Làn sóng biểu tình ở thành phố từng là thuộc địa của Anh bắt đầu từ tháng 6 năm nay và nhằm vào dự luật dẫn độ gây tranh cãi, nhưng kể từ sau đó biến chuyển thành một làn sóng sâu rộng đòi quyền dân chủ lớn hơn. Hiện vẫn chưa rõ liệu thông báo về việc chính thức hủy dự luật này – dự kiến công bố vào cuối ngày hôm nay – có dập tắt được làn sóng biểu tình hay không.
Văn phòng Trưởng đặc khu hiện chưa đưa ra bình luận nào trước thông tin trên. Dù vậy, chỉ số Hang Seng Index của Hong Kong đã tăng vọt trở lại sau khi xuất hiện thông tin, lượng giao dịch tăng khoảng 3,3%. Chỉ số bất động sản của tăng 6%.
Việc chính thức rút dự luật dẫn độ là một trong những yêu sách chính của những người biểu tình. Bà Lam trước đây từng tuyên bố rằng dự luật này “đã chết” nhưng lại chưa chính thức hủy nó.
Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc theo công thức “một quốc gia, hai chế độ” cho phép thành phố này được giữ lại nhiều quyền tự do mà ở đại lục không có được, như quyền được tổ chức biểu tình hay hệ thống pháp lý độc lập; bởi vậy mà người dân thành phố này tỏ ra hết sức phẫn nộ trước dự luật dẫn độ cũng như tầm ảnh hưởng của chính quyền Bắc Kinh.
Reuters hồi đầu tuần này dẫn lại một đoạn thu âm bị rò rỉ mà trong đó bà Lam nói với giới lãnh đạo các doanh nghiệp hồi tuần trước rằng bà đã gây ra “sự tàn phá không thể tha thứ” khi đưa ra dự luật dẫn độ, và thêm rằng nếu được lựa chọn bà sẽ đưa ra lời xin lỗi người dân và sau đó từ chức. Trong cuộc họp kín đó, bà Lam còn nói rằng giờ khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng này là “rất hạn chế” bởi tình trạng bất ổn đã trở thành một vấn đề an ninh quốc gia và chủ quyền đối với Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ gia tăng.
Chính phủ Trung Quốc mới đây đã bác một đề xuất của bà Lam nhằm tháo gỡ tình trạng hiện nay, trong đó bao gồm cả việc chính thức rút dự luật dẫn độ. Khi được hỏi về thông tin này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng chính phủ trung ương “ủng hộ, tôn trọng và thấu hiểu” quyết định của bà Lam trong việc rút dự luật. Tuy nhiên, tờ Global Times của Trung Quốc sau đó gọi thông tin này là “giả mạo”.
Trung Quốc thường xuyên lên án những người biểu tình ở Hong Kong và cảnh báo về tầm ảnh hưởng của làn sóng biểu tình đối với nền kinh tế của thành phố. Trung Quốc cũng bác khả năng can thiệp vào vấn đề Hong Kong tuy nhiên trong hôm 3/9 vừa qua lại cảnh báo một lần nữa rằng họ sẽ không chịu ngồi yên nếu như tình trạng bất ổn đe dọa tới an ninh và chủ quyền của Trung Quốc.
Theo Reuters