Hành trình tỷ phú của ông chủ ứng dụng giao hàng Lalamove

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chow Shing Yuk đã từng bước xây dựng Lalamove từ một cơ sở nhỏ ở Hồng Kông trở thành gã khổng lồ trong mảng logistics và giao hàng.

Chow Shing Yuk, một người chơi poker chuyên nghiệp từng học chuyên ngành kinh tế tại Đại học Stanford, đã gia nhập hàng ngũ tỷ phú, nhưng không phải bằng cách thắng một ván bài, theo Forbes.

Trong thập kỷ qua, Chow đã từng bước xây dựng Lalamove từ một cơ sở nhỏ ở Hồng Kông thành một ‘gã khổng lồ’ về logistics và giao hàng, được hậu thuẫn bởi Sequoia China của Neil Shen và Hillhouse Capital của Lei Zhang.

Chow không phải là một học sinh xuất sắc trong khoảng thời gian đi học ở Hồng Kông, nhưng ông đã bắt kịp ngay trước khi tốt nghiệp để đạt điểm cao nhất trong lớp và được nhận vào Đại học Stanford danh giá.

Cựu poker chuyên nghiệp

Sau khi tốt nghiệp Stanford vào năm 1999, Chow gia nhập Bain and Company, nơi ông làm cố vấn quản lý trong 3 năm. Tuy nhiên, ông cũng sớm tìm thấy niềm đam mê mới – Texas Holdem Poker – và quyết định nghỉ việc để tập trung toàn thời gian vào việc trở thành một tay cờ bạc trực tuyến chuyên nghiệp.

Ông chỉ mất 3 năm để bắt đầu kiếm được tiền từ cờ bạc và thậm chí có thể kiếm được tới 1 triệu HKD (128.855 USD) trong 1 tháng.

Sau 7 năm trở thành một poker chuyên nghiệp, số tiền thắng cược của ông lên tới hơn 30 triệu HKD (3,87 triệu USD). Với khối tài sản tích lũy được, ông quyết định quay trở lại Hồng Kông và thử sức với lĩnh vực bất động sản bằng việc mua hàng chục căn hộ vào năm 2009.

Dù có gặp may mắn nhưng Chow lại ghét bản chất nhàn rỗi của công việc kinh doanh này. Đến năm 2013, ông nhận ra cơ hội rộng mở trong ngành công nghiệp internet di động, sau khi chứng kiến tốc độ phát triển nhanh chóng của các công ty vận tải hành khách mới nổi ở Trung Quốc như Uber và Didi.

Nhưng sau đó, ông đã nhìn thấy tiềm năng kinh doanh lớn hơn trong lĩnh vực logistics và vận chuyển hàng hóa truyền thống và công nghệ lúc bấy giờ.

“Có 1,35 triệu taxi ở Trung Quốc nhưng có đến 20 triệu xe tải chở hàng. Hiệu suất của số xe tải đó đang rất thấp”, ông Chow nói.

Ông nhận thấy nền tảng kết hợp của Uber và Didi có thể hoàn thành từ 40 tới 60 đơn hàng mỗi ngày, hiệu quả gấp đôi so với taxi thông thường.

Đến tháng 10/2013, ông Chow, với thái độ ưa mạo hiểm thường thấy của mình, đã bán hết tất cả các bất động sản đang nắm giữ ở Hồng Kông để dồn vốn cho một nền tảng kết hợp vận chuyển hàng hóa mới, EasyVan – tiền thân của Lalamove.

Cách tiếp cận ban đầu của Chow để lãnh đạo Lalamove cũng có phần không ổn định và thất thường. Ông đã vội vàng mở rộng hoạt động sang Nhật Bản ngay trong tháng đầu tiên hoạt động của công ty, để rồi sau đó phải rút lui khi đón nhận những khoản lỗ đáng kể.

Đến cuối năm 2014, công ty tuyên bố tiến thân vào thị trường Trung Quốc đại lục và Đông Nam Á thông qua hai thương hiệu và ứng dụng độc lập: Huolala cho Trung Quốc và Lalamove cho Đông Nam Á.

Đối với Chow, thị trường Trung Quốc là một cơ hội to lớn, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ trong nước. Song với chiến lược đúng đắn, công ty đã thành công mời gọi các nhà đầu tư tài trợ cho vòng gọi vốn Series A trị giá 10 triệu USD vào tháng 1/2015.

Tính đến tháng 12/2022, phạm vi hoạt động của Huolala đã bao phủ 360 thành phố ở Trung Quốc, với 680.000 tài xế hoạt động hàng tháng và 9,5 triệu người dùng hoạt động.

