Hành trình vượt qua định kiến của những người bước ra khỏi “khuôn mẫu” giới tính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bị ba mẹ từ chối đến đánh đập khi quyết định chuyển giới để sống đúng với con người thật của mình là nữ, Trương Hoàng Bảo Ngọc đã phải trải qua những năm tháng cay đắng... Vì thế, cô không muốn những bạn LGBT trẻ phải lặp lại nỗi đau ấy.

z5514184123052_2fc0cb8d67bbfefab91ba8872c5abd68.jpg
Ban điều hành Mạng lưới cộng đồng LGBT đầu tiên ở tỉnh An Giang

Vượt lên chính mình

Trưởng Ban điều hành Mạng lưới cộng đồng LGBT đầu tiên ở tỉnh An Giang - nhóm CBO điển hình về phòng chống HIV ở An Giang - là Trương Hoàng Bảo Ngọc - một người rất năng động và nhiệt tình với công việc.

Xinh đẹp, ăn nói nhẹ nhàng, tư duy mạch lạc, Trương Hoàng Bảo Ngọc tạo cho người nghe ấn tượng dễ gần. Nếu không được giới thiệu trước, chúng tôi không biết rằng cô là người chuyển giới.

Có hiểu được những rào cản từ sự kỳ thị mà những người LGBT đối mặt mới thêm trân trọng những kết quả mà Trương Hoàng Bảo Ngọc đã có. Cô hiện là “thủ lĩnh” mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang - một địa chỉ hỗ trợ các vấn đề về sức khỏe, việc làm cho người LGBT ở địa phương. Ngọc cũng là Fouder Team Community You&Me – một nhóm cộng đồng lãnh đạo trẻ.

1.jpg
Trương Hoàng Bảo Ngọc tại hội nghị lấy ý kiến cộng đồng người chuyển giới khu vực phía nam về dự án Luật chuyển đổi giới tính

Cuối năm 2023, Ngọc được mời dự hội nghị lấy ý kiến cộng đồng người chuyển giới khu vực phía nam về dự án Luật chuyển đổi giới tính, do Ban soạn thảo Dự án Luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tại TP.HCM.

Với những người ở giới tính thứ ba, họ gặp muôn vàn trở ngại từ sự kỳ thị cả ở gia đình lẫn xã hội, nên họ luôn phải nỗ lực rất lớn vì lo được cho bản thân đã là quá khó khăn, chứ đừng nói lo cho nhiều người khác. Nhưng Ngọc và các bạn của Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang đã làm được.

Năm 2023, nhóm đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ cộng đồng, như chuỗi hướng nghiệp “Trái giới, Trái ngành” lồng ghép các kiến thức tính dục an toàn cho các bạn LGBT trẻ tuổi ở huyện Tịnh Biên, Tân Châu và thành phố Long Xuyên. Nhóm của Bảo Ngọc còn kêu gọi gây quỹ “Đem yêu thương đến trẻ em vùng biên giới” hỗ trợ các em bé nghèo tại khu vực biên giới.

Từ tháng 8/2023, với sự hỗ trợ từ Phòng khám Đa khoa Mỹ Thạnh, Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang đã có một văn phòng đại diện nho nhỏ làm địa chỉ hỗ trợ, tư vấn các vấn đề về sức khỏe cho người LGBT.

3.jpg
Ngọc và mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang hỗ trợ trẻ em nghèo ở biên giới An Giang

Ngọc chia sẻ: Có được một văn phòng đại diện như ước mơ, hàng tháng, Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang họp mặt, để hỗ trợ lẫn nhau, nhất là những người không có nhà. Biết các bạn LGBT thường bỏ học sớm do bị kỳ thị, nên Mạng lưới thường tổ chức hướng nghiệp cho các bạn trẻ. Hiện đã được gần 100 người.

Hàng tháng, Mạng lưới cũng tổ chức trao đổi chủ đề về phòng, chống HIV/AIDS, mời đại diện CDC tỉnh An Giang hay Trung tâm y tế thành phố Long Xuyên, những người có chuyên môn đến chia sẻ kiến thức về y tế. Vì thế, nhóm LGBT đều có kiến thức tốt để tránh lây nhiễm HIV trong bối cảnh HIV từ nhóm MSM đang là nguy cơ lớn nhất.

Các bạn còn tổ chức nhiều chương trình vui chơi gắn với nội dung phòng, chống HIV/AIDS cho CBO các tỉnh miền Tây, tổ chức Pflag. Điều mừng nhất là với nỗ lực tự khẳng định của từng thành viên, gia đình nhiều bạn LGBT đã không chỉ thông cảm mà còn tham gia và hỗ trợ cho hoạt động của Mạng lưới.

5.jpg
Tư vấn, hỗ trợ các bạn LGBT phòng, chống HIV

Tuy nhiên, Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang cũng gặp nhiều khó khăn, khi không có tư cách pháp nhân, không kết nối được với các doanh nghiệp xã hội và rất khó để truyền thông về cách sử dụng thuốc PrEp dự phòng HIV ở các khu công nghiệp, vùng sâu, biên giới.

Có trường hợp bé trai bị hiếp dâm, do bị doạ mách với gia đình (vì bé chưa come out), khiến bé định đi tự tử. Ngọc cùng mạng lưới đứng ra hỗ trợ nhưng rất khó vì cậu là trẻ vị thành niên.

