Hong Kong phát triển robot phẫu thuật não bộ hỗ trợ AI

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trung tâm Trí tuệ nhân tạo và Robotics (CAIR) Hồng Kông, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đã hoàn thành các thử nghiệm thành công một robot phẫu thuật não hỗ trợ AI.

Robot phẫu thuật với xâm lấn tối thiểu và độ chính xác cao. Ảnh: Shutterstock
Robot phẫu thuật với xâm lấn tối thiểu và độ chính xác cao. Ảnh: Shutterstock

GS-TS Liu Hongbin, giám đốc điều hành trung tâm, trong cuộc phỏng vấn với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 14/7/2023 cho biết, Trung tâm Trí tuệ nhân tạo và Robot (CAIR) thành lập vào năm 2019, đã hoàn thành 3 thử nghiệm phẫu thuật thi thể thành công với robot MicroNeuro, có thể thực hiện các phẫu thuật não sâu "theo phương thức xâm lấn tối thiểu".

CAIR, trung tâm nghiên cứu tại Hong Kong thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), cơ quan nghiên cứu nhà nước, có kế hoạch ra mắt hệ thống robot có khả năng phẫu thuật não ít xâm lấn trong tương lai gần.

Theo ông Liu, phương pháp điều trị bằng phẫu thuật chính hiện nay đòi hỏi các bác sĩ phải thực hiện các thủ thuật với những công cụ cứng, mở xương sọ bệnh nhân, gây tổn thương nhiều mô não khỏe mạnh.

"Phẫu thuật não là một loại phẫu thuật cần ứng dụng công nghệ cao nhất vì đây là một thủ thuật rất nguy hiểm. Các bác sĩ phẫu thuật thực sự muốn có được những ứng dụng AI và công nghệ tiên tiến đổi mới, giúp cho loại thủ thuật này ít xâm lấn hơn so với hiện nay", ông nói.

Hệ thống robot của CAIR cho phép các bác sĩ phẫu thuật sử dụng một dụng cụ linh hoạt nhỏ với hệ thống định vị được hỗ trợ Trí tuệ Nhân tạo (AI) và Thực tế Tăng cường (AR), giúp giảm tổn thương mô não dưới 50% so với phương pháp hiện nay, GS-TS Lium nói thêm.

robotphauthuatnao01.jpg
MicroNeuro, một hệ thống robot cho phẫu thuật não từ Trung tâm Trí tuệ nhân tạo và Robot của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc ở Hong Kong. Ảnh: SCMP / Xinmei Shen

Những thử nghiệm hệ thống robot phẫu thuật được thực hiện tại Bệnh viện Prince of Wales ở Hong Kong cho thấy, MicroNeuro có thể thực hiện một cuộc phẫu thuật não xâm lấn tối thiểu, được gọi là nội soi thất thứ ba và sinh thiết tùng, được sử dụng để điều trị những khối u ở trung tâm não.

CAIR hiện đang tiếp tục tinh chỉnh hệ thống robot để tuân thủ những quy định phẫu thuật, hy vọng được phép bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào năm 2024 sau khi nhận được sự chấp thuận từ Cơ quan quản lý bệnh viện của thành phố, GS Liu nói.

GS Liu cho biết, CAIR, do Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Sáng kiến InnoHK của Hong Kong tài trợ ngân sách, được thành lập trong khuôn khổ kế hoạch của chính quyền trung ương nhằm phát triển thành phố Hong Kong thành trung tâm đổi mới và phát triển công nghệ.

Trung tâm nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các trường đại học Hong Kong. Những cơ sở đào tạo này đã sản sinh ra rất nhiều "nhà nghiên cứu trẻ rất tài năng", GS Liu cho biết. Nhưng thành phố hiện thiếu nhiều kỹ sư giàu kinh nghiệm, những người có năng lực thiết kế các thiết bị điện tử tiên tiến và viết phần mềm chuyên nghiệp, vì vậy CAIR đang kêu gọi và mời chào các kỹ sư tài năng từ đại lục đến Hong Kong.

CAIR cũng phải đối mặt với những thách thức về sức mạnh tính toán của AI, do trung tâm "không thể hoàn toàn dựa vào máy chủ AI của Nvidia" sau khi Mỹ siết chặt các quy tắc xuất khẩu chip, trong đó có những chip tiên tiến nhất, được sử dụng để đào tạo các mô hình AI, GS-TS Liu nói thêm.

Theo ông Liu, trung tâm hiện đang cố gắng giảm thiểu những khó khăn này bằng giải pháp hợp tác với tập đoàn Công nghệ Huawei, tìm cách khai thác sử dụng máy chủ điện toán AI của tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc trong những nghiên cứu của CAIR. Nhưng sản phẩm của Huawei còn "tương đối mới" nếu so với Nvidia.

Ông Liu giải thích: "Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ phải đối mặt với một số những khó khăn về AI nếu Trung tâm cạnh tranh với những cơ sở phát triển robot y tế trong lĩnh vực phẫu thuật công nghệ cao. Nhưng trong tương lai, các công ty Trung Quốc sẽ đuổi kịp các doanh nghiệp quốc tế trong lĩnh vực tự động hóa thiết bị y tế".

Theo SCMP