Ứng dụng giao hàng Lalamove đang khá phổ biến ở Việt Nam (Ảnh: Internet)

Ứng dụng giao hàng Lalamove đang khá phổ biến ở Việt Nam (Ảnh: Internet)

Trong khi đó, 'người anh em' của Huolala là Lalamove cũng tích cực mở rộng ra 24 thị trường trên khắp Đông Nam Á như Kuala Lumpur, Manila, Hà Nội, Bangkok,…

Năm 2019, Lalamove đạt trạng thái kỳ lân khi đóng vòng gọi vốn Series D trị giá 300 triệu USD. Sau đó, công ty bắt đầu nhen nhóm tham vọng với khu vực Mỹ Latinh với việc triển khai hoạt động tại Brazil và Mexico.

Tới tỷ phú khởi nghiệp hiếm hoi ở Hồng Kông

Ngày 28/3, Lalatech Holdings (công ty mẹ của Lalamove) đã nộp đơn xin chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Hồng Kông. Theo hồ sơ, Chow sở hữu 25% cổ phần của công ty thông qua quỹ tín thác của gia đình.

Dựa trên lượng cổ phần nắm giữ và số tiền thu được từ việc bán cổ phần trước đó, Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của Chow đạt 2,2 tỉ USD, qua đó đưa ông trở thành tỷ phú khởi nghiệp hiếm hoi ở Hồng Kông.

Trong lần gọi vốn gần nhất của Lalamove tại vòng Series G trị giá 230 triệu USD vào tháng 11/2021 – thời kỳ “bong bóng khởi nghiệp”. Theo một báo cáo của The Information, Lalamove đã đạt được mức định giá đến 13 tỉ USD trong vòng này.

Tuy nhiên, bối cảnh lãi suất tăng và lo ngại suy thoái kinh tế đã làm giá trị của nhiều startup, trong đó có Lalamove, sụt giảm.

Chow Shing Yuk, đồng sáng lập và chủ tịch của Lalamove (Ảnh: Forbes)

Chow Shing Yuk, đồng sáng lập và chủ tịch của Lalamove (Ảnh: Forbes)

Hồ sơ IPO cho biết, Chow đã bán 2,17 triệu cổ phiếu của Lalamove cho ‘gã khổng lồ’ internet Trung Quốc Tencent, một trong những nhà đầu tư của công ty, với giá 100 triệu USD vào tháng 12/2022, định giá công ty ở mức 7,8 tỉ USD.

Đơn đăng ký niêm yết tại Hồng Kông của đơn vị logistics này được đưa ra gần 2 năm sau khi có thông tin cho là Lalamove bí mật nộp hồ sơ IPO tại Mỹ để huy động ít nhất 1 tỉ USD, theo Bloomberg News.

Bên cạnh Sequoia China và Hillhouse, Lalamove còn thu hút nhiều nhà đầu tư tầm cỡ khác như Tập đoàn FWD của Richard Li, C Capital của ông trùm bất động sản Adrian Cheng và Gaw Capital Partners của Goodwin Gaw.

Theo hồ sơ gửi lên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông, Lalamove đã cố gắng thu hẹp khoản lỗ ròng khoảng 96% so với cùng kỳ năm trước xuống mức 93 triệu USD vào năm 2022. Trong khi đó, doanh thu công ty đã tăng 23% cùng kỳ, lên khoảng 1 tỉ USD, với 90% đến từ hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.

Lalamove cho biết, sự tăng trưởng ổn định này phần lớn nhờ vào mạng lưới đại lý và nhà cung cấp dịch vụ rộng khắp được xây dựng trong vài năm qua.

Công ty đã phục vụ khoảng 11 triệu người bán hoạt động trung bình hàng tháng tại hơn 400 thành phố ở châu Á và châu Mỹ Latinh trong năm 2022, đồng thời kết nối với 1 triệu nhà mạng hoạt động trung bình hàng tháng. Mạng lưới này cho phép công ty có thêm nguồn thu từ phí thành viên và phí hoa hồng nhà mạng.

Lalamove tiến vào thị trường Việt Nam từ tháng 10/2017 với ứng dụng giao hàng xe máy, xe tải trong lĩnh vực giao hàng chặng cuối. Tính đến tháng 12/2022, nền tảng này cho biết có hơn 1 triệu người dùng, trên 100.000 đối tác tài xế và trên 20.000 đối tác kinh doanh ở Việt Nam.

Công ty TNHH Lalamove Việt Nam được thành lập vào tháng 12/2017, có trụ sở chính tại tòa nhà Waseco, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM, với vốn điều lệ ban đầu là 2 tỉ đồng. Người đại diện theo pháp luật hiện tại là ông Loo Kar Pui Paul (SN 1968), ông Gary Hui (SN 1987) và bà Nguyễn Ngọc Trúc (SN 1985).

Nguồn tham khảo: Forbes, KrASIA