Ra đi khi đang trên đỉnh cao để giữ Danh, nhưng ở lại dù có thể rớt xuống để giữ Tín
“Ra đi khi đang ở đỉnh cao” – đó không phải là một điều khó hiểu, thậm chí là xu hướng của nhiều huấn luyện viên tên tuổi trên thế giới hiện nay. Nhưng ra đi khi đã xây dựng được một nền tảng vững chắc cho tập thể ở lại, khi họ có thể không cần đến ta mà vẫn tiếp tục đi xa, khi ta đã không thể giúp được gì hơn và tập thể cần một sự đổi mới, nó khác hoàn toàn so với việc ra đi để giữ cái danh, chiếm cái lợi, để tìm kiếm thành công khác…
Ông Park đã chia sẻ khi tham dự một trận đấu bóng từ thiện của cựu cầu thủ Hong Myung Bo tại Đại học Hàn Quốc ngày 22/12 vừa qua rằng, năm 2018 là một năm của phép màu đối với ông. Và ông luôn dành sự cảm ơn tới tập thể khi được khen ngợi: “Đó là thành tích nhờ có các cầu thủ, huấn luyện viên khác và các quan chức cùng giúp đỡ tôi”.
Khi được hỏi ‘liệu có rời đi khi đang ở trên đỉnh cao không’, ông Park đã khéo léo trả lời rằng: “Tôi còn một năm nữa trong hợp đồng, có thể có nhiều may mắn hơn hoặc rơi xuống địa ngục trong giai đoạn này, nhưng lời hứa thì nên được gìn giữ. Tôi phải đi tiếp… Tôi sẽ chịu trách nhiệm cho những gì sẽ đến”. (Theo hani.co.kr).
Một câu trả lời rất rõ ràng và đơn giản, bởi tất cả chỉ cần theo đúng lý, theo đúng cái lẽ đương nhiên mà một người tử tế phải làm: Giữ lời hứa. Bản hợp đồng với tuyển Việt Nam không chỉ là một lời hứa với đội tuyển, với liên đoàn, mà đó còn là một lời hứa với các cổ động viên luôn trân quý, vui buồn cùng các cầu thủ và “Ngài ngủ gật”.
Các chuyên gia đều nhận định, ông Park đang xây dựng đội tuyển để đi đường dài, đó là cách ông giúp đội bóng, giúp nền bóng đá Việt Nam và thông qua đó để lại di sản của mình. Vài ba chiến thắng, danh hiệu, liệu có làm nên con người ông?
Nếu chỉ vì danh tiếng, lợi lộc của bản thân mà rời bỏ những người đã cùng mình làm nên chiến thắng, những người đang cần mình ở bên cạnh, thì những chiến lược dài hạn sẽ mãi còn dở dang, những dự tính và phép thử cần làm để đi được xa hơn sẽ chẳng bao giờ có được kết quả. Vậy thì sẽ chẳng bao giờ có được những thành tựu to tát và bền vững.
Bởi khi đó điều ta để lại không phải là di sản mà là ‘miếng chanh đã bị vắt hết nước’, một chữ Nghĩa chưa trọn vẹn, thậm chí một chữ Tín không thể thành hình. Như thế, đối với anh em, bằng hữu cũng đều là như miếng chanh mà thôi. Con người chẳng còn tin nhau, thế thì còn ai dốc tâm, dốc sức ra vì người khác, vì tập thể đây?
Bản hợp đồng với tuyển Việt Nam không chỉ là một lời hứa với đội tuyển, với liên đoàn, mà còn là lời hứa với các cổ động viên của “Ngài ngủ gật”
|
Tín để lập thân
Người xưa đã từng ví rằng chữ Tín như sinh mệnh thứ hai của con người, bởi không có Tín thì không thể đứng vững ở trên đời. Bản thân chữ Tín (信) cũng được cấu tạo từ chữ Nhân (亻- người) và chữ Ngôn (言 – lời nói), chữ Ngôn lại gồm chữ Nhị và bộ Khẩu, ý rằng lời nói ra dù trước hay sau cũng phải như một, lời mình nói ra chính là con người mình, nên phải gìn giữ như sinh mệnh vậy.
