Hải quan Hải Phòng bị hai DN "đòi" hàng trăm tỷ đồng

VietTimes – PV OIL và Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đã văn bản lên văn bản xuống đề nghị Cục Hải quan Tp. Hải Phòng phải hoàn trả số tiền đã tạm nộp vào trước đó song mãi vẫn không được giải quyết. Thậm chí Hiệp hội Xăng dầu cũng phải lên tiếng để hỗ trợ hội viên.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 04/03/2016, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã có văn bản số 157/HHXDVN gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan kiến nghị các cơ quan này “nhanh chóng xem xét hồ sơ và ra quyết định hoàn trả tiền thuế và tiền phạt chậm nộp thuế” đối với Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) và Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.

Số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp thuế “oan” này, theo văn bản, là “rất lớn lên đến hàng trăm tỷ đồng”. Đơn vị ra quyết định ấn định thuế, quyết định phạt nộp chậm thuế đối với hai doanh nghiệp là Chi cục kiểm tra sau thông quan – Cục Hải quan TP. Hải Phòng.

Ngày 04/12/2015, Bộ Tài Chính có công văn số 18018/BTC-TCHQ do Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký về việc hoàn thuế nhập khẩu đối với những doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đã xuất trình được C/O hợp lệ để hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Tại Mục 3 có nêu: “Đối với trường hợp cơ quan hải quan phát hiện có dấu hiệu nghi vấn về tính hợp phát, hợp lệ của C/o để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt thì từ chối hoàn tiền thuế nhập khẩu, gửi toàn bộ hồ sơ liên quan đến lô hàng, để Tổng cục Hải quan tiến hành xác minh. Trong trường hợp này đơn vị thông báo rõ lý do để doanh nghiệp biết.

“Thực hiện công văn 18018/BTC-TCHQ ngày 04/12/2015 của Bộ Tài Chính, 02 doanh nghiệp này đã nhiều lần làm việc với Chi cục kiểm tra sau thông quan Cục Hải quan TP. Hải Phòng, kiến nghị Bộ Tài Chính, Tổng cục Hải Quan, Cục Hải Quan TP. Hải Phòng sớm giải quyết vướng mắc và trả lại số tiền thuế đã thu của doanh nghiệp, nhưng đến nay, những vướng mắc về C/O chưa được giải quyết, số tiền thế doanh nghiệp tạm nộp chưa được hoàn trả”, văn bản nhấn mạnh.

Liên quan đến vụ việc, trước đó, ngày 20/03/2015, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã có văn bản số 1129/DVN-KDSPD gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Tp. Hải Phòng, Chi cục Kiểm tra sau thông quan – Cục Hải quan Tp. Hải Phòng, đề nghị hai Bộ và Tổng cục Hải quan “xem xét có ý kiến chỉ đạo và Cục Hải quan Tp. Hải Phòng, Chi cục Hải quan sau thông quan – Cục Hải quan Tp. Hải Phòng xem xét hoàn trả lại số tiền 51.101.656.974 đồng mà PV Oil đã nộp và ngân sách”.

Đến ngày 18/02/2016, PV Oil tiếp tục ra văn bản số 1129/DVN-KDSPD, nhắc lại đề nghị trên, đồng thời nhấn mạnh rằng “tình hình sản xuất kinh doanh của PV Oil hiện đang gặp rất nhiều khó khăn” nên đề nghị các cơ quan giải quyết sớm.

Được biết, ngày 29 tháng 12 năm 2015, Bộ Công thương đã có văn bản số 13467/BCT-XNK gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) trao đổi phản ánh của PV Oil và Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà về tình trạng một số C/O mẫu D do cơ quan có thẩm quyền của Singapore cấp bị Cục Hải quan Hải Phòng kết luận là không đủ điều kiện để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt với lý do tại ô số 8 của C/O ghi tiêu chí xuất xứ là CTH nhưng ô số 9 lại ghi trị giá CFR.

Tại văn bản này, Bộ Công Thương có nêu ý kiến về việc“Ô số 8 ghi tiêu chí xuất xứ “CTH” nhưng tại Ô số 9 ghi trị giá CFR”, tương tự vấn đề như 02 lô hàng mà PV Oil đã báo cáo. Theo đó, trường hợp C/O mẫu D có ghi tiêu chí CTC (CC/CTH/CTSH) ở ô số 8 và ghi trị giá FOB/CFR ở ô số 9 là có thể được chấp nhận theo hướng dẫn nêu trên của Tổng cục Hải quan.

Hữu Vinh