Hà Nội cấp phép cho 700 shipper, đẩy mạnh mua sắm trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – UBND TP.Hà Nội khuyến khích người dân mua bán hàng hóa thiết yếu qua ứng dụng thương mại điện tử, kênh online, điện thoại, có thể phục vụ 24/7 nếu cần thiết.
Ảnh minh họa: Sở Công thương TP. Hà Nội.
Ảnh minh họa: Sở Công thương TP. Hà Nội.

Nhằm bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh, Sở Công Thương Hà Nội đã lập danh sách 700 xe mô tô 2 bánh vận chuyển hàng hóa. Đây là các shipper của các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm. Danh sách đã được gửi Sở Giao thông Vận tải (GTVT) để được xem xét cấp thẻ vận chuyển, cung ứng hàng hóa thiết yếu đến người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng công khai danh sách tổng hợp điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và danh sách các chợ trên địa bàn thành phố. Theo đó, sẽ có 7.866 điểm bán, 455 chợ cung cấp hàng hóa thiết yếu đặt tại các quận, huyện của thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân thủ đô. Trong đó, có các bưu cục, chuyển phát nhanh nhằm phục vụ vận tải, cung ứng hàng hóa.

Báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, số lượng đơn hàng của các sàn thương mại điện tử đang gặp khó khăn tại khâu giao hàng. Tình trạng này đang xảy ra đối Hà Nội và các tỉnh, thành phố thực hiện quy định giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Việc hạn chế nhân viên giao nhận hàng hóa của các sàn thương mại điện tử đã cắt đứt chuỗi lưu thông từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng. Người dân có nhu cầu mua hàng hóa thiết yếu phải tập trung đến các siêu thị, chợ truyền thống tăng, kéo theo nguy cơ lây nhiễm ở khu vực công cộng.

Nắm bắt tình hình, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) đã có văn bản kiến nghị với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương tạo điều kiện cho các sàn thương mại điện tử và đơn vị vận chuyển phân phối hàng hóa thiết yếu. Cục đề xuất xây dựng cơ chế hoặc các chính sách cụ thể cho thương mại điện tử phát huy tối đa lợi thế phương thức này, đồng thời cần có chỉ đạo cụ thể về một điểm tập trung nhận hàng để bảo đảm việc giao vận và quy tắc an toàn phòng chống dịch.

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trong đó, Cục nhấn mạnh nội dung: “Khuyến khích đặt hàng thiết yếu trên các trang thương mại điện tử uy tín, đồng thời đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ngành địa phương như Sở GTVT, Sở Y tế… xây dựng phương án cụ thể duy trì hệ thống giao nhận thương mại điện tử”.

Cục cho biết, trong trường hợp cần thiết, các địa phương cần thiết lập “điểm tập kết hàng hóa” cho thương mại điện tử ngay tại các khu cách ly tập trung hoặc các khu vực cư dân bị phong tỏa. Với phương án này, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho rằng, cơ quan địa phương vừa quản lý được nhân viên giao nhận thương mại điện tử, vừa hạn chế việc người dân ra đường và giảm áp lực đối với hệ thống phân phối truyền thống trong bối cảnh dịch bệnh.

Hiện tại, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đang phối hợp với Sở Công Thương, Sở GTVT Hà Nội xây dựng phương án trên.

Các doanh nghiệp được cấp thẻ vận chuyển gồm Công ty CP Thực phẩm Hương Sơn 13 shipper, Công ty CP Sản xuất và thương mại An Việt 17 shipper; Công ty CP Tiên Viên 4 shipper; Công ty TNHH Thương mại Quốc tế và Thương mại dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long 49 shipper; Công ty TNHH 2-9 Hà Tây 8 shipper; Công ty TNHH bán lẻ Fuji Mart Việt Nam 39 shipper; Công ty TNHH bán lẻ BRG 182 shipper; Hệ thống siêu thị Mường Thanh tại Hà Nội 75 shipper; Công TNHH Thương mại Sài Gòn Co.op Hà Nội 21 shipper; Công ty CP Quốc tế Homefarm 174 shipper; HTX DVTH Đông Cao 1 shipper; Công ty CP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam 19 shipper; Chi nhánh Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam tại Hà Nội 33 shipper; Công ty AEON Việt Nam 34 shipper; Công ty CP kinh doanh và chế biến thực phẩm Hà Nội 2 shipper.