Đi tìm hạnh phúc

Để có thể làm công tác cộng đồng, hỗ trợ cho những người ở giới tính thứ ba được quyền sống và làm việc, được sống với giới tính thật của mình Bảo Ngọc đã phải vượt qua rất nhiều định kiến trong xã hội lẫn trong gia đình.

Ngọc sinh ra trong một gia đình công giáo, bố mẹ làm kinh doanh. Là con trai, nhưng từ nhỏ, Ngọc chỉ thích chơi búp bê, chơi cùng bạn nữ. Khi đi học, Ngọc cũng không thích chơi với các bạn nam.

Đặc biệt, Ngọc chỉ muốn đi vệ sinh ngồi như các bạn nữ và rất ngại đi vệ sinh với các bạn nam, dù chính em cũng chẳng hiểu tại sao.

z5514184168881_62c479cc8f358bb7bd549e9349596e02.jpg
Trương Hoàng Bảo Ngọc ngày bé và bây giờ

Thấy Ngọc có vẻ ngoài yếu đuối và ẻo lả, mọi người cứ hay gọi Ngọc “bê đê”, “bóng”. “Lúc đấy, Ngọc rất ghét ai gọi mình như thế. Vì Ngọc thấy những người bị gọi là “bê đê”, là “bóng” đều bị kỳ thị, bị cô lập và phải sống lang thang, cô đơn” - Ngọc tâm sự.

Học cấp 2, cũng là vào tuổi dậy thì, Ngọc hoảng sợ khi thấy mình chỉ thích con trai, thay vì thích con gái. Ngọc sợ gia đình, thầy cô và mọi người biết. Ngọc đành cố thử tiếp xúc gần với con gái nhưng mọi thứ vẫn vô nghĩa… Thấy con trai ẻo lả, nhiều biểu hiện như con gái, cho rằng con đua đòi mới thế, nên ba mẹ đã đánh Ngọc rất nhiều.

Học xong cấp 3, Ngọc đã có một mối tình “thử” với một bạn đồng tính nam. Nhưng, Ngọc nhận ra rằng, Ngọc chỉ yêu “trai thẳng”. Ngọc muốn được sống như một người con gái, để có thể thổ lộ tình cảm với những bạn “trai thẳng”.

Bước vào tuổi 20, Ngọc quyết định để tóc dài và mặc đồ nữ, để thực hiện khát khao được sống đúng với giới tính thật của mình. Bị ba mẹ đánh đập, Ngọc bỏ nhà đi và nỗi buồn sâu đậm đến mức, nhiều năm liền Ngọc không liên lạc với gia đình. Cuộc sống của Ngọc bắt đầu hoàn toàn thay đổi.

4.jpg
Trương Hoàng Bảo Ngọc bước qua nhiều thăng trầm để được là chính mình

Để kiếm sống, Ngọc phải bươn chải từ Nam ra Bắc, làm đủ nghề, từ phục vụ, bán hàng, nhân viên spa, quán karaoke, quán bar… miễn có tiền và được sống hạnh phúc.

Nhưng có lần đi máy bay từ Hà Nội về TP.HCM, Ngọc đã bị giữ lại kiểm tra gần 2 giờ chỉ vì ảnh và tên trên giấy tờ tùy thân khác với hình dáng bên ngoài. Vì thế, hiện Ngọc đã đổi tên trên giấy tờ từ Trương Hoàng Thành thành Trương Hoàng Bảo Ngọc, nhưng giới tính vẫn là nam, do Luật Chuyển đổi giới tính chưa được thông qua…

Những tháng ngày lang thang, Ngọc gặp một số người cùng cảnh, nên đã gom lại sống chung để hỗ trợ lẫn nhau, rồi tạo thành một cộng đồng LGBT An Giang từ năm 2015.

Dần dần, Ngọc cũng lo được kinh tế cho bản thân. Khi thấy Ngọc hạnh phúc trong thân hình con gái, tự lập được cuộc sống ổn định, ba mẹ đã dần chấp nhận.

z5514184108658_a61fdac69c19d40200e4589e58cbce4f.jpg
Trương Hoàng Bảo Ngọc và mẹ - người giờ đây đã hỗ trợ cô rất nhiều trong công tác cộng đồng

Năm 2021, khi dịch Covid xảy ra, Ngọc trở về nhà. Lúc này, ba mẹ mới tâm sự rằng chỉ sợ con trai mình “hoá gái” sẽ không được ai tôn trọng, yêu thương, không có công ăn việc làm. Thà cứ sống như một người nam yêu một người nam thì ba mẹ cũng chấp nhận … Nhưng thấy sau khi chuyển giới, Ngọc vẫn có công việc ổn định, vẫn được mọi người tôn trọng, giờ đây, ba mẹ đã hoàn toàn yên tâm.

Khi đã lo được cuộc sống cho mình, Ngọc muốn được hỗ trợ cộng đồng LGBT nhiều hơn, vì cô không muốn họ phải trải những cay đắng, kỳ thị mà cô đã từng… Đặc biệt, ba mẹ, gia đình hiện còn hỗ trợ đắc lực để giúp Ngọc hoàn thành tốt với sứ mệnh với cộng đồng.