Ngày 25/4, tại thành phố Long Xuyên (An Giang), Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị giao ban mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia khu vực phía Nam quý 1/2019.
Tại hội nghị ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc VNCERT, cho biết trong quý 1/2019, VNCERT ghi nhận có 4.770 sự cố tấn công mạng vào các trang web của Việt Nam.
Cũng trong thời gian này hệ thống giám sát của VNCERT ghi nhận tổng cộng có hơn 78,3 triệu sự kiện mất an toàn thông tin tại Việt Nam.
Năm loại hình tấn công mạng phổ biến tại Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2019 là vi phạm chính sách an toàn thông tin (40%), tấn công thu thập thông tin (39%), tấn công từ chối dịch vụ (8%), tấn công leo thang đặc quyền (7%) và tấn công lây nhiễm, phát tán mã độc (6%).
Trong thời gian qua VNCERT đã tổ chức một số cảnh báo trên diện rộng, điển hình như: cảnh báo tấn công có chủ đích vào hệ thống thông tin của một số ngân hàng và hạ tầng quan trọng quốc gia tại Việt Nam; cảnh báo qua email lỗ hổng nghiêm trọng mới phát hiện được và chưa có ID, liên quan đến hệ thống Mail server sử dụng Microsoft Exchange 2013 và các phiên bản mới hơn; cảnh báo theo dõi, ngăn chặn chiến dịch phát tán mã độc tống tiền GandCrab 5.2 trong Mail giả mạo email Bộ Công an...
Theo ông Nguyễn Trọng Đường, trong số 4.770 sự cố tấn công mạng vào các trang web của Việt Nam vào quý 1/2019 có 124 sự cố trang web nhiễm mã độc, 2.245 sự cố tấncông thay đổi giao diện và có hơn 1.000 sự cố các website bị cài mã lừa đảo...
VNCERT còn ghi nhận nhiều cuộc tấn công, mã hóa đòi tiền chuộc, tấn công có chủ đích, tấn công leo thang đặc quyền vào hệ thống của nhiều cơ quan, đơn vị và tổ chức khác của Việt Nam. So với cùng kỳ năm 2018, sự cố tấn công mạng vào các trang wed của Việt Nam tăng gấp đôi.
Trong năm 2019 VNCERT cũng đưa ra dự đoán các nguy cơ mất an toàn thông tin như tấn công lây nhiễm mã độc sử dụng AI là xu hướng chính trong năm 2019; tấn công mạng vào các hệ thống thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng... với mục đích đánh cắp thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng; tấn công mạng có chủ đích vào các cơ quan, tổ chức nhằm lấy cắp thông tin, dữ liệu; giả mạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân để phát tán hình ảnh xấu, độc hại trên mạng và tấn công khai thác lỗ hổng phần mềm tiếp tục gia tăng.
VNCERT cũng khuyến nghị trong thời gian tới các tỉnh, thành khu vực phía Nam cần nâng cao năng lực hệ thống giám sát có khả năng cảnh báo sớm, chính xác các nguy cơ gây mất an ninh trật tự cho các mạng công nghệ thông tin; cần bổ sung nguồn nhân lực, trình độ công nghệ thông tin.
Các tỉnh phía Nam cần tham gia sâu, rộng vào mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia, tăng cường khả năng hỗ trợ ứng cứu, sẵn sàng tham gia hỗ trợ giải quyết sự cố an ninh khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, các tỉnh phía Nam cần đầu tư đồng bộ giải pháp, sản phẩm an toàn bảo mật, nhất là đối với kênh truyền, hệ thống truyền hình hội nghị, cơ sở dữ liệu, mạng công nghệ thông tin, các thiết bị di động...
Tại hội nghị các tỉnh, thành khu vực phía Nam cho biết trong thời gian tới các đơn vị sẽ tập trung thực hiện huấn luyện diễn tập nâng cao năng lực ứng cứu sự cố của các đội phản ứng nhanh; tăng cường kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin quan trọng.
Hội nghị thu hút sự tham gia của đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Công nghệ Thông tin của 22 tỉnh, thành, ngành khu vực phía Nam, gồm 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bình Dương, Bình Phước, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai; Ban Công nghệ Thông tin của Quân khu 9, Tây Ninh, Quân khu 7 và Thành phố Hồ Chí Minh./.