Hải quan phản hồi về việc truy thu thuế đối với 8 doanh nghiệp sữa

 Ngày 26-11, 8 doanh nghiệp sữa tại Việt Nam có văn bản khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính phản đối việc áp dụng mã số không có căn cứ với mặt hàng Anhydrous Milkfat. Về vấn đề này đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) đã có phản hồi với báo chí.  
Cơ quan hải quan cho rằng, các doanh nghiệp đã khai mã hàng chưa chính xác
Cơ quan hải quan cho rằng, các doanh nghiệp đã khai mã hàng chưa chính xác

Tại văn bản kiến nghị, các doanh nghiệp cho rằng, việc Tổng cục Hải quan bất ngờ yêu cầu đổi mã số mặt hàng Anhydrous Milkfat kéo mức thuế suất nhập khẩu mặt hàng này tăng từ 5% lên 15% là mang tính áp đặt và không có căn cứ. Ước tính từ phía doanh nghiệp, số thuế bị truy thu sẽ ở khoảng 1.000 tỷ đồng.

Trước đó, theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan đề nghị áp dụng thống nhất việc phân loại hàng hóa đối với mặt hàng có tên thương mại “Anhydrous Milkfat” và “Anhydrous Butterfat”.

Tổng cục Hải quan cho biết, “Anhydrous Milkfat” - dầu bơ khan và “Anhydrous Butterfat”- chất béo khan của bơ là 2 mặt hàng khác nhau, có mã số HS và thuế suất khác nhau. Đối với hàng có tên thương mại “Anhydrous Milkfat”, mã số 0405.90.90 có suất thuế nhập khẩu là 15%. Trong khi đó, đối với hàng có tên thương mại “Anhydrous Butterfat” thuộc mã số 0405.90.10 có thuế suất thuế nhập khẩu là 5%.

Vì vậy, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và Cục Kiểm tra sau thông quan thực hiện kiểm tra sau thông quan đối với các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng khai báo “Anhydrous Milkfat”- và “Anhydrous Butterfat”. Quá trình kiểm tra sau thông quan nếu phát hiện vướng mắc về chính sách và phân loại thì có đề xuất, kiến nghị gửi Tổng cục Hải quan xem xét, xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý.

Sau khi có kiến nghị của 8 doanh nghiệp nêu trên, phải hồi với báo chí, đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: “Chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn các địa phương, theo nguyên tắc quy định phân loại thì đây là hai mặt hàng khác nhau. Dầu bơ khan là một dòng và chất béo khan của bơ là một dòng thuế khác. Nhưng khi nhập khẩu, một số doanh nghiệp nhập mặt hàng dầu bơ khan vẫn khai là chất béo khan của bơ”.

“Như vậy, trường hợp này không phải là một mặt hàng mà biểu thuế là hai dòng hàng. Ý kiến của Bộ Công Thương cũng như tại Thái Lan cũng là hai mặt hàng khác nhau. Nhưng doanh nghiệp tại Việt Nam nhập khẩu lại khai thành một. Ở đây chúng tôi không khẳng định doanh nghiệp nào khai sai, khai đúng mà từ dấu hiệu đó chúng tôi có chỉ đạo cho các địa phương kiểm tra sau thông quan”, đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan phân tích.

“Nếu xác định đúng là dầu bơ khan thì phải áp thuế suất 15% và chất béo khan của bơ là 5%. Còn số liệu truy thu 1.000 tỷ đồng là chưa chính xác, trường hợp khai chưa đúng thì chênh lệch vào khoảng 700 tỷ đồng. Để xử lý kiến nghị của các doanh nghiệp, chúng tôi sẽ có buổi họp với Tổng cục Hải quan và lãnh đạo Bộ Tài chính”, đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan thông tin thêm. 

Theo ANTĐ