Chiều 14/8, Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macau có trụ sở đặt tại Bắc Kinh nói rằng, các tội ác bạo lực cực đoan cần phải bị nghiêm trị tuân thủ theo luật pháp.
Tuyên bố đầy cứng rắn của Chính phủ trung ương Trung Quốc được đưa ra sau khi các vụ đụng độ bạo lực xảy ra giữa những người biểu tình và cảnh sát chống bạo động tại sân bay quốc tế Hồng Kông, khiến cho hàng trăm chuyến bay bị hoãn trong ngày thứ hai liên tiếp. Vài chục người biểu tình vẫn ở lại sân bay này trong hôm thứ Tư, trong khi các nhân viên sân bay dọn dẹp đống hoang tàn. Các bàn check-in đã mở cửa trở lại để tiếp hàng dài khách hàng đang chờ đợi từ đêm hôm trước.
10 tuần liên tiếp xảy ra các vụ đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình đã khiến cho thành phố được xem là trung tâm tài chính của châu Á rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macau cho hay họ cực lực lên án "các hành động tội phạm gần như khủng bố" ở Hồng Kông, trong đó có vụ tấn công một nhà báo và một du khách đến từ Trung Quốc đại lục ở sân bay. Phía cảnh sát cũng lên án hành động biểu tình thâu đêm của người biểu tình, và nói rằng một nhóm biểu tình lớn đã "quấy rối và tấn công một du khách cùng một nhà báo". Một số người biểu tình cho hay, họ tin rằng một trong những nạn nhân trên là đặc vụ ngầm của Trung Quốc, trong khi người còn lại là một phóng viên của tờ Global Times.
Cảnh sát cho hay có 5 người đã bị bắt giữ trong cuộc biểu tình mới nhất, khiến số lượng người bị bắt giữ kể từ khi phong trào biểu tình bắt đầu hồi tháng lên tới con số 600.
Cuộc biểu tình ban đầu có mục đích phản đối dự luật dẫn độ tới Trung Quốc, nhưng sau đó biến thành một làn sóng kêu gọi dân chủ. Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam nói rằng thành phố này đã bị đẩy vào tình trạng "hoảng loạn và hỗn loạn". Những người biểu tình nói họ đang đấu tranh chống lại sự xói mòn của thỏa thuận "một quốc gia, hai chế độ", cho phép Hồng Kông hưởng quyền tự trị cao hơn.
Làn sóng biểu tình Hồng Kông hiện cũng là một trong số những thách thức lớn nhất mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải đối diện kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012.
Hôm 14/8, tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói Chính phủ Trung Quốc đang điều binh sỹ dọc biên giới với Hồng Kông, đồng thời kêu gọi kiềm chế.
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có một đồn trú ở Hồng Kông, nhưng vẫn án binh bất động kể từ khi làn sóng biểu tình bùng phát hồi tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, đồn trú này mới đây tung ra một đoạn video có cảnh cuộc diễn tập "chống bạo động", trong khi tướng lĩnh cấp cao của đồn trú cảnh báo rằng tình trạng bạo lực hiện nay là "hoàn toàn không thể chấp nhận".
Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị Hồng Kông trở nên tồi tệ hơn, Trung Quốc còn bác bỏ đề nghị của Mỹ trong việc cho 2 chiến hạm của nước này tới thăm Hồng Kông trong các tuần sắp tới.
An ninh tại sân bay Hồng Kông được thắt chặt hơn so với mức bình thường trong hôm 14/8, khi nhiều lối vào được phong tỏa, cảnh sát tuần tra thường xuyên trong khi đội ngũ nhân viên sân bay kiểm tra thẻ căn cước của hành khách. Cơ quan quản lý sân bay này cho hay, những người biểu tình chỉ được cho phép hoạt động ở các khu vực nhất định.
Một số người biểu tình cũng thể hiện sự không hài lòng về các cuộc đụng độ xảy ra tối hôm trước. Một người biểu tình tên Pun nói rằng, người biểu tình cần phải xem xét lại chiến lược của họ trong lúc đấu tranh đòi dân chủ. "Chúng tôi không cố gắng lật đổ chính quyền hay tách khỏi Trung Quốc. Chúng tôi chỉ đang đấu tranh vì quyền của chúng tôi, dân chủ như một phần của một quốc gia, hai chế độ" - người này cho hay.