Kể từ ngày 9/6, hàng trăm nghìn người dân Hồng Kông đã lên tiếng ủng hộ làn sóng biểu tình và thể hiện sự không bằng lòng với chính quyền thành phố cùng các chính sách của họ. Tuần trước, nhiều gia đình và công dân lớn tuổi đã bắt đầu tham gia các cuộc tuần hành để thể hiện quan điểm này. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận người dân bắt đầu quan ngại về tình trạng bạo lực gia tăng, khiến họ do dự khi ủng hộ làn sóng biểu tình.
Bộ phận người đó chính là "nhóm đa số im lặng" mà chính quyền Bắc Kinh hy vọng kết nối để thực hiện một chiến thuật mới mà giới chuyên gia cho là nhằm hạ uy tín của những người biểu tình chống chính quyền, và tăng sự ủng hộ đối với Trung Quốc đại lục.
Tại một cuộc họp báo tổ chức tại Bắc Kinh hôm thứ Ba trong tuần, một phát ngôn viên của Văn phòng chính sách Hồng Kông hàng đầu của Trung Quốc đã phân chia phong trào biểu tình thành 2 nhóm.
"Ở tuyến trên là một nhóm nhỏ những kẻ bạo lực cực đoan; ở giữa là một số công dân tốt bụng những người bị đe dọa phải tham gia" - ông Yang Guang, phát ngôn viên Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Macau, nói.
Phát biểu trước báo giới, ông Yang nhấn mạnh về sự tổn hại mà các cuộc biểu tình đã gây ra đối với kinh tế và xã hội Hồng Kông, đồng thời kêu gọi người dân thành phố "kiên định, bảo vệ quê hương tươi đẹp của chúng ta".
"Hãy hành động như một người mẹ dịu dàng để đưa đứa trẻ đang giận dữ vô cớ về nhà" - ông Yang nói, thêm rằng các cuộc biểu tình đã vượt quá sự tự do ngôn luận và hội họp mà Hồng Kông được cho phép.
Sự ủng hộ của dư luận
Ông Yang Guang, phát ngôn viên Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Macau (Ảnh: CNN)
|
Dù chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự ủng hộ đối với người biểu tình Hồng Kông đang suy giảm, nhưng giới chuyên gia cho rằng chính phủ Trung Quốc đang nuôi hy vọng rằng các cuộc tấn công mới đây mà người biểu tình thực hiện nhằm vào tài sản công và hệ thống giao thông thành phố, cùng các vụ đụng độ với cảnh sát, sẽ dần dần khiến họ tách biệt với phần còn lại của Hồng Kông.
"Họ đang cố gắng kêu gọi những người trung niên có quan điểm bảo thủ, trung lập - các bậc cha mẹ lo sợ con cái mình vi phạm luật pháp, bị bắt giữ và hủy hoại tương lai" - Ma Ngok, Giáo sư chuyên ngành chính trị tại ĐH Trung Quốc ở Hồng Kông, nhận định.
Ông Ma cho rằng, dù Bắc Kinh đang cố gắng mô tả những người biểu tình như yếu tố ly khai cực đoan, thì thực tế là tình trạng bạo lực mà cảnh sát gây ra đối với người biểu tình còn tồi tệ hơn trước con mắt dư luận.
"Hành động của cảnh sát trong tuần trước đã vấp phải sự phản đối của những người trung lập, những người sinh sống ở nhiều cộng đồng, chứ không chỉ từ những người biểu tình trẻ tuổi" - ông Ma nói - "Tính đến giờ, tôi chưa từng thực sự chứng kiến sự phản đối lớn nào nhằm vào các cuộc biểu tình".
Nhưng làn sóng biểu tình kéo dài đã bắt đầu tạo hiệu ứng tiêu cực. Trong tuần trước, thị trường cổ phiếu Hồng Kông đã giảm tới mức kỹ lục trong vòng 8 tháng, giảm 10% chỉ trong vòng 1 tháng. Được biết, nhiều người trung niên ở Hồng Kông đầu tư vào thị trường chứng khoán, và rất nhiều người có khoản lương hưu phụ thuộc vào chỉ số Hang Seng.
