Hiệp hội Quản lý Bán lẻ Hong Kong cho hay, "phần lớn các thành viên" của họ đang chứng kiến mức giảm doanh thu từ 1 hoặc 2 con số trong khoảng thời gian từ trung tuần tháng 6 tới tuần đầu tiên của tháng 7, thời điểm mà dòng người biểu tình tràn vào các văn phòng chính quyền và các quận thương mại.
Mối đe dọa đối với lĩnh vực bán lẻ quan trọng của Hong Kong sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế đặc khu, trong bối cảnh nền kinh tế của họ vốn đang suy yếu. Doanh thu từ lĩnh vực bán lẻ của Hong Kong trong tháng 6 dự kiến sẽ được công bố vào ngày 1/8 tới, trong khi giá trị hàng hóa bán ra đã giảm dần hàng tháng kể từ tháng 2 năm nay.
"Ngành công nghiệp bán lẻ quan ngại rằng các sự kiện này sẽ gây tổn hại tới hình ảnh thành phố an toàn, thiên đường mua sắm của Hong Kong trong con mắt bạn bè quốc tế" - Hiệp hội trên nói trong một tuyên bố.
Nỗ lực của Trưởng đặc khu Carrie Lam trong việc thông qua dự luật dẫn độ đã vấp phải sự phản đối dữ dội, làm dấy lên làn sóng biểu tình rộng khắp khiến nhiều phần của thành phố này tê liệt trong hồi đầu tháng 6. Trong một buổi thông báo vắn ngày 15/7, Cục trưởng Tài chính Hong Kong Paul Chan nói rằng, sản lượng kinh tế trong quý II dự kiến sẽ "suy giảm".
Sa Sa International Holdings Ltd., một nhà bán lẻ mỹ phẩm, báo cáo mức giảm doanh số 15,3% ở Hong Kong và Macau trong suốt 3 tháng vừa qua. Công ty này cho hay, các cuộc biểu tình đã ảnh hưởng tới một số cửa hàng của họ. Cùng trong khoảng thời gian, công ty trang sức Chow Tai Fook Jewellery Group Ltd. báo cáo mức giảm doanh thu 11%.
Bất ổn chính trị cùng lượng du khách từ Đại lục giảm mạnh khiến giới chuyên gia dự báo mức suy giảm kinh tế khoảng 2% trong nửa đầu năm nay Catherine Lin - chuyên gia phân tích thuộc Bloomberg Intelligent chi nhánh Singapore - cho hay. Ảnh hưởng kinh tế từ làn sóng biểu tình vừa qua khiến nhiều người so sánh với phong trào biểu tình Occupy từng diễn ra ở Hong Kong cách đây 5 năm. Lúc bấy giờ, mức tăng trưởng kinh tế đã giảm trong quý IV năm 2014, so với cùng kỳ năm trước đó. Chính quyền Hong Kong lúc đó đổ lỗi cho phong trào biểu tình gây ảnh hưởng tới "du lịch, khách sạn, giải trí, bán lẻ và giao thông".
Trong năm nay, số lượng du khách từ Đại lục đến Hong Kong đã tăng mạnh, một phần nhờ cây cầu mới kết nối Hong Kong với thành phố Châu Hải, tỉnh Quảng Đông. Lượng khách du lịch trong tháng 5 vừa qua đã tăng tới 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số thống kê của tháng 6 vẫn chưa có.
Hình ảnh những người biểu tình chặn đứng các khu thương mại - và cửa hàng bán lẻ - ở Hong Kong chắc chắn sẽ tạo rủi ro lớn nếu như tình trạng này còn tiếp diễn. Ngày 1/7, một nhóm những người biểu tình ập vào tòa nhà cơ quan lập pháp của thành phố và ngăn hoạt động bán lẻ ở khu mua sắm ở Causeway Bay cùng nhiều nơi khác. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp ở Hong Kong khẳng định rằng họ sẽ cố gắng bám trụ.
"Có quá nhiều người tụ tập, đó là một mớ hỗn độn, chả ai muốn vào cửa hàng nữa" - Chen Yan, 3 tuổi, làm việc tại một cửa hiệu thuốc ở Causeway Bay, nói - "Nhưng chúng tôi không ngừng hoạt động của mình chỉ vì các cuộc biểu tình. Chúng tôi tin rằng tình trạng này chỉ là tạm thời".
Theo Bloomberg