Ngày 10/3, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HSX: HAG) đã có báo cáo về giao dịch cổ phiếu HNG thuộc sở hữu của HAGL.
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 1-4/3/2016, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) - Chi nhánh Gia Lai đã bán giải chấp 5,82 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã HNG-HOSE) thuộc sở hữu của HAGL để thu hồi nợ vay.
Sau giao giao dịch bán giải chấp này, HAGL đã giảm tỷ lệ sở hữu tại HNG từ hơn 548,9 triệu cổ phiếu, chiếm 77,51% vốn xuống còn hơn 543 triệu cổ phiếu, chiếm 76,69% vốn điều lệ.
Được biết, trong khoảng thời gian giao dịch từ ngày 1-4/3/2016, giá đóng cửa của cổ phiếu HNG dao động từ 7.500 đồng đến 8.100 đồng. Căn cứ vào mức giá này, có thể thấy ngân hàng ACB đã thu về khoảng trên 43 tỷ đồng từ việc bán HNG thuộc sở hữu của HAGL.
Báo cáo bán niên soát xét 2015 của HAGL cho biết, tính đến ngày 30/06/2015, HAGL đang vay dài hạn Ngân hàng ACB – Chi nhánh Gia Lai tổng cộng 135,1 tỷ đồng, trong đó, nợ dài hạn đến hạn trả là 24,6 tỷ đồng.
Theo hợp đồng tín dụng số GILDN02041110 ngày 4/11/2010, thời gian hoàn trả của khoản vay trên là 120 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên, và lãi suất vay vốn là thả nổi (từ 10,5% - 11%/năm).
Đáng lưu ý, vì tài sản bảo đảm cho hợp đồng tín dụng trên là 19 triệu cổ phiếu HNG và khoản tiền gửi có kỳ hạn 24 tỷ đồng của Công ty, nên nhiều khả năng, quyết định bán giải chấp thu hồi vốn vay của ACB mà HAGL đề cập trong thông báo vừa công bố có khả năng sẽ liên quan đến trách nhiệm chi trả của hợp đồng tín dụng này.
Và đáng nói hơn, khoản vay dài hạn tại ACB Gia Lai, thực ra chỉ chiếm một khối lượng rất nhỏ trong tổng số 7.692,4 tỷ đồng mà HAGL đang vay dài hạn tại các ngân hàng, tính đến giữa năm 2015. Trong đó, 531 tỷ đồng là vay dài hạn đến hạn trả.
Thực tế, ACB hiện chỉ xếp chót, xét theo dư nợ vay dài hạn của HAGL tại các ngân hàng. 4 cái tên bơm vốn khủng nhất cho HAGL là Eximbank – Sở Giao dịch 1 (3.057,6 tỷ đồng); BIDV (2.574,4 tỷ đồng), Sacombank (1.200,9 tỷ đồng); Ngân hàng Liên doanh Lào Việt - Chi nhánh Attapeu (724,3 tỷ đồng).
Các khoản vay dài hạn trên, theo công bố của HAGL, được sử dụng chủ yếu để tài trợ cho các dự án xây dựng và phát triển thủy điện, trồng cây cao su và mía, phát triển dự án bò thịt, xây dựng căn hộ, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và mua sắm máy móc thiết bị của Tập đoàn.
Ngoài ra, liên quan đến ACB, cũng cần biết rằng, bằng sự thu xếp của Công ty TNHH Chứng khoán ACB - ACBS (một Công ty con của Ngân hàng ACB), ngày 25/4/2012, HAGL đã thu về được 1.841 tỷ đồng trong kế hoạch chào bán 2.500 tỷ đồng trái phiếu cho các nhà đầu tư: Sacombank (450 tỷ VND), ACBS (450 tỷ VND), Eximbank (800 tỷ đồng), Công ty TNHH Hoàng Phú Sơn (141 tỷ đồng).
Lô trái phiếu trên, chốt đến ngày 30/06/2015, theo nhiều con đường hiện đã chuyển sở hữu sang các ngân hàng: BacA Bank (521 tỷ đồng), HDBank (200 tỷ đồng), VietCapital Bank (240 tỷ đồng), Eximbank (800 tỷ đồng). Trước đó, vào ngày 2/4/2015, công ty đã mua lại trước hạn trái phiếu 80 tỷ đồng từ CTCP Hoàn Mai.
Được biết, tài sản bảo đảm của lô trái phiếu trên là 53,08 triệu cổ phiếu HAG của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty.
14 triệu cổ phiếu HNG “mất tích” bí ẩn
Trở lại với thông báo bán giải chấp cổ phiếu HNG của ACB mà HAGL vừa công bố, đáng chú ý rằng,các số liệu trong đó lại bất ngờ đưa đến một câu hỏi mới.
Theo đó, trong báo cáo về tình hình quản trị công ty năm 2015 của HNG được công bố ngày 25/1/2016, HAGL vẫn đang nắm hơn 563 cổ phiếu HNG.
Nhưng đến ngày 10/3, trong phần công bố thông tin chỉ ra trước khi ACB bán giải chấp HNG, HAGL chỉ còn nắm hơn 548,9 triệu cổ phiếu HNG - giảm hơn 14 triệu cổ phiếu so với mức nắm giữ hơn 563 triệu cổ phiếu nêu trên.
Câu hỏi đặt ra là 14 triệu cổ phiếu HNG này của HAGL đã đi đâu?
Nên nhớ, từ ngày 25/1/2016 đến trước ngày 10/3/2016, cả HAGL lẫn HAGL Agrico đều không công bố thông tin gì liên quan tới việc giảm sở hữu hơn 14 triệu cổ phiếu HNG.
Hữu Vinh