"Nhiều người trong cộng đồng được gọi là "nhóm đa số im lặng" không ủng hộ dự luật dẫn độ, nhưng họ rất mong muốn trở lại cuộc sống thường nhật" - Willy Lam, Giáo sư chuyên ngành chính trị tại ĐH Trung Quốc tại Hồng Kông, nhận định.
Vị chuyên gia nhận định, Bắc Kinh nghĩ rằng bằng việc phong tỏa người biểu tình, họ sẽ dần nản chí và giận dữ - dẫn tới những hành động cực đoan mà chính phủ Trung Quốc hy vọng sẽ khiến họ bị cô lập với phần còn lại của Hồng Kông.
"Bắc Kinh hy vọng rằng cuối cùng, sau một vài ngày cuối tuần đụng độ đẫm máu khác, dư luận sẽ quay sang phản đối những người biểu tình cực đoan" - ông Lam nói.
"Kiềm chế không phải sự yếu đuối"
Lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc trong cuộc diễn tập trấn áp người biểu tình ở Thâm Quyến (Ảnh: CNN)
|
Phát biểu trong hôm thứ Ba vừa qua, một đại diện không chính thức của phong trào biểu tình Hồng Kông một lần nữa lên tiếng cáo buộc lực lượng cảnh sát hành xử mạnh tay không cần thiết và nói rằng chính quyền đang xuyên tạc hành động của người biểu tình.
"Dư luận đang tìm kiếm câu trả lời trực tiếp của chính quyền đối với 5 yêu sách mà người dân đưa ra, thay vì cứ đổ lỗi rằng phong trào dân sự gây ảnh hưởng tới nền kinh tế" - đại diện trên cho hay.
Thế nhưng trong cuộc họp báo tổ chức cùng ngày, Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Macau chỉ tập trung vào ảnh hưởng kinh tế do biểu tình, nêu rõ rằng tình trạng này không được phép kéo dài.
"Chúng tôi muốn nói rất rõ với một nhóm nhỏ những kẻ tội phạm vô đọa đức và bạo lực, cùng các thế lực dơ bẩn đằng sau nó rằng: Những ai đùa với lửa sẽ bị lửa thiêu rụi" - ông Yang nói - "Đừng bao giờ đánh giá sai tình hình, và đừng đánh đồng sự kiềm chế của chúng tôi với sự yếu đuối".
Những tuyên bố không nhân nhượng của Bắc Kinh - trong đó có phát ngôn của người đứng đầu lực lượng quân đội Trung Quốc đồn trú ở Hồng Kông - đã làm dấy lên quan ngại và lời đồn thổi rằng chính phủ Trung Quốc có thể triển khai binh sỹ hoặc cảnh sát vũ trang tới kiểm soát tình hình ở Hồng Kông.
Trong một đoạn video mà tờ Global Times đăng tải trên mạng mới đây, cảnh sát Trung Quốc đang diễn tập ở Thâm Quyến, thành phố tiếp giáp Hồng Kông, trong đó hàng chục cảnh sát đang trấn áp một nhóm người biểu tình ăn mặc không khác gì người biểu tình ở Hồng Kông.
Trong lúc chính quyền từ chối thực hiện yêu sách của người biểu tình, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng tăng luận điệu chống người biểu tình. Tình trạng còn trở nên tồi tệ hơn khi người biểu tình Hồng Kông hai lần ném quốc kỳ Trung Quốc xuống Cảng Victoria, khiến Trung Quốc đại lục tức giận.
Tân Hoa Xã nói rằng, việc ném quốc kỳ Trung Quốc xuống Cảng Victoria là "hành động vô pháp luật, không thể tha thứ và là sự sỉ nhục đối với tất cả người dân Trung Quốc".
Theo CNN