Hà Nội: Chỉ khoảng 30% vốn vay ngân hàng đáp ứng nhu cầu chăn nuôi

VietTimes -- Hiện nay, nguồn vốn đầu tư cho chăn nuôi tại Hà Nội còn thiếu, việc tiếp cận các Ngân hàng để vay vốn còn khó khăn. Mức vốn vay chỉ đáp ứng 20- 30% nhu cầu đầu tư chăn nuôi.
Ngoài việc thiếu vốn, ngành chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội còn thiếu kỹ năng phân tích thị trường- (Ảnh minh họa).
Ngoài việc thiếu vốn, ngành chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội còn thiếu kỹ năng phân tích thị trường- (Ảnh minh họa).

Tại Hội nghị kết nối các doanh nghiệp sản xuất- phân phối thực phẩm Việt an toàn, chất lượng, ông Nguyễn Huy Đăng, PGĐ Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, ngoài việc thiếu vốn, ngành chăn nuôi trên địa bàn thành phố còn thiếu kỹ năng phân tích thị trường, lập kế hoạch sản xuất và hạch toán hiệu quả kinh tế. Đồng thời, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong chăn nuôi còn hạn chế do đầu tư chi phí lớn.

Ngoài ra, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vẫn qua khâu trung gian (thương lái), mà chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc của lợn/gia cầm. Tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, thủ công còn phổ biến đã trực tiếp cạnh tranh với những cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung, bán công nghiệp.

Các cơ sở giết mổ công nghiệp với dây truyền công suất lớn, hiện đại được nhập khẩu từ các nước phát triển đến nay không hoạt động được do khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân do chưa liên kết tốt từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm, vì hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích và các cơ sở chế biến tự nhập lợn mảnh của các lò mổ thủ công về đóng gói bán.

Ông Nguyễn Huy Đăng đưa ra giải pháp trong thời gian tới phải phát triển nhãn hiệu chứng nhận để giúp người tiêu dùng không phải mua sản phẩm an toàn bằng lòng tin nữa mà có cơ sở khoa học để khẳng định chắc chắn đâu là sản phẩm an toàn, giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm an toàn.

Vì vậy, cần phải bồi dưỡng, thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư lấp vào khoảng trống hiện nay trong sản xuất và tiêu thụ. Thúc đẩy phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích ở cả vùng thành thị và nông thôn.

Liên quan đến đầu tư, sản xuất chăn nuôi để tạo ra sản phẩm an toàn, Ông Phạm Ngọc Thành, CEO Công ty cổ phần tư vấn phát triển và thương mại Phúc Lâm cho biết, hiện nay, chúng ta chưa có thống kê cụ thể nào về tỷ lệ giữa thực phẩm an toàn và thực phẩm không an toàn trên thị trường, nhưng không khó khăn gì khi nhìn thấy những hậu quả ghê gớm mà thực phẩm không an toàn gây ra.

Qua các kênh truyền thông, hàng ngày người tiêu dùng không khỏi lo lắng và cảm thấy lo lắng, kinh sợ, giận dữ những kẻ đang sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn khi chứng kiến những hình ảnh do cơ quan chức năng phát hiện và phản ánh.

"Cần tạo ra liên kết bền vững trong sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn. Tức là sự hợp tác lâu dài giữa các đơn vị sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, trong mối liên kết với các cơ quan chức năng, người tiêu dùng để sản xuất và mang tới cộng đồng những sản phẩm hàng hóa phù hợp với nhu cầu và thực sự có giá trị hữu ích cho người sử dụng", ông Thành cho biết.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Huy Đăng nếu muốn tạo ra thực phẩm an toàn thì trước mắt phải đầu tư cho chăn nuôi. Tức tạo cơ sở để các hộ chăn nuôi tiếp cận Ngân hàng được thuận lợi hơn.

"Cần kết nối các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trực tiếp ký hợp đồng với các trại chăn nuôi nhằm giảm khâu trung gian. Mặt khác, hợp đồng bao tiêu sản phẩm này là cơ sở để các hộ chăn nuôi tiếp cận Ngân hàng được thuận lợi hơn", ông Đăng đưa ra giải pháp.

Ngoài ra, theo ông Đăng cần thúc đẩy phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích. Phát triển cửa hàng tiện ích sẽ giúp quản lý được chất lượng sản phẩm, sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tiện lợi khi mua sắm. Nếu tạo được thói quen mua sắm này, các cơ quan quản lý không chỉ quản lý dễ dàng chất lượng sản phẩm đảm bảo ATTP mà còn có được nguồn thu lớn thuế GTGT từ các hệ thống cửa hàng tiện ích, nhà máy sản xuất chế biến thực phẩm mà hiện nay mới chỉ có các siêu thị mới làm được.