tính năng mà người dùng mong muốn như nút bấm khởi động, gạt mưa tự động, đèn pha tự động, gương chống chói, điều khiển hành trình Cruise Control, màn hình cảm ứng 8 inch tích hợp camera lùi và bản đồ dẫn đường dành riêng cho thị trường Việt Nam.
Kona cũng là mẫu xe đầu tiên của Hyundai chuyển sang sử dụng kiểu màn hình nổi trên cao vốn đang là xu hướng của các hãng xe hiện nay. Tuy nhiên, màn hình có kích thước 8 inch lại hơi thô và vẫn còn nhiều nút bấm và núm xoay hai bên nên chưa thật sự tinh tế. Nhựa cứng vẫn là vật liệu chiếm ưu thế khi xây dựng khoang nội thất cho Kona.
Không gian có rộng rãi?
Với chiều dài tổng thể 4.165 mm, Hyundai Kona ngắn hơn 2 đối thủ là Ford EcoSport và Honda HR-V, ngang với Suzuki Vitara. Nhưng chiếc Crossover cỡ nhỏ của Hyundai lại có chiều rộng lớn nhất 1.800 mm và chiều dài cơ sở 2.600 mm – một tiêu chuẩn cho phân khúc xe hạng C trước đây nên cả hành khách phía trước và phía sau đều dễ dàng tìm được tư thế ngồi khá thoải mái.
Dẫu biết điều hòa của Hyundai lạnh khá sâu nhưng việc thiếu đi cửa gió sau cũng là điều đáng tiếc bởi để điều chỉnh điều hòa đủ mát cho người ngồi sau thì người ngồi trước sẽ lại hơi lạnh. Hàng ghế sau có đủ 3 vị trí tựa đầu có nghĩa sẽ đủ chỗ cho 3 người, có điều hành khách sẽ giảm đi sự thoải mái nếu phải di chuyển trên quãng đường dài.
Khoang chứa đồ của Hyundai Kona ở mức trung bình khá với dung tích 361 lít, lớn hơn Ford EcoSport (348 lít) nhưng vẫn kém hơn rất nhiều so với Honda HR-V (436 lít). Con số này sẽ tăng lên 1.296 lít khi hàng ghế sau gập phẳng.
Động cơ mạnh mẽ nhất phân khúc
Không phải bàn cãi với động cơ tăng áp phun xăng trực tiếp 1.6 T-GDI công suất 175 mã lực, mô-men xoắn 265 Nm, Hyundai Kona hiện là mẫu xe mạnh mẽ nhất phân khúc B-SUV hiện nay.
Đây là khối động cơ đang được chia sẻ với đàn anh Tucson. Động cơ này còn được kết hợp cùng hộp số tự động 7 cấp ly hợp kép 7DCT nhưng sẽ chỉ có lựa chọn dẫn động cầu trước mà thôi.
Vận hành ấn tượng, hơi ồn ào
Ngồi vào vị trí lái, điều đầu tiên bạn sẽ cảm nhận được là tầm quan sát xung quanh thông thoáng nhờ trụ A được thiết kế mỏng và không có giá đỡ phụ giống như Ford EcoSport. Do có kích thước nhỏ gọn nên chiếc xe tỏ ra linh hoạt khi chạy trong phố, vô-lăng trợ lực điện nhẹ nhàng.
Trong điều kiện chạy phố, tôi cũng khuyên bạn nên chạy ở chế độ Eco hoặc Comfort để các phản ứng của động cơ trở nên mượt mà, từ tốn, tránh được những cú thúc ga đột ngột không cần thiết.
Nhập vào làn cao tốc đại lộ Thăng Long, tôi chuyển sang chế độ Sport, phản ứng của động cơ nhanh nhạy hơn rất nhiều sau mỗi cú nhấn ga và đẩy tốc độ di chuyển của Hyundai Kona lên mốc 100 km/h một cách dễ dàng.
Thông thường, động cơ Turbo thường hay có độ trẽ nhất định, đặc biệt với turbo đơn nhưng thay vì sử dụng thêm một bộ turbo nữa để giảm độ trễ, Hyundai đã khéo léo sử dụng hộp số ly hợp kép để tối ưu hoạt động giữa động cơ và hộp số, giảm thời gian chuyển số và còn giúp tiết kiệm nhiên liệu.
Hyundai cho biết chế độ lái Drive Mode sẽ không chỉ can thiệp vào độ đầm chắc của vô-lăng mà còn cả phản ứng của chân ga và vòng tua động cơ, từ đó mang đến những trải nghiệm khác nhau cho mỗi khách hàng.
Thế nhưng, nếu phản ứng chân ga tạo sự khác biệt rõ ràng trong từng chế độ lái thì độ đầm chắc của vô-lăng giữa chế độ Sport và Eco vẫn chưa tạo ra ranh giới rõ rệt. Chưa kể, vô-lăng còn thiếu đi lấy chuyển số, điều mà khách hàng trẻ của Hyundai thường mong muốn có.
Về khả năng cách âm, Hyundai Kona không được tôi đánh giá cao, tiếng ồn từ lốp và tiếng gió lọt vào bên trong là tương đối nhiều, cảm nhận rõ khi ngồi ở phía sau. Cũng dễ hiểu thôi vì Hyundai Kona được trang bị bộ la-zăng kích thước lên tới 18 inch cùng bản lốp 235/45 R18.
Hệ thống treo của Kona có vẻ hơi cứng, nếu đi qua các gờ giảm tốc sẽ mang đến cảm giác không mấy thoải mái nhưng nó lại cung cấp sự ổn định cho chiếc xe khi chạy ở tốc độ cao và dập tắt dao động nhanh khi chạy trên bề mặt đường không mấy bằng phẳng.
Nói chung, Hyundai Kona là một chiếc xe dễ điều khiển, mang đến sự thoải mái trên đường cao tốc và cả đường nội đô.
Kona an toàn đến đâu?
Đánh giá
Với giá bán 725 triệu đồng cho phiên bản 1.6 Turbo, Hyundai Kona vẫn đang cao hơn Ford EcoSport 1.0 EcoBoost Titanium 36 triệu đồng nhưng con số đó không phải là mức chênh lệch quá lớn nếu so về kiểu dáng, tiện nghi và sức mạnh mà Kona đang sở hữu.
Trong chiều ngược lại, mẫu xe này vẫn còn thấp hơn nhiều so với 2 đối thủ đến từ Nhật là Suzuki Vitara và Honda HR-V nên khi cân nhắc mua một chiếc Crossover cỡ nhỏ, chắc chắn rằng bên cạnh sự lựa chọn mẫu Ford EcoSport đã quá quen thuộc thì khách hàng sẽ dành sự ưu ái nhiều hơn cho Hyundai Kona.