Thời nhà Trần, Hưng Đạo Vương có hai gia tướng thân cận là Yết Kiêu và Dã Tượng. Trong cuộc chiến chống quân Nguyên năm 1288, quân ta đã phải rút lui khi thế giặc đang mạnh, “quan quân thua trận, thủy quân tan tác cả”. Hưng Đạo Vương lúc này định dẫn quân rút theo lối chân núi. Trong lúc tình hình đang rất nguy cấp, Dã Tượng bẩm rằng: “Yết Kiêu chưa thấy Đại Vương thì nhất định không dời thuyền”.
“Vương đến Bãi Tân, chỉ có thuyền Yết Kiêu vẫn còn ở đó. Vương mừng lắm, nói: ‘Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi’. Nói xong cho chèo thuyền đi. Kỵ binh giặc đuổi theo không kịp” – (Trích: Đại Việt sử ký toàn thư).
Lòng trung, tâm tín của Yết Kiêu quả là của bậc anh hùng trọng nghĩa. Trong lúc quan quân tan tác cả, một mình thuyền Yết Kiêu vẫn bình tĩnh đợi ở Bãi Tân, bất chấp nguy hại tới tính mạng chỉ vì một chữ Tín. Hưng Đạo Vương đã phải thốt lên những lời cảm kích, ghi nhận những tướng lĩnh như Yết Kiêu chính là những chiếc trụ cánh để nâng đỡ Vương bay cao bay xa.
Khổng Tử xưa cũng đã từng nói: “Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả dã” (Luận ngữ), dịch nghĩa là người không có chữ tín, chẳng làm chi nên việc. Bởi việc lớn hay nhiều việc nhỏ cũng vậy, chẳng ai có thể tự làm được một mình, không giữ chữ Tín thì cũng chẳng có ai tin, thế thì cũng sẽ chẳng có ai muốn giúp. “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”, chữ Tín khó giữ, nên mới càng trân quý.
Ngô Sĩ Liên cũng đã từng nói rằng: “Chữ Tín là vật báu của nước, mà làm cho người khác phục mình sâu sắc thì đó là gốc của vương chính”. Thế nên ông đã không đồng tình với việc Hưng Đạo Vương hứa trả tù binh rồi lại đục thuyền cho đắm, mà ca ngợi Lê Lợi giữ chữ Tín, trao trả tàn quân cho nhà Minh một cách đường đường chính chính để làm sáng rõ đức của minh quân. Ngô Sĩ Liên từ đó đã kết luận rằng: “Đâu có thể nói [chữ tín] chỉ là chuyện nhỏ nhặt” – (Trích Đại Việt sử ký toàn thư).
Các chuyên gia đều nhận định, ông Park đang xây dựng đội tuyển để đi đường dài.
|
Người đã giữ chữ Tín, thì ta cũng phải tỏ rõ sự trân trọng và biết ơn
Đối với người đã giữ chữ Tín, thì ta cũng phải tỏ rõ sự trân trọng và biết ơn. Việc đi hay ở của ông Park nào phải chỉ ở số tiền lương, bản hợp đồng hay ý định gia hạn hợp đồng, mà còn ở việc chúng ta cho ông thấy được điều gì. Một đường lối rõ ràng, một cơ cấu minh bạch, một niềm tin để đội tuyển và những người có tâm huyết sẵn lòng dấn thân hơn nữa… Đó là những điều khiến con đường của cả đội tuyển và của chính ông Park cũng rõ ràng hơn. Đó là niềm tin cần thiết để ông biết những cống hiến hết tâm hết sức của mình bỏ ra là xứng đáng.
Tiền vốn không phải là thế mạnh của chúng ta, và có vẻ cũng không phải là điều mà một người mang trong mình rất nhiều những giá trị truyền thống như ông Park thật sự cần. Đối với một vị biết trọng chữ Tín, biết hàm ơn, khiêm tốn và luôn truyền đi thông điệp đặt lợi ích của tập thể lên trên cá nhân như ông Park, chúng ta cần phải đối nhân xử thế lại sao cho xứng. Đó chính là cần lấy cái đức của quân tử mà đối đãi với quân tử – để người thấy được ta cũng trọng nghĩa, trọng tài, không chỉ là đầu môi tấc lưỡi hay ‘thấy lợi thì bu, khó thu thì lảng’.
Những người muôn năm xưa, nào có phải vì vàng bạc châu báu mà giúp người khác hoàn thành đại sự đâu. Giữ người bên mình chẳng khó, giữ được tấm chân tình mới thật sự khó. Mà muốn giữ tấm chân tình thì cũng phải dùng chân tình mới được!
(Theo ĐKN)